Nỗ lực xuyên đêm, thông xe đèo Bảo Lộc sớm hơn dự kiến
Liên quan vụ sạt lở khiến 4 người tử vong, sau hai ngày nỗ lực san gạt đất đá, đến 10h30 ngày 1/8, đèo Bảo Lộc đã được thông tuyến.
Ông Trần Văn Khoa, Phó trưởng Văn phòng QLĐB IV.1 cho biết, tuyến quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc đã được thông tuyến lúc 10h30 ngày 1/8.
Quốc lộ 55 đoạn qua cống ngầm xã Lộc Nam cũng đã thông tuyến từ tối 31/7. Đến nay, tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn Lâm Đồng không còn tình trạng ách tắc giao thông.
Để thông tuyến sớm hơn dự kiến trước đó (tối 1/8), các đơn vị chức năng đã nỗ lực làm việc 24/24h suốt hai ngày đêm.
Đại diện Khu QLĐB 4 cho biết, sáng nay đơn vị vẫn chỉ đạo Công ty 886 Thành Nam huy động hơn 10 máy đào, 3 máy ủi, 2 máy xúc lật san gạt phần đất sạt lở còn lại, nhanh chóng thông tuyến quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc.
Theo báo cáo khảo sát của Khu QLĐB 4, đoạn quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc có đến hơn 160 điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sạt lở. Vì vậy, đơn vị đã chỉ đạo đơn vị bảo trì tuần tra 24/24h để phát hiện, phối hợp với đơn vị chức năng cảnh báo các phương tiện lưu thông.
Ông Phạm Bé, Chánh thanh tra giao thông, Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã cử một đội thường xuyên thanh tra kiểm soát, hướng dẫn các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 55.
Chiều 30/7, mưa lớn liên tục gây sạt lở, làm vùi lấp trụ sở Trạm CSGT Madagui nằm giữa đèo Bảo Lộc.
Vụ sạt lở khiến 3 cán bộ chiến CSGT hy sinh, gồm thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, thượng úy Lê Quang Thành, thượng úy Lê Ánh Sáng thuộc Trạm CSGT Madagui hy sinh và anh Phạm Ngọc Anh (người dân tới hỗ trợ di chuyển đồ đạc, sinh năm 2000, quê Thanh Hóa) tử vong.
Vụ sạt lở khiến giao thông qua đèo Bảo Lộc bị chia cắt hoàn toàn.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, ngành GTVT và tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo huy động hơn hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội và các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, khắc phục hậu quả.