Nở rộ phong trào sản xuất trong nhà lưới, nhà màng ở huyện Nga Sơn
Khoảng 5 năm gần đây, huyện Nga Sơn trở thành điểm sáng của tỉnh trong xây dựng nhà lưới, nhà màng để phát triển các mô hình trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Ngoài chính sách hỗ trợ xây dựng nhà lưới của tỉnh, huyện cũng có cơ chế khuyến khích riêng để kích cầu. Nhờ đó, diện tích nhà lưới, nhà màng tăng lên hằng năm tại huyện luôn trong tốp đầu của tỉnh với hàng chục nghìn m2 mỗi năm. Nhiều năm qua, huyện đồng bằng ven biển này còn đề ra nhiệm vụ theo năm, biến việc phát triển nhà lưới, nhà màng thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của huyện.
Mô hình nuôi tôm thâm canh trong nhà màng ở xã Nga Tân.
Hiện nay, tại tất cả 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều nở rộ phong trào sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao. Hàng trăm mô hình trồng trọt trong không gian nhà lưới được triển khai từ trong vườn nhà đến hầu khắp các cánh đồng trong huyện. Từ các xã gần trung tâm như: Nga Yên, Nga Thành, Nga Phượng đến các xã gần tỉnh Ninh Bình như: Nga Phú, Nga Điền, Nga An... đều có hàng chục mô hình nhà lưới canh tác rau màu giá trị cao và các loại dưa. Ở các xã vùng biển, nhất là Nga Tân và Nga Thủy, mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng thâm canh trong nhà lưới cũng được triển khai, cho hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần nuôi trồng quảng canh truyền thống.
Từ năm 2000, nhờ được cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện Nga Sơn, gia đình anh Hoàng Anh Tuấn ở thôn Đông Thái, xã Nga Thạch đã phát triển hệ thống nhà lưới để trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu. Nhờ học hỏi kỹ thuật canh tác từ các mô hình trong huyện, nên ngay vụ đầu, gia đình anh đã gặt hái thành công. Từ đó, chàng thanh niên 8X này tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới ra những khu ruộng dồn đổi của gia đình, đến nay tổng diện tích các nhà lưới đã lên 2.600m2. Theo anh Tuấn, canh tác trong nhà lưới hoàn toàn chủ động được thời vụ, tránh được thời tiết cực đoan như giá rét, nắng nóng ảnh hưởng đến cây trồng, lại hầu như không có sâu bệnh. Nếu sản xuất nông nghiệp quảng canh truyền thống, khó tạo được sự đột phá trong hiệu quả, nhưng sản xuất trong nhà lưới, những nông dân năng động hoàn toàn có thể làm giàu ngay tại quê hương.
Không chỉ với những người trẻ năng động, mà nhiều nông dân lớn tuổi trong huyện cũng chấp nhận thay đổi phương thức canh tác theo hướng chuyên canh trong nhà lưới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Sắp bước sang tuổi lục tuần, nhưng ông Mai Văn Hào ở thôn Hồ Đông, xã Nga Thành vẫn quyết tâm làm giàu và tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi đi tham quan và học tập kinh nghiệm các mô hình nhà lưới trong và ngoài huyện, từ năm 2020, ông Hào đã quyết định phá bỏ vườn thanh long, vay mượn để đầu tư xây dựng các nhà lưới ngay trong vườn nhà với tổng diện tích 1.200m2. Được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương nên các loại dưa và rau màu có đủ độ ẩm, phát triển tươi tốt quanh năm. Để tạo uy tín và dễ dàng tìm đầu ra cho sản phẩm, gia đình ông quyết tâm canh tác theo hướng sản xuất sạch đúng quy trình VietGAP. Gần như không sử dụng phân hóa học, nguồn dinh dưỡng cho cây trồng là phân chuồng hoai mục mua từ các trang trại và tự ủ thân rau màu phế phẩm, đậu tương. Canh tác trong nhà lưới cơ bản không có sâu bệnh, còn các loại nấm gây hại cây trồng được chủ vườn xử lý bằng các chế phẩm sinh học không độc hại. Do có vườn nhà rộng hơn 5.000m2, nên ngoài diện tích nhà lưới, ông Hào còn phát triển vườn na, thanh long, cây dược liệu phía ngoài, đem lại tổng thu nhập hằng năm hơn 400 triệu đồng. Khu vực nhà lưới với trình độ thâm canh cao, áp dụng các tiến bộ khoa học trong canh tác nên chủ vườn đã phải thuê thêm 3 lao động thời vụ, với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng do tư nhân làm chủ, những năm gần đây, xuất hiện không ít mô hình lớn do các doanh nghiệp đầu tư. Điển hình như khu nhà lưới 5.200m2 chuyên canh dưa vàng, dưa chuột baby, dưa hấu, dưa lưới Nhật Bản... của Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa ở xã Nga Thạch. Từ khu nhà lưới này, đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP tỉnh Thanh Hóa là dưa vàng Vạn Hoa và dưa lưới Vạn Hoa. Doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai các sản phẩm khác là rau màu, mật ong từ khu canh tác này để đề xuất xét chọn sản phẩm OCOP.
Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, năm 2022 toàn huyện đã xây dựng thêm được 165.000m2 (tương đương 16,5 ha) nhà lưới, nhà màng để phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, vượt 9,5 ha so với kế hoạch huyện đề ra. Trong diện tích nhà màng, nhà lưới xây dựng mới này có 12,5 ha được sản xuất các loại rau - củ - quả an toàn, 4 ha nuôi trồng thủy sản. Lũy kế đến thời điểm đầu tháng 2-2023, toàn huyện Nga Sơn đang có 35,5 ha nhà màng, nhà lưới, trong đó 27,5 ha dành cho trồng trọt và 8 ha nuôi trồng thủy sản. Hiệu quả canh tác và nuôi trồng thủy sản trong nhà màng, nhà lưới đạt từ 700 đến 900 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp hàng chục lần các mô hình sản xuất truyền thống.