Nở rộ quán cafe trong 'im lặng': Lối rẽ mới của kinh doanh đô thị?

Không còn là nơi trò chuyện ồn ào, nhiều quán cafe đô thị đang âm thầm chuyển mình thành không gian làm việc bán chuyên nghiệp, xu hướng này đang tạo ra hướng đi mới cho ngành dịch vụ ăn uống.

Giữa lúc ngành F&B đang đối mặt với nhiều áp lực chi phí và cạnh tranh khốc liệt, một mô hình kinh doanh mới đang âm thầm xuất hiện và mở rộng tại các đô thị lớn - quán cafe kết hợp không gian làm việc yên tĩnh. Xu hướng này không chỉ phản ánh thay đổi trong hành vi tiêu dùng, mà còn mở ra một hướng đi linh hoạt cho bài toán tối ưu doanh thu trong ngành dịch vụ ăn uống.

Nơi cafe không chỉ để uống

Sau đại dịch COVID-19, hình thức làm việc linh hoạt (remote/hybrid) trở thành lựa chọn phổ biến đối với giới văn phòng, freelancer và người làm sáng tạo. Kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu về không gian làm việc ngoài văn phòng - vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại cảm giác tự do.

Không nằm ngoài xu hướng này, nhiều quán cafe tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu định hình lại bản chất dịch vụ: thay vì chỉ bán đồ uống, họ xây dựng không gian yên tĩnh, bố trí ổ cắm điện, wifi mạnh và bàn làm việc rộng để phục vụ nhóm khách “ngồi lâu - làm việc thực thụ”.

Tại một số địa điểm như Think in a Box (Ba Đình, Hà Nội), Contrast Coffee (Cầu Giấy, Hà Nội) - những mô hình “cafe làm việc” đã được vận hành theo hình thức gần giống coworking space (khách hàng trả phí theo giờ hoặc theo gói ngày/tháng để sử dụng không gian kèm dịch vụ cơ bản).

Nhiều người trẻ chọn môi trường làm việc tại quán cà phê.

Nhiều người trẻ chọn môi trường làm việc tại quán cà phê.

Trong khi đó, các chuỗi lớn như The Coffee House, Highlands Coffee cũng đã có sự điều chỉnh thiết kế mặt bằng - mở rộng bàn đơn, tăng số lượng ổ điện, tách biệt khu vực trò chuyện và khu vực làm việc.

Điểm đáng chú ý là mô hình này không yêu cầu khách hàng cam kết dài hạn như các văn phòng cho thuê. Người dùng có thể linh hoạt lựa chọn thời gian sử dụng, phù hợp với phong cách làm việc cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Trong bối cảnh giá thuê văn phòng tại các thành phố lớn liên tục tăng, đây là giải pháp kinh tế và dễ tiếp cận hơn nhiều.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Thế Anh - chủ quán cafe trên phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi không nhắm đến lượng khách đông, mà nhắm đến thời gian sử dụng dài và khả năng quay lại thường xuyên, trung bình mỗi khách làm việc tại quán khoảng 3 - 4 giờ, nhiều người đến gần như mỗi ngày. Doanh thu ổn định hơn so với mô hình phục vụ khách vãng lai truyền thống”.

“Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu sẽ khá cao, ví dụ như bàn phải thiết kế rộng hơn, tăng số lượng ổ cắm ở mọi chỗ ngồi, wifi băng thông lớn và đặc biệt thiết kế tường phải cách âm. Nhưng đổi lại, mức chi tiêu trung bình mỗi khách có thể cao hơn hơn từ 30 - 40%. Ngoài ra, chúng tôi còn tích hợp thêm nhiều dịch vụ như đồ ăn nhẹ, in ấn, thuê phòng họp…”, ông Thế Anh chia sẻ.

Nhiều quản lý chuỗi cà phê vận hành tương tự bày tỏ, khách hàng sẽ được thuê chỗ ngồi theo giờ hoặc theo ngày, mô hình này giúp doanh thu không phụ thuộc hoàn toàn vào F&B. Thậm chí, phần lớn lợi nhuận hiện nay đến từ không gian, chứ không phải cà phê.

Nhân viên chuỗi kinh doanh cà phê ThinkBox (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Chi phí thuê chỗ là 29.000 đồng/4 giờ ngồi, đặc biệt quán chỉ thu phí ngồi và khách hàng được tặng kèm 1 đồ uống như trà, cà phê, milo”.

Thay đổi cấu trúc vận hành ngành F&B

Không chỉ đáp ứng xu hướng làm việc mới, mô hình cafe kết hợp không gian làm việc còn góp phần tối ưu hóa hiệu suất vận hành ngành dịch vụ F&B, vốn đang chịu áp lực lớn về chi phí mặt bằng và sức mua sụt giảm sau đại dịch.

Với tỷ lệ khách hàng ngồi lâu hơn, nhưng ổn định hơn, mô hình cafe làm việc giúp các chủ quán cải thiện mức sử dụng không gian. Thay vì phục vụ khách đến và đi nhanh chóng như mô hình cafe truyền thống, nhóm khách hàng làm việc có xu hướng trung thành, quay lại thường xuyên và dễ tiếp cận các dịch vụ gia tăng như: in ấn, đồ ăn nhẹ, thuê phòng họp nhỏ, hoặc sử dụng khu vực yên tĩnh có thu phí riêng.

Lượng khách luôn tấp nập, nhiều người còn đặt bàn trước.

Lượng khách luôn tấp nập, nhiều người còn đặt bàn trước.

Một số quán đã triển khai mô hình thu phí chỗ ngồi theo giờ, tích hợp đặt chỗ qua ứng dụng và cung cấp gói hội viên tháng, qua đó biến quán cafe thành văn phòng mini với chi phí hợp lý. Mức giá phổ biến dao động từ 25.000 đến 60.000 đồng/giờ hoặc 150.000 - 300.000 đồng/ngày, chưa bao gồm đồ uống.

Dù còn nhiều thách thức trong vận hành, các chuyên gia nhận định mô hình cafe làm việc có tiềm năng mở rộng và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn tới, đặc biệt khi xu hướng lao động tự do, startup quy mô nhỏ, và doanh nghiệp hoạt động theo mô hình linh hoạt tiếp tục phát triển.

Theo một số khảo sát thị trường, hơn 35% người trẻ trong độ tuổi 22 - 35 tại các đô thị lớn có xu hướng chọn quán cafe làm điểm làm việc ít nhất 2 - 3 lần/tuần. Ngoài ra, một số quán còn đang thử nghiệm mở rộng mô hình kết hợp: cafe + thư viện học tập, cafe + phòng thu âm mini, cafe + sự kiện cộng đồng.

Về dài hạn, nếu được đầu tư bài bản, mô hình này có thể phát triển theo hướng chuỗi nhượng quyền, với tiêu chuẩn thiết kế không gian làm việc giống như cách mà các chuỗi coworking đã làm trước đó. Trong bối cảnh bất động sản văn phòng đang chịu sức ép lớn về giá và khả năng lấp đầy, cafe làm việc có thể trở thành “phân khúc thứ ba” giữa F&B và văn phòng linh hoạt.

Mô hình quán cafe trong “im lặng” đang chứng minh rằng, nhu cầu làm việc của thế hệ lao động mới có thể trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho sự chuyển đổi của ngành F&B. Từ một ly cà phê đơn thuần, không gian làm việc được hình thành sẽ mang lại cơ hội kinh tế mới cho những ai biết lắng nghe “sự im lặng” ấy.

Tiến Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//y-tuong/no-ro-quan-cafe-trong-im-lang-loi-re-moi-cua-kinh-doanh-do-thi-1108435.html