Nỗ lực xứng đáng với kỳ vọng của cử tri

ĐBP - Tốt nghiệp Học Viện Phụ nữ rồi về nhà làm nông dân, trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp vừa qua, cô gái người Khơ Mú Quàng Thị Nguyệt đã được cử tri tín nhiệm bầu vào vị trí ĐBQH với số phiếu trên 77%. Gánh trọng trách trên vai, nữ ĐBQH trẻ nhất nước đã và đang nỗ lực để quyết tâm hoàn thành vai trò, nhiệm vụ mà cử tri quê nhà đã kỳ vọng.

Nữ ĐBQH Quàng Thị Nguyệt giản dị với những công việc thường ngày ở nhà.

Từ đồng ruộng đến nghị trường

Sinh ra và lớn lên tại bản Púng Giắt, xã Mường Mươn, địa phương nhiều khó khăn của huyện Mường Chà, cô gái trẻ Quàng Thị Nguyệt đã sớm nhận thức được rằng học vấn là con đường tốt nhất để vượt lên hoàn cảnh. Vậy nên em đã quyết tâm theo học và tốt nghiệp Học viện Phụ nữ Việt Nam, chuyên ngành Công tác xã hội vào năm 2019. Thế nhưng khi trở về địa phương, cô gái trẻ sinh năm 1997 lại phải đối mặt với thực trạng khó khăn tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn. Nguyệt lại rơi vào vòng luẩn quẩn như bao cô gái vùng cao khác: Lấy chồng, sinh con rồi trở về làm nông dân, quẩn quanh với ruộng đồng. Song từ trong thâm tâm mình, Nguyệt vẫn không ngừng nuôi khát vọng tìm kiếm việc làm, với mong muốn thay đổi cuộc sống bản thân, gia đình và quê hương…

Cơ hội đến khi Nguyệt được hiệp thương giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV với cơ cấu đại biểu trẻ, người dân tộc thiểu số. Kể từ đó em bắt đầu tìm hiểu sâu thêm về cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Lần đầu đến với nghị trường Quốc hội là khi Nguyệt được tham gia lớp tập huấn cho những người ứng cử ĐBQH được tổ chức vào ngày 19/4. Nguyệt chia sẻ: “Khi đứng tại nghị trường giới thiệu về bản thân, trước toàn các cô, bác, anh, chị, trong đó, không ít người có vị trí trong xã hội, lúc đầu em rất run và lo lắng. Nhất là lúc em nói sinh năm 1997, là nông dân, mọi người đều hướng ánh nhìn rồi ồ lên bảo trẻ quá làm em càng tâm lý. Sau đấy, khi nói chuyện với một vị đại biểu lớn tuổi, dày dặn kinh nghiệm ở đó, cô động viên nên em bắt đầu thấy tự tin hơn hẳn”.

Sự tự tin đó đã theo cô gái trẻ suốt quá trình tập huấn, rồi đến hành trình nhiều ngày tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử sau này. Về chương trình hành động của mình, Nguyệt chia sẻ: “Qua mỗi đợt tiếp xúc, lắng nghe những ý kiến, tâm tư của cử tri, bản thân em càng thấy những kỳ vọng mà cử tri đang gửi gắm trên vai các ứng viên ĐBQH. Vấn đề mà em đặc biệt quan tâm là tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay. Bởi đặc thù của Điện Biên là vùng sâu vùng xa, nhiều nơi vẫn còn giữ phong tục tập quán lạc hậu, nên vấn đề trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình vẫn còn nhức nhối trong cộng đồng. Vậy nên nếu được cử tri tin tưởng, giao trách nhiệm, em sẽ cố gắng hết sức mình góp tiếng nói, đề xuất những chính sách phù hợp tạo sự phát triển bình đẳng, bền vững cho cả nam và nữ…”

Không phải nhiều người biết, Nguyệt mới đón hạnh phúc làm mẹ cách đây không lâu. Vậy nên trong hành trình liên tục đi và đến nhiều nơi cách xa nhà thậm chí cả trăm cây số, em phải địu theo con nhỏ đi cùng. Thời gian hành chính bận rộn với các nhiệm vụ của ứng cử viên, rảnh giờ nào Nguyệt lại trở về làm “bà mẹ bỉm sữa”, xoay vần với con nhỏ chưa đầy 7 tháng tuổi. May mắn cho em là có mẹ đi cùng, vừa là người đồng hành động viên chia sẻ, vừa đỡ đần việc trông con nên em mới có thêm quyết tâm thực hiện nhiệm vụ.

Quyết tâm xóa bỏ bất bình đẳng giới

Với sự tín nhiệm của cử tri, vừa qua Quàng Thị Nguyệt đã trúng cử và chính thức trở thành ĐBQH khóa XV, với số 150.131 phiếu, đạt tỷ lệ 77,26% số phiếu hợp lệ, xếp thứ 3 trong danh sách Đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Điện Biên.

Vinh dự, tự hào khi được bầu vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Nguyệt cũng không tránh khỏi những áp lực đi kèm. Em hiểu rõ, để hoàn thành tốt trách nhiệm của một ĐBQH khi tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, lại thêm con nhỏ là điều không dễ dàng. Nhưng với khát vọng mang đến những đổi thay cho quê hương Điện Biên, Nguyệt quyết tâm sắp xếp cuộc sống cá nhân để hoàn thành tốt nhất vai trò, trọng trách mà cử tri quê nhà đã tin tưởng. Nguyệt tâm sự: “Trong chương trình hành động của mình, em đã nói nhiều đến vấn đề bình đẳng giới. Bởi thực tế ở địa phương em và cả nhiều bản làng biên giới, khó khăn khác, phụ nữ vùng cao còn rất khổ, chưa thực sự được coi trọng, nhất là trẻ em gái. Vẫn còn nạn tảo hôn, bỏ học giữa chừng để lấy chồng, sinh con, rồi thế hệ sau lại tiếp nối vòng luẩn quẩn khiến cho cuộc sống tiếp diễn khó khăn. Vì thế em muốn góp tiếng nói của mình lên Quốc hội để điều này sớm thay đổi”.

Ngay như tại bản Púng Giắt nơi Nguyệt sinh sống có 90 hộ, với 435 nhân khẩu 100% dân tộc Khơ Mú. Vì phong tục tập quán và điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều em đã bỏ học giữa chừng. Đặc biệt, có nhiều em học sinh nữ chủ yếu chỉ học hết cấp 2, cấp 3 rồi ở nhà lấy chồng, làm ruộng. Vì vậy trong gia đình lại ít có tiếng nói và ít nhận được sự tôn trọng của chồng. “Em muốn trẻ em nữ được theo học lên cao hơn nữa. Đi học cao đẳng, đại học hoặc học nghề cũng được, để có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định hơn. Như thế mới thoát khỏi cái đói, cái nghèo và được coi trọng”. – Nguyệt chia sẻ.

Trong nhiệm kỳ mới, trách nhiệm với cử tri, với đất nước sẽ đặt nặng lên vai Quàng Thị Nguyệt - nữ ĐBQH trẻ nhất khóa XV. Chặng đường phía trước còn rất dài, còn nhiều thời gian, cơ hội để Nguyệt có thể hoàn thành lời hứa của mình, đáp lại những mong mỏi mà cử tri đã tin tưởng gửi gắm. Và trước hết, lần đầu tiên có một người con của quê nhà được bước chân lên nghị trường Quốc hội đã truyền cảm hứng không nhỏ cho nhiều người, nhất là những thế hệ học sinh ở Púng Giắt. Trưởng bản Púng Giắt Lò Văn Trung không giấu được cảm xúc: “Từ hôm biết tin cháu Nguyệt trúng cử ĐBQH, chúng tôi đều rất tự hào. Tôi đã thông báo với các gia đình trong bản, nhắn nhủ các phụ huynh khuyên bảo con em mình cố gắng học tập, rèn luyện, lấy đó làm tấm gương để noi theo”.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/187923/no-luc-xung-dang-voi-ky-vong-cua-cu-tri