Nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo ở Đắk Lắk

Hiện nay, thời tiết ở tỉnh Đắk Lắk đang trong cao điểm của mùa khô năm 2025, nhiệt độ ban ngày cao và khí hậu oi bức. Tuy nhiên, với 'mệnh lệnh từ trái tim', các cấp, ngành, đơn vị, địa phương ở Đắk Lắk đã và đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành, bàn giao những ngôi nhà mới cho người dân đưa vào sử dụng, ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo huyện Lắk kiểm tra tiến độ thi công và chất lượng công trình xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo tại xã Ea R'bin.

Lãnh đạo huyện Lắk kiểm tra tiến độ thi công và chất lượng công trình xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo tại xã Ea R'bin.

Bài 2: Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo đang được các cấp, ngành và địa phương ở tỉnh Đắk Lắk quyết liệt thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được sớm tháo gỡ để bảo đảm tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo theo kế hoạch đã đề ra.

Vật liệu xây dựng thiếu, giá cả tăng cao

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau một tháng triển khai, riêng Đề án 214 về xây mới 4.285 căn nhà tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh do Công an tỉnh Đắk Lắk đảm nhận, đến nay toàn tỉnh đã khởi công được 1.886 căn, trong đó có 36 căn đã xây dựng hoàn thành, bàn giao cho gia đình đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như: Công an tỉnh đã tiếp nhận 190 tỷ đồng kinh phí do Trung ương hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh bàn giao, chiếm 73,93% kinh phí Trung ương hỗ trợ và đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phân bổ cho Công an xã, phường, thị trấn thực hiện chương trình.

Tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng và giá cả tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo ở Đắk Lắk.

Tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng và giá cả tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo ở Đắk Lắk.

Tuy nhiên, do Kho bạc Nhà nước đang trong quá trình sáp nhập, hệ thống chưa đồng bộ nên chưa chuyển được kinh phí cho các địa phương. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh chưa thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí đối ứng thực hiện Đề án, do đó, các nhà thầu chưa thể triển khai xây dựng đồng loạt các căn nhà, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Đề án.

Ngoài ra, qua báo cáo của các xã, phường, thị trấn hiện có 1.384 hộ phải bổ sung, thay thế, trong đó có 1.122 trường hợp do chưa bảo đảm điều kiện về đất ở và 262 hộ từ chối nhận xây nhà do diện tích xây dựng nhỏ, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Do đó, phải rà soát, đề nghị bổ sung những trường hợp đủ điều kiện khác. Việc rà soát mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án.

Công an tỉnh đã có hai văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, đánh giá các điều kiện về đất ở của người dân để lập danh sách đề nghị điều chỉnh, bổ sung, thay thế đối với các trường hợp không đủ điều kiện.

Hiện tại, các địa phương báo cáo đã rà soát được 1.418 hộ đủ điều kiện đề nghị bổ sung, thay thế.

Thêm vào đó, hiện tại nguồn vật liệu xây dựng như đá hộc, gạch, cát,... trên địa bàn tỉnh đang thiếu, không đủ cung ứng cho các nhà thầu, đặc biệt các địa phương như: Huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Bông thiếu trầm trọng nên chưa thể triển khai xây dựng đồng loạt.

Mặt khác, giá vật liệu xây dựng trên thị trường hiện nay cao hơn nhiều so với giá dự toán ban đầu, trong đó có loại vật liệu xây dựng cao gấp đôi dự toán, do đó, các nhà thầu không đủ kinh phí để triển khai xây dựng đồng loạt các căn nhà cho người dân.

Lãnh đạo huyện Lắk động viên các nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng nhà cho hộ nghèo trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện Lắk động viên các nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng nhà cho hộ nghèo trên địa bàn.

Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã tổ chức Hội nghị với sự tham gia của đại diện 42 nhà thầu, đơn vị thi công, bốn doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh để tập trung tháo gỡ những khó khăn trên, nhưng tình trạng thiếu vật liệu xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đồng thời, Công an tỉnh đã thành lập các tổ kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình. Qua kiểm tra, phát hiện do thiếu vật liệu xây dựng nên một số nhà thầu đã thay thế bằng vật liệu đá táp-lô, không bảo đảm theo bản vẽ thiết kế. Các Tổ công tác Công an tỉnh đã lập biên bản và đề nghị các nhà thầu dừng thi công, khắc phục ngay những vi phạm trên.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương hỗ trợ người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bảo đảm điều kiện được xây nhà theo quy định.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã làm việc, đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng như: Công ty Xi-măng Thành Công, Mỏ đá Hòa Bình, Công ty Thép ASEAN, Công ty Thép Hoàng Sa, Công ty cát Hưng Vũ cung ứng vật liệu xây dựng cho các nhà thầu, đơn vị thi công xây nhà cho người dân với giá thành sản xuất, không lợi nhuận…

Nhiều kiến nghị, đề xuất từ cơ sở

Bí thư Đảng ủy xã Ea Rbin, huyện Lắk Mai Chí Dũng cho biết: Ea Rbin là xã vùng 3, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, toàn xã có 31 hộ được tỉnh phê duyệt, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có 18 hộ đủ điều kiện để thi công; có bảy hộ không nhận hỗ trợ xây nhà, lý do nhà nhỏ không đủ điều kiện sinh hoạt; năm hộ vướng vào thủ tục đất đai, trong đó có bốn hộ đất nông nghiệp chưa phù hợp với quy hoạch đất ở thông thôn và một hộ nằm trên đất của trạm y tế xã; một hộ đã xây dựng trước, trong quá trình chờ cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Nhiều hộ nghèo sinh sống trong những ngôi nhà tạm trên đất nông nghiệp vướng vào thủ tục đất đai nên không bảo đảm điều kiện xây dựng phải thay thế hộ khác.

Nhiều hộ nghèo sinh sống trong những ngôi nhà tạm trên đất nông nghiệp vướng vào thủ tục đất đai nên không bảo đảm điều kiện xây dựng phải thay thế hộ khác.

Bên cạnh đó, trên địa bàn xã hiện có nhiều hộ dân khó khăn về nhà ở đang ở trên đất nông, lâm nghiệp chưa phù hợp với quy hoạch đất ở nông thôn, vì vậy nhu cầu về nhà ở còn khá cao nhưng không đủ điều kiện để đăng ký.

Đặc biệt, xã nằm cách xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn, các hộ được thụ hưởng sinh sống phân tán, chi phí xây dựng cao… nên các nhà thầu không muốn tham gia thi công.

Do đó, xã Ea Rbin kiến nghị huyện, tỉnh và Chính phủ mở rộng diện tích xây dựng nhà đối với các hộ có đông nhân khẩu hoặc có nguồn vốn đối ứng. Về phía xã đang phối hợp với Công an xã tiến hành rà soát, thay thế, bổ sung các hộ khác đối với 13 hộ đang bị vướng về thủ tục đất đai hoặc không có nhu cầu xây dựng do diện tích không đáp ứng điều kiện sinh hoạt của gia đình để bảo đảm tiến độ thi công, kịp bàn giao theo quy định.

Bí thư Huyện ủy Lắk Nguyễn Văn Long, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện cho biết: Theo Quyết định số 74/QĐ-UBND ngày 14/1/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, toàn huyện có 633 hộ thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, tuy nhiên qua rà soát chỉ có 383 hộ đủ điều kiện xây dựng, 250 hộ không đủ điều kiện hoặc từ chối nhận… Đến nay, toàn huyện đã khởi công được 165 căn.

Bí thư Huyện ủy Lắk Nguyễn Văn Long (người đứng thứ 2 từ phải sang) trực tiếp kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nhà cho hộ nghèo.

Bí thư Huyện ủy Lắk Nguyễn Văn Long (người đứng thứ 2 từ phải sang) trực tiếp kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nhà cho hộ nghèo.

Xác định Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2025 nên huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và địa phương huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

Huyện phấn đấu đến ngày 30/6, hoàn thành 80% số lượng nhà và đến ngày 15/9 hoàn thành 100% số lượng nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa theo kế hoạch. Trước ngày 30/9, hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 100% số lượng nhà ở sửa chữa, xây mới theo kế hoạch của chương trình.

Tại huyện Ea Súp, một trong hai huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2025 sẽ hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.615 căn nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở, trong đó xây mới 1.985 căn, sửa chữa 630 căn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, trong quá trình triển khai có 203 hộ không đủ điều kiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà do vắng mặt tại địa phương, chấp hành án phạt tù, tranh chấp đất, trùng với các dự án hỗ trợ khác, không còn nhu cầu xin rút khỏi dự án…

Bên cạnh đó, thực hiện Công điện 104 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Ea Súp đã rà soát và đăng ký bổ sung 914 hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, trong đó xây mới 670 hộ và sửa chữa 244 hộ. Lý do tăng số hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là do các hộ dân đã được thụ hưởng hỗ trợ về nhà ở từ các chương trình nhưng đã lâu, nhà ở đã xuống cấp, không đủ tiêu chí 3 cứng.

Một số hộ có nhà tạm, bị dột nát, đủ điều kiện nhưng trước đây không đăng ký vì mức hỗ trợ thấp, nhưng nay mức hỗ trợ đã tăng và qua tuyên truyền, vận động nên các hộ tiếp tục có đơn xin đăng ký.

Một số hộ dân trong quá trình rà soát đợt 1 không có mặt tại địa phương, đi làm ăn xa, sau khi trở về có nhu cầu được hỗ trợ để tiếp tục ổn định đời sống...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp Nguyễn Thanh Tuấn trực tiếp kiểm tra tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp Nguyễn Thanh Tuấn trực tiếp kiểm tra tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát, nhưng gia đình có nhiều thế hệ nên có nhu cầu đối ứng để mở rộng, thay đổi bổ sung so với thiết kế mẫu...

Từ thực tế đó, để hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp kiến nghị, đề xuất đối với các hộ xây mới theo chương trình nhà tạm, nhà dột nát do Công an tỉnh phụ trách cho phép người dân đối ứng, thay đổi thiết kế theo hướng mở rộng diện tích, tăng cường kết cấu... nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ủy quyền Ủy ban nhân dân huyện xét duyệt số lượng 203 hộ thay thế các hộ không đủ điều kiện.

Đồng thời xem xét và ban hành quyết định phê duyệt bổ sung 914 hộ gia đình nghèo và cận nghèo thực sự khó khăn về nhà ở, cần được xây mới và sửa chữa trên địa bàn huyện Ea Súp theo chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát…

Các nhà thầu, đơn vị thi công đã và đang khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng nhà cho hộ nghèo.

Các nhà thầu, đơn vị thi công đã và đang khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng nhà cho hộ nghèo.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản báo cáo và đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn năm 2025 trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành.

Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp các tổ công tác của Công an tỉnh tập trung rà soát, phúc tra số hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà và xác định tính pháp lý về đất ở để tham mưu bổ sung các hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà trên cơ sở số căn nhà được phân bổ; nghiên cứu, huy động các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác để triển khai Đề án.

Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, xã, phường, thị trấn trong triển khai xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình được hỗ trợ trên địa bàn; ủng hộ ngày công lao động; đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc xây dựng bảo đảm đúng tiến độ; nghiệm thu, bàn giao cho từng hộ gia đình đúng quy định.

BÀI VÀ ẢNH: CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-cho-ho-ngheo-o-dak-lak-post870958.html