Nỗ lực xóa bỏ khoảng cách giới

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, không loại trừ Việt Nam, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình, trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.

Hội nghị tuyên truyền về công tác bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng ngừa tình trạng hành hạ, xâm hại trẻ em trong CNVCLĐ Phú Thọ năm 2023. Ảnh: Lê Hoàng

Hội nghị tuyên truyền về công tác bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng ngừa tình trạng hành hạ, xâm hại trẻ em trong CNVCLĐ Phú Thọ năm 2023. Ảnh: Lê Hoàng

Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề của mọi thời đại và mang tính toàn cầu. Phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai đều có nguy cơ bị bạo lực giới. Nhưng, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất và chịu tác động nặng nề nhất do bạo lực giới gây ra. Các nhóm người dễ bị tổn thương, nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt có nhiều nguy cơ phải hứng chịu bạo lực giới.

Các hình thức bạo lực giới thường xảy ra như: Bạo lực gia đình, mua bán người, mại dâm, quấy rối tình dục, lựa chọn giới tính khi sinh,... Các hành vi bạo lực nói chung có thể được xem xét thành hai nhóm: Bạo lực giới trong phạm vi gia đình và bạo lực trong cộng đồng.

Bạo lực trên cơ sở giới gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ để lại hậu quả về thể chất, tinh thần mà còn về mặt kinh tế - xã hội, là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm. Bạo lực làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình...

Bất bình đẳng giới được xem là nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực trong gia đình (xã hội vẫn tồn tại những quan niệm bất bình đẳng giới trong gia đình như định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ; cộng đồng và xã hội vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư trong mỗi gia đình và xã hội không nên can thiệp).

Khó khăn về kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình (vì khó khăn về kinh tế thường tạo ra các áp lực, căng thẳng, bế tắc đối với thành viên gia đình và do đó dễ dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp nếu không biết cách xử lý phù hợp có thể gây nên bạo lực gia đình). Các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm... cũng là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bạo lực...

Trong cuộc sống hiện đại, xã hội có xu hướng tiến đến việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Xu thế này đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và được xem là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới được cụ thể hóa trong Luật bình đẳng giới năm 2006. Tiếp theo đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hai Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới với hai giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030.

Mục tiêu chính của hai giai đoạn này bước đầu là cơ bản bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tiếp theo là thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Hội LHPN tỉnh tổ chức truyền thông thay đổi khuân mẫu giới trong việc nhà tại xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn. Ảnh Hồng Huế

Hội LHPN tỉnh tổ chức truyền thông thay đổi khuân mẫu giới trong việc nhà tại xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn. Ảnh Hồng Huế

Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới.

Các Chương trình, dự án về bình đẳng giới được ban hành và thực hiện, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi, góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Xuyên suốt hai Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới nêu trên, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (gọi tắt là Tháng hành động) đã được triển khai từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm (bắt đầu từ năm 2016). Mỗi năm một chủ đề, Tháng hành động đã góp phần mạnh mẽ trong việc thu hút sự quan tâm và tham gia của nhân dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới.

Nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa ứng, phó với bạo lực trên cơ sở giới, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 được triển khai trên phạm vị toàn quốc với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” để thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chăn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Với những thông điệp: “Bình đẳng giới là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội”; “Nam, nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc”; “Chia sẻ việc nhà, gia đình hạnh phúc”; “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”; “Mọi hình thức bạo lực đều vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh”; “Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”; “Hãy hành động vì cộng đồng bình đẳng, văn minh, an toàn và không bạo lực”; “Hành động ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới kêu gọi mỗi cá nhân, đặc biệt là nam giới nâng cao nhận thức và chuyển biến mạnh mẽ trong hành động để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, bảo vệ hạnh phúc của chính mình; đồng thời, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022 (năm 2022 Việt Nam xếp thứ 83/146 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Con số này đã thể hiện rõ rệt những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xóa bỏ khoảng cách giới, xây dựng một xã hội “nam nữ bình quyền”.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-de-hom-nay/no-luc-xoa-bo-khoang-cach-gioi/202558.htm