Nỗ lực xóa bỏ hủ tục nơi miền sơn cước
Phước Lộc là xã vùng núi cao, xa nhất của huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Gần 10 năm trước, địa phương này được biết đến khi liên tiếp xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu khiến nhiều người tử vong. Dân làng cho rằng đây là căn bệnh lạ, do 'bùa ngải' gây ra. Đến khi đội ngũ y tế của tỉnh đến, tiếp cận thì mới biết đó là bệnh bạch hầu. Đến nay, gần 10 năm trôi qua, cuộc sống có nhiều đổi thay, tuy nhiên những hủ tục vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân nơi đây...
Phước Lộc là xã vùng núi cao, xa nhất của huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Gần 10 năm trước, địa phương này được biết đến khi liên tiếp xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu khiến nhiều người tử vong. Dân làng cho rằng đây là căn bệnh lạ, do “bùa ngải” gây ra. Đến khi đội ngũ y tế của tỉnh đến, tiếp cận thì mới biết đó là bệnh bạch hầu. Đến nay, gần 10 năm trôi qua, cuộc sống có nhiều đổi thay, tuy nhiên những hủ tục vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân nơi đây...
Sáng sớm một ngày đầu tháng 5-2015, cháu Hồ Văn S. (4 tuổi, thôn 8, nay là thôn 4, xã PhướcLộc) bỗng nhiên lên cơn co giật rồi tử vong. Theo anh Hồ Văn Biên (bố cháu S.), trước khi tử vong, cháu S. có triệu chứng đau ở cổ họng. Việc cháu S. tử vong không rõ nguyên nhân khiến dân làng lo lắng, cho rằng cháu bị “bùa ngải”. Bởi theo họ, trước đó cháu S. cùng nhóm trẻ trong làng có đến vườn nhà bà Hồ Thị Y. bẻ mía ăn. Sau khi phát hiện mía bị mất trộm, nhiều người thấy bà Y. bắt con gà trắng cúng rồi lấy máu “làm phép”. Do đó, dân làng cho rằng cái chết của cháu S. có liên quan đến “bùa ngải”.
Bất an hơn khi liên tiếp những ngày sau đó, nhiều nạn nhân khác cũng tử vong mà triệu chứng trước khi chết đều giống cháu S. Dân làng ai nấy đều hoang mang. Gia đình có người chết thì lên rẫy ở luôn trên đó, không dám về nhà. Hộ có người mắc bệnh với triệu chứng đau cổ họng thì vay mượn mua trâu, lợn, gà nhờ thầy mo (dân địa phương gọi là Adua) đến cúng bái. “Thời điểm đó, người dân trong thôn chưa biết đến kim tiêm là gì. Đồng nghĩa việc hầu hết con em không được tiêm phòng bệnh. Bị gãy tay, trật khớp cũng cúng. Phụ nữ không chồng mà có thai thì phải ra ngoài rừng sinh con, sau đó mổ heo cúng làng mới được quay về. Bệnh tật phát sinh họ cứ tổ chức cúng bái, sau 10 ngày mà không khỏi bệnh thì mới chịu xuống trạm xá. Thời điểm dịch bạch hầu bùng phát, người dân nhất quyết không chịu đi khám, buộc xã phải “cưỡng chế” họ mới chịu đến khám bệnh”, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc Lưu Huyền Thoại thông tin.
Lãnh đạo xã Phước Lộc cho biết thêm, địa phương cũng là nơi có lệ tục sinh con phải ra bìa rừng ở. Đến gần ngày sinh, người nhà của sản phụ sẽ dựng một cái chòi tạm bợ ở phía bìa rừng, đó là nơi mà cả 2 mẹ con sẽ phải sống cùng nhau trong chừng nửa tháng vì... làng cữ (kiêng). Sau sinh 10 ngày, người chồng sẽ làm con heo đen nhỏ để trình làng rồi mới được quay trở về nhà. Hoặc nhiều gia đình có người đau ốm, thay vì đến bệnh viện chữa trị, họ vay mượn hàng chục triệu đồng để mua trâu về cúng bái. Sau khi cúng, thấy bệnh tình càng nặng hơn, chính quyền nghe tin đến vận động, lúc đó họ mới cho bệnh nhân đi bệnh viện...
Đến năm 2022, điện lưới được kéo đến Phước Lộc, ánh sáng được mang đến xã vùng cao. Lúc này, mọi người nghĩ lạc hậu, hủ tục sẽ được đẩy lùi. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều điều trăn trở. “Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành chức năng, những hủ tục của bà con giảm đi so với trước kia rất nhiều, nhưng để nói rằng triệt để thì không. Vẫn còn đó những buổi đâm trâu, mổ heo để mời Adua giải bệnh; những phụ nữ có con ngoài giá thú phải ra ngoài làng sống 1 tháng, chỉ được vào làng khi đã cúng đủ con heo đen, ít con gà và vài chum rượu...”, ông Thoại xác nhận.
Nói về những giải pháp để xóa bỏ những hủ tục trên, ông Lưu Huyền Thoại cho rằng, về câu chuyện tâm linh, văn hóa của một tộc người mình rất khó để can thiệp một cách thô bạo. “Để được như hiện tại thì chính quyền địa phương đã phải nỗ lực để tuyên truyền, vận động họ rất nhiều. Giờ, mình phải làm theo kiểu mưa dầm thấm lâu, tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho họ thì họa may mới thay đổi được”, ông Thoại nói.
Nhằm thực hiện giải pháp dần nâng cao đời sống người dân, hiện nay xã đang triển khai xóa nhà tạm theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh cho người dân trên địa bàn, dự kiến trong năm này sẽ hoàn thành xóa được 24 nhà tạm để giúp người dân ổn định cuộc sống. “Mỗi nhà được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của nhà nước 60 triệu đồng để dựng nhà. Nhưng chừng đó không thể đủ nên chúng tôi vận động bà con vay thêm 40 triệu đồng để làm ngôi nhà cho vững vàng”, anh Bùi Dương Quốc Anh - Chánh văn phòng UBND xã Phước Lộc thông tin thêm.
Trong ngôi nhà gỗ mới được dựng lại còn nguyên nước sơn láng bóng, bà Hồ Thị Lành (43 tuổi) cười hớn hở: “Nhà mới đây, hết sợ mưa dột, gió bão rồi”. “Thế đau ốm còn cúng bái chi không?”, chúng tôi hỏi. Bà Lành cười rộ: “Có chớ. Mình mới đau gần chết 2 tuần đây. Mời Adua về cúng, không khỏi. Đau quá, chồng phải chở đi viện, nằm 2 tuần thì khỏe rồi về đây”.
“Anh thấy đó, việc thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của người dân không phải nói là làm được ngay. Không phải chúng tôi viện cớ hay đổ thừa trách nhiệm mà đó là thực tế. Nếp nghĩ, nhận thức đã hằn sâu vào tâm thức của người dân Bh’nong bao đời nay thì có muốn thay đổi cũng phải từ từ”, anh Quốc Anh nói như phân trần.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/no-luc-xoa-bo-hu-tuc-noi-mien-son-cuoc-post296912.html