'Nổ'quen lãnh đạo, lừa bán đất ảo
Đưa ra những thông tin gian dối về việc có các lô đất dạng 'suất ngoại giao' để các bị hại tin tưởng đặt cọc, giao tiền rồi chiếm đoạt, bị cáo trong những vụ án lừa bán đất ảo đều bị mức án rất cao.
Tung tin giả , “nổ” quen biết
Riêng trong tháng 9, TAND tỉnh xét xử nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến bán đất “suất ngoại giao”. Mỗi vụ án đều có vài chục bị hại liên quan làm “nóng” các phiên tòa. Trong phòng xử án, người thân của bị cáo với gương mặt khắc khổ, nặng trĩu âu lo. Các bị hại cũng không giấu được thái độ căm phẫn bởi mất số tiền lớn.
Vợ chồng Bùi Trang Nhung (SN 1985) và Lê Anh Sơn (SN 1989), ở đường Nhật Đức, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) đến với nhau khi cả hai cùng lỡ dở hôn nhân. Không có việc làm ổn định, tháng 4/2021, khi thị trường bất động sản đang “nóng”, Nhung đã thu thập sơ đồ quy hoạch chi tiết của các dự án như: Khu đô thị phía Nam, TP Bắc Giang; Khu đô thị phía Tây thị trấn Chũ (Lục Ngạn); Khu đô thị phía Bắc, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) rồi ấn định số tiền nhận cọc của từng lô. Trang bảo Sơn đi giao dịch, đưa ra các thông tin gian dối rằng vợ chồng có quen biết một số lãnh đạo ở tỉnh, huyện nên có những “suất ngoại giao”, giá dưới mức sàn cả trăm triệu đồng, chỉ cần xuống tiền đặt cọc, sang tay là đã có lãi cao.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, hai vợ chồng cho mọi người xem sơ đồ quy hoạch các dự án, thậm chí đưa đi xem vị trí các lô đất để các bị hại tin tưởng đặt cọc sau đó chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn trên, trong vòng 1 năm, hai vợ chồng đã chiếm đoạt của 22 bị hại với tổng số tiền 38,84 tỷ đồng. Ngày 25/9, TAND tỉnh tuyên phạt Nhung tù chung thân, Sơn 20 năm tù.
Vốn là người lương thiện, chăm chỉ làm ăn, Giáp Thị Quý (SN 1983), trú tại tổ dân phố Chằm Mới, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) thuê cửa hàng để kinh doanh đồ điện nước, điện dân dụng. Thế nhưng nhiều năm làm ăn không gặp dẫn đến bị thua lỗ nhiều. Rơi vào đường cùng, lối thoát duy nhất đối với Quý lúc này là kiếm tiền trả nợ. Ai, ở đâu cho vay Quý cũng gật đầu bất kể lãi suất. Chẳng mấy chốc, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ lên đến 7 tỷ đồng.
Để che giấu với các chủ nợ, Quý đã đưa ra nhiều thông tin không đúng sự thật là bản thân cần tiền để mở rộng đầu tư kinh doanh; có nhiều mối quan hệ họ hàng, quen biết với lãnh đạo các cơ quan nhà nước của huyện Lục Nam nên biết và có nhiều lô đất “suất ngoại giao” giá rẻ tại các dự án khu dân cư mới trên địa bàn. Các bị hại tin tưởng trực tiếp đưa tiền đặt cọc cho Quý, thậm chí có người vì sợ hết mất “suất ngoại giao” nên gửi tiền qua trung gian.
Từ cuối năm 2019 đến tháng 8/2021, Quý đã chiếm đoạt hơn 56 tỷ đồng của 15 bị hại. Đến thời điểm xét xử, Quý đã khắc phục được hơn 14 tỷ đồng, số còn lại không có khả năng thanh toán. Bản án tù chung thân mà tòa tuyên là bài học vô cùng đắt giá cho Giáp Thị Quý.
Trả giá cho hành vi lừa đảo bằng bản án 19 năm tù do TAND tỉnh tuyên ngày 6 và 7/9, nhiều người tiếc cho bị cáo Nguyễn Thị Minh Hậu (SN 1982), trú tại phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Hậu công tác tại một cơ quan bảo hiểm xã hội, có chồng làm công an (đã ly hôn), hai con nhỏ thông minh, ngoan ngoãn.
Hậu không có chứng chỉ hành nghề, không tham gia góp vốn, không được chủ đầu tư các dự án bất động sản ủy quyền mua bán, nhận đặt cọc; các dự án mới trong giai đoạn được UBND tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đang thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa được phép mở bán. Vậy mà Hậu đã thu thập thông tin, gian dối rằng có nhiều mối quan hệ quen biết với chủ đầu tư, lãnh đạo địa phương nên có thể mua được các lô đất giá ưu đãi để người khác tin tưởng giao tiền đặt cọc, góp tiền mua đất, cho vay tiền rồi chiếm đoạt của 10 người hơn 37,2 tỷ đồng.
Mức án cao
Qua phân tích các vụ án cho thấy, thủ đoạn chung của các bị cáo lừa bán đất ảo là tung tin giả, “nổ” có quen biết một số lãnh đạo nên có đất “suất ngoại giao” với giá dưới mức sàn, thấp hơn thị trường. Chỉ cần đặt cọc, sang tay là lãi ngay cả trăm triệu đồng. Nạn nhân đa số đều là những người kinh doanh đất, tin lời “sang tay - lãi ngay”, tham rẻ nên đều xuống tiền đặt cọc, người ít nhất cũng 3 lô, có nhiều nạn nhân đặt cọc cả vài chục lô với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: Do số tiền lừa đảo, chiếm đoạt là tương đối lớn, mỗi vụ hàng chục tỷ đồng, lại lừa đảo nhiều người, nhiều lần nên đây là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy mức án cho các bị cáo đều rất cao theo khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự (phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân) cùng hình phạt bổ sung tương ứng với số tiền vay.
Có thông tin cho rằng vì thị trường bất động sản hai năm vừa qua trầm lắng nên có thể các bị cáo nhận tiền nhưng lâm vào cảnh không bán được đất, lại phải trả lãi cao nên rơi vào tình trạng không còn khả năng trả nợ. Tuy nhiên, bác thông tin này, Hội đồng xét xử đã chứng minh là các bị cáo đã chủ định lừa ngay từ ban đầu, đưa ra thông tin gian dối, bởi thực tế không hề có lãnh đạo nào có các lô đất “suất ngoại giao” như các bị cáo đưa ra.
Trước khi phạm tội, các bị cáo có nhân thân tốt nên mới được mọi người tin tưởng giao tiền đặt cọc. Lợi dụng sự tín nhiệm này, các bị cáo “nổ”, “vẽ” ra những lô đất không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đối diện với sự trừng trị của pháp luật, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng, họ chỉ biết nhận lỗi và xin Hội đồng xét xử xem xét để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, có cơ hội làm lại cuộc đời, khắc phục hậu quả cho các bị hại gây ra. Đây cũng là bài học đắt giá cho những ai đã và đang có ý định làm giàu bất chính.
Tuấn Minh