Nỗ lực xây dựng xã hội học tập vững mạnh
Để thực hiện hiệu quả Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 'Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2020', thời gian qua, Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp, mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt.
Kết quả nổi bật là từ năm 2016 đến nay, thực hiện việc tổ chức học tập, bồi dưỡng kiến thức cho người dân tại cộng đồng, các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, các chuyên đề đáp ứng yêu cầu của người học; triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, các dự án, chương trình tại địa phương; chủ động điều tra nhu cầu học tập của cộng đồng để xây dựng nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng; quản lý chặt chẽ cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm học tập cộng đồng theo quy định của pháp luật…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên trên cơ sở nhu cầu vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng cơ quan, đơn vị. Hằng năm, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng; chú trọng việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn theo vị trí việc làm; quan tâm đến việc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học… để phục vụ tốt cho công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của tỉnh… Qua đó, việc xây dựng xã hội học tập đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trên lĩnh vực xóa mù và phổ cập giáo dục, số người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 25 tuổi đạt tỉ lệ 99,62%, từ 26 - 35 tuổi đạt 98,16%, từ 36 - 60 tuổi đạt 96,14% và số người mới biết chữ tiếp tục tham gia giáo dục đạt tỉ lệ 88,28%.
Trong nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động đạt hiệu quả cao, số cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt tỉ lệ 100%, cấp huyện đạt 93,68%, cấp xã đạt 83,81%; số lao động nông thôn tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng đạt tỉ lệ 43,18%. Trong nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, số cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt tỉ lệ 72%, có trình độ ngoại ngữ đạt tỉ lệ 59%. Hằng năm, tăng dần tỉ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống để xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn…
Mới đây, tại hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 89 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2020” trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh Hoàng Nam cho rằng, để tiếp tục thực hiện xây dựng xã hội học tập thường xuyên, có hiệu quả, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh cần quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng xã hội học tập gắn với trách nhiệm của mọi cá nhân, mà trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân trong việc học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội để học tập.
Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, nhất là việc lồng ghép một số chuyên đề về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị. Hội Khuyến học các cấp tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” trong các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của trung ương để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập giai đoạn năm 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, lồng ghép các chương trình, kế hoạch về hướng nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, tạo sự kết nối, liên thông và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi… Bên cạnh đó, cần tăng cường kiện toàn Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh, cấp huyện...
Đẩy mạnh việc xã hội hóa và huy động tốt mọi nguồn lực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để thực hiện đạt mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn năm 2021 - 2030. Có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào các loại hình giáo dục, nhất là lĩnh vực đào tạo nghề, đào tạo tin học, ngoại ngữ. Gắn kết việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới với xây dựng gia đình văn hóa, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu xây dựng các mô hình sáng tạo trong xây dựng xã hội học tập; Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp có trách nhiệm đánh giá, tổ chức học tập, nhân rộng những cách làm hay, thiết thực…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154695