Nở rộ kêu gọi từ thiện để lừa đảo
Dù được cảnh báo nhiều lần, tình trạng bị lừa vì các bài đăng kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội diễn ra ngày càng nhiều.
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Theo Cục ATTT, tình trạng lừa đảo bằng hình thức kêu gọi từ thiện diễn ra ngày càng nhiều, khiến số lượng nạn nhân ngày một tăng. Trên mạng xã hội, đối lượng lừa đảo sử dụng nhiều hình thức để tạo lòng tin, tiếp cận người dùng.
Liên tiếp thủ đoạn kêu gọi từ thiện để lừa đảo
Ngày 14/5, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh Đắk Nông cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, bị can và ra lệnh tạm giam Vy Bảo Châu (SN 1998, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội.
Theo lực lượng công an, Châu đã lập nhiều tài khoản giả mạo, đặt avatar là những tổ chức từ thiện uy tín. Trên các tài khoản này, đối tượng đăng tải bài viết chia sẻ những mảnh đời bất hạnh, kèm số tài khoản chính thống của các tổ chức từ thiện.
Tuy nhiên dưới phần bình luận, đối tượng viết rằng số tài khoản trên bài bị lỗi, yêu cầu người ủng hộ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Vì lòng trắc ẩn và thiếu cảnh giác, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Châu.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 6/2023 đến ngày 4/5/2024, Châu đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 400 triệu đồng từ gần 700 người, chủ yếu là những nhà hảo tâm trên cả nước.
Đến ngày 15/5, Phòng an ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết đã bàn giao Huỳnh Phương Thủy (SN 2004, ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, cũng với hình thức kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội.
Cụ thể, đối tượng lập các tài khoản Facebook tên “Thu Nguyễn”, “Thúy Phương”, “Loan Nguyễn”, “Ngọc Trâm”, “Thu Thuy”, đăng bài kêu gọi ủng hộ từ thiện trong các hội nhóm sở hữu nhiều thành viên.
Sau khi chiếm đoạt tài sản, Thủy rút tiền rồi tiêu xài cho mục đích cá nhân. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an nhận thấy tài khoản ngân hàng của đối tượng có nhiều giao dịch quyên góp, tổng số tiền lên đến 140 triệu đồng.
Theo Cục ATTT, tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng phức tạp, khó lường với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi.
Để đấu tranh loại hình lừa đảo này, người dân nên tìm hiểu kỹ về những hoạt động từ thiện, hỗ trợ trên mạng xã hội. Đây là hiện trạng đáng lên án khi kẻ xấu lợi dụng lòng tốt từ nhà hảo tâm để trục lợi, gây mất niềm tin của người dân với các hoạt động thiện nguyện thật.
Để lòng tốt được trao đúng chỗ, người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Lừa đảo đầu tư dự án sân bay Long Thành
Ngày 13/5, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết thời gian gần đây xuất hiện nhiều bài đăng, fanpage mạo danh ACV trên mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản, trục lợi từ dự án sân bay Long Thành.
ACV nhận được nhiều phản ánh về các bài đăng trên Facebook với nội dung “Kêu gọi góp vốn đầu tư”, “Đóng góp tiền với cơ hội trúng các gói thầu”... kèm văn bản giả mạo chữ ký Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV để gia tăng độ uy tín, dễ dụ dỗ nạn nhân.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi Cục An ninh Kinh tế, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Đồng Nai.
Sáng 13/5, chúng tôi vừa cung cấp thêm các thông tin cho cơ quan công an. Phía Công an tỉnh Đồng Nai thông báo đang tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ những hành vi giả mạo này”, đại diện ACV cho biết.
ACV khẳng định công ty hiện không có bất kỳ chủ trương, chính sách huy động vốn đầu tư. Đại diện ACV khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước mọi tiếp cận liên quan đến hành vi kêu gọi đầu tư vào các dự án nói chung, và dự án sân bay Long Thành nói riêng.
Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo khi thấy các bài đăng kêu gọi đầu tư trên mạng xã hội, người dân cần kiểm tra kỹ bằng cách tìm kiếm thông tin trên website chính thống của tổng công ty.
Nếu thực hiện giao dịch, cần xác định kỹ danh tính đối tượng. Khi bắt gặp hành vi lừa đảo, người dân cần chủ động liên hệ các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.
Báo điện tử lớn tại Anh bị tấn công mạng
Giữa tháng 5, nhiều website trực thuộc nhà xuất bản Newsquest tại Anh, bao gồm 2 tờ báo Oxford Mail và Ham & High, đã bị tấn công bởi một nhóm tội phạm mạng đến từ Nga.
Trong thời gian bị chiếm quyền kiểm soát, hàng loạt tiêu đề báo và logo các trang web bị thay đổi. Theo một số người dùng, logo trang báo bị tấn công chuyển sang hình người đen trắng, kèm nhiều dấu chấm hỏi và tiêu đề “Pervoklassniy Russian Hackers Attack”.
Nội dung các trang báo cũng bị chỉnh sửa, nhằm tri ân một người có tên “Daniel Hopkins” viết bằng tiếng Nga. Theo Bolton News, một bài báo gây tranh cãi xuất hiện với ảnh quốc kỳ Nga và tiêu đề: “Tổng thống của chúng tôi đã hóa điên, nội dung gây chấn động”.
Đại diện Newsquest xác nhận lượng lớn nội dung không chính thống được đăng tải vào ngày 11/5. “Chúng tôi đã lập tức ngăn chặn và xóa bỏ những nội dung này”, đại diện nhà xuất bản cho biết.
Newsquest là một trong những nhà xuất bản lớn tại Anh, sở hữu hơn 250 tòa báo địa phương. Công ty thuộc quyền sở hữu của Gannett, nhà xuất bản lớn nhất tại Mỹ.
Đây không phải lần đầu các trang báo điện từ bị chiếm quyền kiểm soát bởi tin tặc. Trang The Guardian từng tạm đóng cửa văn phòng trong nhiều tuần sau khi bị tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware), khiến các thông tin như địa chỉ, tài khoản ngân hàng, hệ thống lương và chi tiết hộ chiếu của nhân viên rơi vào tay tin tặc.
Nguồn Znews: https://znews.vn/no-ro-keu-goi-tu-thien-de-lua-dao-post1476378.html