Nợ ngập đầu khi ra trường, nhiều người trẻ ngại vào đại học

Mỹ - Nhiều sinh viên Mỹ ra trường với số nợ khổng lồ. Chi phí và gánh nặng nợ nần khiến nhiều người không sẵn lòng và không thể đầu tư cho việc học đại học.

Năm nay, ở Mỹ có khoảng 18 triệu học sinh THPT ghi danh vào các kỳ thi tuyển sinh đại học. Trong năm học 2021-2022, hơn 20 triệu sinh viên đăng ký học đại học tại Mỹ. Con số này thấp hơn khoảng 4 triệu người so với 10 năm trước.

Bằng đại học từng được coi là tấm vé để bước vào tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn. Đối với các sĩ tử, đây cũng là khoản đầu tư hiệu quả nhất của các em ở tuổi 18.

Tuy nhiên thực tế, học đại học đang ngày càng trở nên khó khăn do các loại chi phí nhập học liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu học sinh theo học tại các trường đại học công lập top đầu như Đại học Michigan cần phải trả mức học phí khoảng 17.000 USD. Còn đối với các trường đại học dân lập như Đại học Yale, mức học phí hằng năm lên tới 65.000 USD.

Như vậy, học sinh cần có sự cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng. “Một lựa chọn sáng suốt” không chỉ dừng ở việc lựa chọn trường tốt mà học sinh cần biết sẽ học được gì từ môi trường đó.

Không chỉ cần kiến thức, học sinh cần biết nhiều hơn để xác định rõ giá trị của việc học đại học.

Không chỉ cần kiến thức, học sinh cần biết nhiều hơn để xác định rõ giá trị của việc học đại học.

Đại học mang lại những lợi ích thiết thực như mở rộng cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng học sinh đạt được những lợi ích phi vật chất, bao gồm nâng cao chất lượng cuộc sống, ý thức sâu sắc hơn về mục đích sống, cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau và phát triển các mối quan hệ lâu dài.

Nhưng điều đó liệu có còn đúng? Ngày nay, hơn một nửa số sinh viên ra trường với số nợ khổng lồ. Nói cách khác, hơn 45 triệu người Mỹ đang gánh trên vai những khoản vay nợ của sinh viên với con số lên tới khoảng 1,7 nghìn tỉ USD. Vậy câu hỏi được đặt ra liệu giáo dục đại học có thực sự mang lại giá trị và khả năng thăng tiến hay không?

Tính toán giá trị chính xác của giáo dục chắc chắn là thách thức vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân như lựa chọn sau tốt nghiệp của sinh viên và tiềm năng thu nhập mà nghề mang lại. Đa số sinh viên chọn nghề lương cao nhưng cũng có những sinh viên quyết định gắn bó với công việc mang lại nhiều giá trị cho xã hội, không đặt nặng vấn đề lương thưởng như nghề giáo viên, y tá...

Ở một khía cạnh khác, sinh viên vẫn gặp khó khăn trong việc đánh giá chi phí thực sự của giáo dục đại học. Thông thường, học phí các trường đưa ra không thể hiện chính xác số tiền sinh viên phải chi trả cuối cùng, vì cùng một nền giáo dục, sự đóng góp của mỗi sinh viên là khác nhau.

Theo một báo cáo gần đây của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ, 41% trường đại học không cung cấp bất kỳ ước tính giá ròng nào, chỉ 9% trường cao đẳng ước tính chính xác giá ròng của việc học đại học.

Chi phí và gánh nặng nợ nần dẫn đến nhiều sinh viên không sẵn lòng và không thể đầu tư cũng như hy sinh cho việc học. Theo Bộ trưởng Cardona: “Gần 60% sinh viên da màu và gần một nửa sinh viên gốc Latinh không bao giờ hoàn thành bằng cấp của mình, thường là do khó khăn về tài chính”. Điều cốt yếu các trường đại học cần phải trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để tồn tại trong nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

Lấy ví dụ về Micron Technology, một công ty đang xây dựng khuôn viên sản xuất chất bán dẫn trị giá 100 tỷ USD ở ngoại ô New York. Để đáp ứng nhu cầu của Micron, các nhà lãnh đạo tìm cách xây dựng lực lượng lao động mới bằng cách thúc đẩy các trường cao đẳng và đại học ở ngoại ô, cải tổ các chương trình giáo dục, đào tạo ra nhiều kỹ sư hơn, đồng thời dạy sinh viên các kỹ năng kỹ thuật cần thiết.

“Để nâng cao tỷ lệ nhập học của sinh viên và thúc đẩy lợi ích giáo dục đại học, chính phủ cần ưu tiên đo lường các dữ liệu liên quan”, cựu thị trưởng TP New York - Mike Bloomberg phát biểu.

Ngô Yến (Theo U.S. News & World Report)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-hoc-co-dang-khong-2132482.html