Nô nức chuẩn bị mở hội Bài chòi
Hội Bài chòi thu hút đông đảo người tham gia vào dịp Tết. Ảnh: THIÊN LÝ
Mỗi khi Tết đến xuân về, từ làng quê đến thành phố, hội Bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Nam Trung Bộ nói chung, Phú Yên nói riêng.
Tết năm Canh Tý 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hội Bài chòi và các lễ hội trên địa bàn tỉnh phải dừng tổ chức. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối, chờ đến mùa lễ hội năm sau. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vui chơi - giải trí của người dân, các CLB Bài chòi trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị những khâu cuối cùng và sẵn sàng mở hội Bài chòi xuân Tân Sửu năm 2021.
Chờ ngày khai hội
Chị Hứa Thị Gửi, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Thanh Gửi (TP Tuy Hòa) cho biết, đến thời điểm này, CLB đã cơ bản hoàn thành các khâu chuẩn bị và sẵn sàng phục vụ Tết. Theo kế hoạch, dịp Tết năm nay, từ 25 tháng Chạp, CLB tập trung phục vụ người dân tại khu vực lăng Ông (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) và từ ngày 28 trở đi, CLB chia lực lượng trình diễn ở cả hai nơi, trong đó điểm chính là Công viên Thanh thiếu niên (phường 5, TP Tuy Hòa).
So với các năm trước, điều kiện của CLB năm nay có phần khó khăn hơn, một phần do CLB “mất mùa” bởi dịch COVID-19 hoành hành, một phần do lực lượng CLB còn mỏng. Vì vậy, công tác chuẩn bị càng tất bật hơn từ việc dựng chòi, trang trí, chuẩn bị âm thanh, nhạc cụ, cờ, thẻ đến việc tập luyện hô hát bài chòi...
Chị Hứa Thị Gửi trải lòng: “Lỗi hẹn với người mộ điệu hô hát bài chòi trong suốt một năm qua, tôi hy vọng những gì mình và các thành viên trong CLB đã chuẩn bị có thể mang đến mọi người một hội Bài chòi xuân Tân Sửu đầy ấn tượng và ý nghĩa”.
Còn anh Nguyễn Duy Vinh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian xã An Phú (TP Tuy Hòa), cho biết năm nay, CLB sẽ mở hội Bài chòi tại Nhà văn hóa thôn Quy Hậu (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) từ mùng 1-10 Tết. Theo anh Vinh, hiện nay ở Phú Yên, chơi bài chòi chủ yếu dùng 11 thẻ cái, 33 thẻ bài con với 3 biến thể mới so với bộ bài gốc. Để chơi, diễn bài chòi, người chơi ngồi trong các chòi được dựng bằng tre/gỗ, mái lợp bằng tranh. Phía trước các chòi được trang trí cờ hoa và câu đối. Mỗi chòi được đặt tên theo can chi.
Trò chơi bài chòi được mở màn bằng câu hát mở đầu của Anh Hiệu (người hô thai là nam hoặc nữ). Mỗi lần Anh Hiệu rút được con bài nào là hô câu thai mang tên con bài đó. Chòi nào giữ con bài vừa được hô tên thì gõ mõ để Anh Hiệu mang con bài đó đến. Đến lúc “ăn” đủ 3 thẻ con là chòi đó “tới”, người chơi sẽ được nhận thưởng và được Anh Hiệu dâng rượu chúc mừng.
“Đi diễn nhiều năm rồi nhưng bao giờ diễn Tết cũng thật đặc biệt, trong lòng náo nức nhất. Nhớ những mùa diễn đầu tiên, có những đêm thao thức không ngủ được, phần vì phấn khích, phần vì lo lắng, hồi hộp…”, anh Vinh chia sẻ.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống
Bài chòi là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo, ngẫu hứng và đầy trí tuệ của nhân dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, giữa nền văn hóa hội nhập với nhiều sự lựa chọn giải trí khác nhau, một bộ phận giới trẻ không mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống, trong đó có nghệ thuật Bài chòi.
Vì vậy, để duy trì và phát triển nghệ thuật Bài chòi trong cộng đồng, nhất là đối với những người trẻ tuổi là một thách thức không hề nhỏ. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tích chia sẻ: “Tôi vốn đam mê bài chòi nên việc đi biểu diễn khắp các địa phương không chỉ thỏa mãn niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của dân tộc mà còn là một cách thức truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn nghệ thuật Bài chòi trong cuộc sống hiện đại”.
Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL) cho biết: UBND tỉnh đã ban hành đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023. Đề án tập trung tổ chức kiểm kê, tư liệu hóa di sản nghệ thuật Bài chòi; tổ chức truyền dạy và thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi; mở trại sáng tác bài chòi để có nhiều tác phẩm mới có nội dung tốt, phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Định kỳ hàng năm tổ chức tôn vinh các nghệ nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi; có chính sách khen thưởng xứng đáng cho các nghệ nhân, CLB bài chòi và các địa phương có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi.
Ngoài ra, đề án này còn đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các CLB, hội đánh bài chòi, các nghệ nhân tập luyện và trao truyền nghệ thuật Bài chòi; trong đó chú trọng hỗ trợ kinh phí xây dựng và phát triển các CLB bài chòi ở cơ sở, nhất là các huyện miền núi. Đưa nội dung di sản nghệ thuật Bài chòi vào chương trình giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh.
“Từ lâu, bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Không những phục vụ mọi tầng lớp nhân dân mà còn phục vụ khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng ở các địa phương”, ông Huỳnh Từ Nhân nhìn nhận.
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7/12/2017. Bài chòi không chỉ là “đặc sản” địa phương, mà trở thành giá trị kết tinh tâm hồn Việt, viên ngọc sáng trong hành trình phát triển và hội nhập của văn hóa Việt Nam. Tổ chức hội Bài chòi vào dịp năm mới là hoạt động gắn kết cộng đồng, góp phần khôi phục, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị nghệ thuật Bài chòi.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/251655/no-nuc-chuan-bi-mo-hoi-bai-choi.html