Nở rộ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xứ dừa

Bến Tre là tỉnh thuần nông, chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, gần đây, các mô hình sản xuất của nông dân địa phương đã phát triển mạnh, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là động lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân xứ dừa.

Tỉnh Bến Tre có trên 70% dân số sinh sống bằng nông nghiệp, trước đây, đời sống của người dân xứ dừa gặp nhiều khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ, nông dân thiếu thông tin thị trường, chưa kịp thời ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ mới, việc liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả chưa cao.

Thông qua phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi do tổ chức Hội nông dân làm nòng cốt đã thúc đẩy các mô hình sản xuất từng bước phát triển. Nổi bật như trong 5 năm qua, có hơn 65% hộ nông dân đăng ký thực hiện phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp các ngành tổ chức hơn 3.730 lớp tập huấn, hội thảo cho hơn 138.300 lượt nông dân tham dự với các chuyên đề kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hoa kiểng. Sau tập huấn, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao; phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với khả năng về vốn, lao động, đất đai để sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Văn Sấm ( bìa trái) nông dân SXG cấp Trung ương với mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Ông Lê Văn Sấm ( bìa trái) nông dân SXG cấp Trung ương với mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Từ năm 2018, Hội Nông dân tỉnh thành lập “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre” với 20 thành viên, qua 5 năm hoạt động, đến nay đã phát triển thêm 9 câu lạc bộ ở 9 huyện, thành với 358 thành viên. Qua đó, các thành viên trong Câu lạc bộ có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, liên kết trong tiêu thụ và cùng góp sức hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn. Công tác bình chọn, xét duyệt nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp để biểu dương, khen thưởng được tổ chức thường xuyên.

Trong 5 năm qua, Bến Tre có hơn 335.900 lượt hộ dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) các cấp, chiếm tỷ lệ trên 51% so với hộ đăng ký. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng lên, nhiều hộ có vốn sản xuất - kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động thường xuyên... So với giai đoạn 5 năm trước đó, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 5 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 3 lần. Cũng theo thống kê trên 10.780 hộ đạt danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh, Trung ương thì có 45% số hộ có thu nhập từ 100 đến dưới 200 triệu đồng; 32% số hộ có thu nhập từ 200 đến dưới 300 triệu đồng; gần 10% số hộ có thu nhập từ 300 đến dưới 500 triệu đồng; 9% số hộ có thu nhập từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng và 2,3% số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Phục, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành với mô hình trồng 2 ha cây sầu riêng chuyên canh với thu nhập nhiều tỉ đồng/năm và còn là chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây sầu riêng đạt hiệu quả cao: “Trước hết, mình củng cố đê điều, hệ thống trữ nước. Ngoài ra, còn phải áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, trữ nước trong đất, lên mô cao thì trồng cây sầu riêng trong điều kiện hiện nay vẫn thực hiện được. Về nâng cao chất lượng thì chú trọng các biện pháp lỹ thuật, nhất là bón phân, phun thuốc phù hợp, tuân thủ thời gian cách ly để nâng cao giá trị lên cao. Thời gian tới, mình sẽ vận động nông dân, xã viên chuyển sang xử lý cây sầu riêng nghịch vụ để ứng phó với biến đổi khí hậu và chú trọng nâng cao chất lượng giá trị nhiều hơn để có giá trị kinh tế cao”.

Các mô hình tiêu biểu như: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao: của ông Đặng Văn Bảy (huyện Thạnh Phú) lợi nhuận trên 40 tỷ đồng/năm, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Lê Văn Sấm (huyện Thạnh Phú) thu nhập 50 tỷ đồng/năm, mô hình của ông Nguyễn Minh Nhủ 20 tỷ đồng/năm; mô hình trồng nhãn của anh Nguyễn Văn Thanh (huyện Bình Đại) lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm; mô hình kiểng treo của bà Nguyễn Thị Nga (huyện Chợ Lách) lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/năm...

Để nâng cao hiệu quả phong trào NDSXKDG, các cấp hội quan tâm thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để cùng nhau phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Trong đó, tập trung vận động thành lập tổ hợp tác theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP. Tthời gian qua, các cấp Hội đã trực tiếp vận động thành lập 959 tổ liên kết, tổ hợp tác với 21.280 thành viên; thành lập 84 hợp tác xã với 7.313 thành viên. Nâng tổng số toàn tỉnh hiện nay là 159 HTX, 18.542 thành viên; 1.117 Tổ hợp tác với hơn 20.000 thành viên.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất giỏi với mô hình trồng bưởi da xanh tại huyện Châu Thành, Bến Tre

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất giỏi với mô hình trồng bưởi da xanh tại huyện Châu Thành, Bến Tre

Qua phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân có sáng kiến, giải pháp khoa học, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng đem lại hiệu quả cao, như: hộ ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VII 2019 - 2020 với giải pháp “Nâng cao năng suất sầu riêng bằng biện pháp tạo tán hình chóp” và được công nhận là nhà khoa học của nhà nông năm 2020 và năm 2021. Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh với vườn dừa của ông Nguyễn Văn Đoàn, xã Thới Thạnh huyện Thạnh Phú là mô hình mới có hiệu quả đã được nhiều nông dân nhân rộng.

“Tôi nuôi khoảng 7.000 m2 mặt nước, thu hoạch một đợt được 500 kg tôm càng, một năm thu 3 đợt thu được từ 1,5 tấn - 1,6 tấn tôm. Mô hình này rất hiệu quả vì ở trên mình thu hoạch dừa, dưới nước thì con tôm, hai cái cộng lại. Ở xã, tôi hiện có 42 hộ nuôi tôm với trên 100 ha. Hướng tới tôm vẫn phát triển bình thường, nuôi quanh năm. Đầu ra nếu con tôm đẹp, bấm càng 3 giai đoạn thì không đủ giao. Có một số thương lái đi Campuchia đã đặt hàng nhưng mình không đủ hàng giao".

Phong trào NDSXKDG đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa đa canh và thâm canh, đưa nền sản xuất tỉnh nhà chuyển dịch đúng hướng, phát huy thế mạnh từng vùng trong tỉnh. Hội Nông dân tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất kém hiệu quả; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

Qua phong trào đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững cho nông dân hàng năm giảm từ 8 - 10% hộ hội viên nông dân nghèo. Hiện toàn tỉnh chỉ còn hơn 5.500 hộ hội viên nông dân nghèo chiếm 51 % hộ nghèo của cả tỉnh, 4983 hộ cận nghèo chiếm 47 % hộ cận nghèo của tỉnh.

UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tặng bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tặng bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục được các cấp Hội nông dân tỉnh Bến Tre đẩy mạnh, nâng cao về chất, đa dạng các mô hình sản xuất. Trong 5 năm tới Bến Tre phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở 50%, cấp huyện, thành phố 27%, cấp tỉnh 20%, cấp Trung ương 3%, trong đó có 1 - 2% số hộ đạt danh hiệu “Nông dân tỷ phú”.

“Tập trung hỗ trợ nông dân các hoạt động về kỹ thuật, khoa học công nghệ và thị trường; kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết nối các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt hơn nữa là tạo cho nông dân có một môi trường để phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình trong thời kỳ hội nhập. Hỗ trợ cho nông dân tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài nước có hiệu quả nhất để giúp nông dân tiếp cận các công nghệ mới. Cuối cùng là làm sao có những chính sách giúp đỡ, hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học, kỹ thuật, cũng như các công nghệ, mô hình đã có; đồng thời xây dựng những mô hình mới, hiệu quả để bà con nông dân học tập”, ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bến Tre cho biết thêm.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở xứ dừa có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra động lực, hỗ trợ nông dân cùng thi đua làm giàu; tạo ra nhiều mặt hàng nông sản có giá trị phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/no-ro-phong-trao-nong-dan-san-xuat-kinh-doanh-gioi-o-xu-dua-post1120030.vov