'Nổ' quen biết khắp nơi để lừa đảo

Vụ án là bài học cảnh tỉnh cho những ai nhẹ dạ, tin vào những lời ngon ngọt khi bỏ ra số tiền lớn với giấc mộng tìm được việc làm để rồi mất tiền oan uổng

TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bị cáo L.P.N (SN 1982; trú thôn Diêm Trường, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - nguyên là giáo viên một trường tiểu học ở xã Vinh Hưng.

Lừa chạy việc gần 2,3 tỉ đồng

Tại tòa, bị cáo thành thật khai báo, ăn năn, hối hận, bị cáo có vợ bị ung thư, có hai con nhỏ, bị cáo xin lỗi các bị hại và xin được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm về với gia đình. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo L.P.N 13 năm tù giam.

L.P.N là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Học xong lớp 12, N. thi đậu vào đại học. Khi ra trường, N. về dạy tại một trường tiểu học ở xã Vinh Hưng.

Sau đó, N. kết hôn với một cô giáo. Đến năm 2012, họ sinh đứa con đầu lòng và 3 năm sau có con thứ hai. Lập nghiệp ở quê vợ, N. được gia đình vợ cho miếng đất rộng 200 m2 để xây nhà, an cư lạc nghiệp.

Với công việc là giáo viên, con cái chăm ngoan, nhà cửa đàng hoàng là điều mơ ước của rất nhiều người. Thế nhưng chẳng biết cuộc đời xui rủi hay muốn nhanh chóng làm giàu nên N. đã "bén duyên" với vé số điện toán. Để có tiền chơi xổ số điện toán và tiêu xài cá nhân, trong khoảng thời gian từ ngày 25-7-2017 đến 13-8-2018, L.P.N đã "nổ" mình có quen biết với những người có khả năng xin việc vào Chi cục Kiểm ngư tại Đà Nẵng, kiểm ngư Phú Quốc, đi học tại Trường Trung cấp Cảnh sát tại Quảng Nam, can thiệp xin chuyển công tác… để lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 2,3 tỉ đồng của 9 bị hại.

Ông H.B.Kh (SN 1963; trú tại xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) gia cảnh chẳng có gì khấm khá nhưng vẫn cố gắng cho con cái ăn học. Con trai ông Kh. là H.B.Đ ra trường nhưng chưa có việc làm, năm 2017 thông qua các mối quan hệ bạn bè, nghe tin N. có quen biết với những người có khả năng xin vào ngành kiểm ngư nên gặp N.

Nghe lời hứa chắc như đinh đóng cột của N. sẽ đưa con trai vào kiểm ngư Đà Nẵng làm việc, vào tháng 7-2017, ông Kh. về tận nhà N. ở xã Vinh Hưng để đưa 250 triệu đồng cùng hồ sơ nhờ xin việc.

Khi việc con trai thứ nhất chưa "ra môn ra khoai", ông Kh. lại đưa thêm 200 triệu đồng để nhờ thầy N. xin cho đứa con thứ hai là H.N.Kh chuyển công tác từ một đơn vị cảnh sát cơ động đóng ở Huế ra Công an tỉnh Quảng Bình.

Không những "nổ" chạy việc ở miền Trung, L.P.N còn "nổ" khi nói mình quen biết với lãnh đạo ở các tỉnh miền Nam, không những ngành kiểm ngư mà còn cả quân đội, công an. Vì vậy, nhiều người dính bẫy khi muốn xin việc vào kiểm ngư Kiên Giang, học ở Trường Trung cấp Cảnh sát, vào Hải quân...

Kết quả có thêm 8 trường hợp khác bị N. lừa tiền. Trong đó, vào tháng 4-2018, L.P.N gặp và biết được bà Ng.Th.Th.Th có con trai thi vào trường công an nhưng không đậu nên đã đưa ra thông tin mình có quen biết với lãnh đạo Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân đóng tại Quảng Nam và sẽ xin vào học với giá 700 triệu đồng. Bà Th. đã đưa cho N. 10.000 USD và 300 triệu đồng nhưng ước mơ trở thành chiến sĩ công an của con bà vẫn không thành hiện thực.

Bị cáo L.P.N tại phiên tòa xét xử

Bị cáo L.P.N tại phiên tòa xét xử

Bài học cảnh tỉnh

Khi trực tiếp lấy tiền của các bị hại, N. đều viết "giấy mượn tiền" hoặc "giấy nhận tiền" và thỏa thuận nếu không xin được việc sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên, thực tế N. không xin việc cho ai mà dùng số tiền chiếm đoạt được để chơi xổ số điện toán và tiêu xài cá nhân. Khi biết mình không thể xin việc và trả lại tiền cho các bị hại, cuối năm 2018, L.P.N trốn qua Lào và đến tháng 8-2023, N. bị bắt giữ theo lệnh truy nã để đưa về nước xét xử.

Theo cáo trạng, vào ngày 10-5-2018 tại nhà ông C.V.H, ông L.V.H đã đưa cho N. số tiền 220 triệu đồng nhờ "chạy" cho con trai vào Trường Trung cấp Cảnh sát thì chị H.Th.Ph.A (vợ bị cáo N.) cũng có mặt và ký vào giấy mượn tiền. Tuy nhiên, chị A. không biết được mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của N. nên không truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm.

Tại phiên tòa xét xử, ngồi ở khu vực người có liên quan, chị A. buồn bã khi chồng rơi vào vòng lao lý, gia đình ly tán. Trong thâm tâm chị ước nguyện được quay lại thời điểm 7 năm trở về trước, khi vợ chồng đói no có nhau.

"Chồng bị cáo nhiều lần lừa đảo lấy tiền của người khác, có lần chị chứng kiến việc chồng ký tên nhận tiền nhưng sao không can ngăn? Số tiền hơn 2 tỉ đồng chồng chị lấy của các bị hại có đưa cho chị không?" - vị thẩm phán hỏi. Chị A. nước mắt lưng tròng, trả lời nhỏ nhẹ: "Dạ, có can ngăn nhưng chồng nói đây là việc riêng nên tự lo được. Chồng cũng chẳng đưa tiền để mua sắm đồ đạc hay nuôi con".

Chị A. cho biết mình bị bệnh ung thư nên từ khi chồng vướng vào lao lý thì sức khỏe ngày càng suy kiệt. Trình bày trước tòa, chị A. mong muốn căn nhà cùng thửa đất rộng 200 m2 của mình không bị cơ quan chức năng phát mãi nhằm thực hiện việc hoàn trả tiền cho các bị hại để 3 mẹ con chị còn có nơi nương tựa vì đó là khu đất do cha mẹ ruột của chị cho, không phải là tài sản vợ chồng làm ra.

Vụ án là bài học cho những ai có ước muốn làm giàu trông chờ vào những trò chơi may rủi để rồi nghĩ mọi cách lừa tiền, cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai nhẹ dạ, tin vào những lời ngon ngọt khi bỏ ra số tiền lớn với giấc mộng tìm được việc làm ổn định để rồi mất tiền mà chẳng được gì.

Bài và ảnh: Quang Nhật

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/no-quen-biet-khap-noi-de-lua-dao-196240614202029881.htm