'Nở rộ' các ngành học mới ở mùa tuyển sinh 2024
Mùa tuyển sinh đại học 2024 tiếp tục ghi nhận sự 'nở rộ' của các ngành học mới với đa dạng phương thức tuyển sinh.
Đến thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, với một số điểm mới so với mùa tuyển sinh 2023.
Trường đại học tuyển sinh nhiều ngành học mới
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhận định, việc các cơ sở giáo dục đại học mở thêm ngành học mới là cần thiết và tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay.
Theo thầy Chung, việc mở các ngành học mới luôn được các trường “cân nhắc kỹ lưỡng” trên cơ sở điều tra, khảo sát từ nhu cầu xã hội, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng về mở ngành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2024, Trường Đại học Gia Định dự kiến mở thêm 3 chuyên ngành mới, gồm: Quản trị tài chính, Quản trị nguồn nhân lực, Xây dựng & Quản trị kênh truyền thông độc lập. Theo đó, mỗi chuyên ngành có chỉ tiêu khoảng 50 sinh viên.
“Đây đều là những chuyên ngành mà xã hội đang rất cần. Với mỗi chuyên ngành, Trường Đại học Gia Định sẽ chú trọng đào tạo chuyên sâu các kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc cụ thể trong lĩnh vực”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết.
Năm nay, Trường Đại học Gia Định tuyển sinh đại học chính quy tổng số 48 ngành/chuyên ngành theo 3 phương thức: Xét kết quả học bạ trung học phổ thông; Xét kết quả kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) chia sẻ, năm 2024, UEF tuyển sinh 36 ngành trong đó dự kiến mở thêm 02 ngành đào tạo mới là ngành Kinh tế số và ngành Kỹ thuật phần mềm, cả hai ngành mới được dự báo là những ngành có sức hút lớn đối với thí sinh.
“Ngành Kinh tế số và ngành kỹ thuật phần mềm tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh hướng đến đào tạo người học theo định hướng nghề nghiệp, có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về chuyên môn, tương thích với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của các ứng dụng công nghệ thông tin; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo đáp ứng các yêu cầu thị trường lao động quốc tế, theo định hướng công dân toàn cầu; có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và có nền tảng kiến thức vững chắc để tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Sinh viên được trang bị các kiến thức về dữ liệu lớn (big data), công nghệ thông tin, quản lý kinh tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, công nghệ blockchan, công dân số, công dân toàn cầu, chính phủ số, phát triển các ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, quản lý doanh nghiệp, các giải pháp công nghệ mới… giúp người học nắm bắt được xu hướng chuyển đổi số của các tổ chức và doanh nghiệp trong thời đại số.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy.
Theo phương án tuyển sinh đại học chính quy dự kiến năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH), nhà trường dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy theo 4 phương thức xét tuyển độc lập: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Nhà trường tuyển sinh 63 ngành đào tạo thuộc các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Marketing - Truyền thông, Kiến trúc - Mỹ thuật, Âm nhạc - Nghệ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Khoa học xã hội - Nhân văn, Luật - Ngoại ngữ.
Trong đó có, có 7 ngành mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.
Nhấn mạnh về tiềm năng của các ngành học mới, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
“Đây đều là những ngành thuộc các lĩnh vực mà HUTECH đã khẳng định được thế mạnh đào tạo trong nhiều năm qua. Đồng thời là những ngành nghề tiềm năng, có nhu cầu nhân lực ngày càng tăng và phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và bối cảnh chuyển đổi số.
Những ngành này có phổ rộng trong mọi khía cạnh của đời sống, mang sứ mệnh phát triển những thành tựu trang thiết bị khoa học công nghệ để thúc đẩy quy trình sản xuất - kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống con người văn minh, hiện đại hơn”.
Nhằm chuẩn bị nguồn lực đảm bảo chất lượng cho các ngành học mới, đại diện Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong suốt thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống trung tâm thực hành - thí nghiệm hiện đại, khang trang như: Phòng thực hành Điện - Điện tử, phòng Lab và hệ thống wifi trải nghiệm, phòng thực hành thiết bị và hệ thống IoT,… với những trang thiết bị, máy móc tiên tiến, không gian học tập thoải mái nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên thực hành và nghiên cứu.
“HUTECH cũng đặt ra chiến lược thu hút đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao, là những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo.
Đồng thời, nhà trường tăng cường tổ chức các buổi seminar, workshop để thảo luận trao đổi phương pháp giảng dạy giữa các giảng viên, qua đó cập nhật, đổi mới giáo trình, tài liệu học tập, tăng cường gắn đào tạo với thực tiễn và yêu cầu của thị trường tuyển dụng”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ thêm.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho biết, nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh chủ động học tập, ôn luyện, năm nay nhà trường dự kiến sẽ dùng 04 phương thức tuyển sinh, trong đó đáng chú ý là các phương thức sẽ được áp dụng để xét tuyển học bạ sớm.
Đặc biệt, năm 2024, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn tuyển sinh bốn ngành học mới: quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin (gồm các chuyên ngành: công nghệ thông tin, công nghệ thông tin y tế, thiết kế vi mạch, thiết kế đồ họa).
“Đây là các ngành học đang nhận được sự quan tâm của học sinh và cũng là những lĩnh vực quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới.
Là trường đại học quốc tế, chương trình đào tạo tại SIU được thiết kế theo tiêu chuẩn các trường đại học Hoa Kỳ, chú trọng cập nhật những tri thức mới, chuyên sâu và hiện đại nhất nhằm giúp người học thích nghi trong thời kỳ hội nhập, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của từng ngành nghề trước sự biến đổi liên tục của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho hay.
4 phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn gồm:
Phương thức 1: xét tuyển học bạ 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12). Với phương thức này, trường nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 15/1/2024. Phương thức 2: xét tuyển học bạ lớp 12. Phương thức 3: xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024. Phương thức 4: xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.
Năm 2024, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tuyển 10.000 chỉ tiêu theo 4 phương thức. Phương thức 1: xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 theo tổ hợp môn. Phương thức 2: xét tuyển kết quả học bạ trung học phổ thông. Phương thức 3: xét tuyển kết quả bài thi kiểm tra Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phương thức 4: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển các thí sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, kỳ thi tay nghề ASEAN và quốc tế; và xét tuyển các thí sinh người nước ngoài đủ điều kiện học tập hoặc theo diện cử tuyển.
Trong đó, nhà trường dự kiến mở hai ngành mới là ngành thiết kế thời trang và ngành thú y. Theo nhận định của trường, việc dịch chuyển nghề nghiệp trước xu thế chung đã có những tác động nhất định đến việc chọn ngành học của thí sinh, đặc biệt ở các khối ngành có môi trường làm việc linh động, thích ứng với sự thay đổi.
Việc mở rộng thêm ngành nghề đào tạo mới giúp thí sinh có thêm nhiều lựa chọn hơn trong việc quyết định nghề nghiệp cho bản thân và nâng tổng số chương trình đào tạo bậc đại học chính quy của nhà trường lên 51 ngành trải dài ở khắp các lĩnh vực mũi nhọn như Sức khỏe, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Sản xuất và Chế biến, Kinh doanh và Quản lý, Nghệ thuật, Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Pháp luật, Khoa học sự sống, Kiến trúc và xây dựng, Du lịch, Môi trường và Bảo vệ môi trường, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên…
Bỏ tuyển sinh bằng xét học bạ, tăng chỉ tiêu tuyển sinh qua các kỳ thi riêng
Trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển bằng ba phương thức: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 18% và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.
Trong đó, với phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường bỏ nhóm 5 xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ 3 năm trung học phổ thông với điểm 2 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia.
Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng), xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 55% tổng chỉ tiêu.
Mới đây, Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo năm 2024 nhà trường không xét tuyển bằng điểm học bạ.
Trước đó, vào mùa tuyển sinh năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm thi đánh giá tư duy. Phương án này tiếp tục được nhà trường duy trì sử dụng trong mùa tuyển sinh năm 2024.
Bên cạnh việc bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ, năm nay một số trường đại học cũng cho biết sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả của các kỳ thi riêng như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,... hoặc tăng thêm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.
Trong đó, đáng chú ý là sự mở rộng phương thức xét tuyển của đại diện khối các trường quân sự. Ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống (chủ yếu xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông), năm nay, lần đầu tiên Học viện Kỹ thuật quân sự sử dụng thêm kết quả thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia để xét tuyển vào học viện.
Đại diện Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết, việc áp dụng phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực sẽ là cơ hội để các thí sinh có thêm nguyện vọng được xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự, hiện thực ước mơ trở thành người cán bộ kỹ thuật quân đội.
Tương tự, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực do khối các trường đại học sư phạm tổ chức trong năm 2024 từ 20% lên 40%.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, nhà trường có chủ trương mở rộng sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như HAS, APT, TSA… để tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Năm 2024 Trường đã sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển cho tất cả các mã tuyển sinh để tăng cơ hội tiếp cận, lựa chọn và dự tuyển cho thí sinh (năm 2023 chỉ sử dụng xét tuyển cho 7 mã) nên trường bỏ xét tuyển nhóm thí sinh có sử dụng học bạ này”, Phó giáo sư Bùi Đức Triệu thông tin.
Nhấn mạnh thêm, thầy Triệu cho rằng việc bỏ đối tượng xét kết hợp với học bạ này không ảnh hưởng gì đến việc học tập cũng như xét tuyển của các thí sinh.
“Nhóm học sinh này có lực học rất tốt và hầu như có tất cả các điều kiện để dự tuyển theo các nhóm đối tượng khác. Do vậy, các em cứ học tập và ôn thi bình thường cũng như định hướng dự tuyển như đã định”, đại diện Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhắn gửi tới các thí sinh.