Nở rộ xu hướng du học nghề
Để tiết kiệm chi phí, tăng cơ hội làm việc và định cư lâu dài, nhiều sinh viên đã lựa chọn du học nghề
Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ nhận ra giá trị của việc học nghề. Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể về số lượng người lựa chọn du học nghề, nhất là ở các nước phát triển có nền giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao như Đức, Nhật Bản, Canada…
Ngành chăm sóc sức khỏe "lên ngôi"
Ông Holger Korte, Chủ tịch Tập đoàn Vidacta (Đức), cho biết Đức đang đối mặt tình trạng già hóa dân số. Vì thế, Đức có nhu cầu cao về lao động chất lượng từ nước ngoài để phát triển đất nước.
Dự báo đến năm 2030, Đức có thể thiếu hơn 5 triệu lao động. Trong đó, riêng ngành điều dưỡng đang thiếu hụt khoảng 50.000 lao động. Mức lương của ngành này đều tăng hằng năm nhưng vẫn rất khó tuyển dụng.
"Đức đang mở rộng chính sách tuyển dụng học viên và người lao động Việt Nam. Các đối tượng này sẽ được miễn 100% học phí khi tham gia chương trình học nghề, được hỗ trợ việc làm tại Đức sau khi hoàn tất chương trình đào tạo. Sau 5 năm làm việc, người lao động có thể xin thẻ xanh định cư lâu dài, bảo lãnh người thân sang sinh sống" - ông Holger thông tin.
Bà Lưu Thị Ngọc Túy, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhân lực quốc tế Vilaco Group, cho biết chương trình đào tạo nghề kép là hình thức đào tạo nghề nổi tiếng của Đức. Chương trình này kết hợp giữa học lý thuyết tại trường nghề với thực hành tại doanh nghiệp, nhiều năm liền đạt hiệu quả cao. Chỉ riêng Đức, từ năm 2022 đến nay, Vilaco Group đã đưa khoảng 400 người Việt sang học nghề. Trong đó, 70% người theo nghề điều dưỡng và trợ lý nha khoa.
"Mặc dù nhu cầu nhân lực lớn nhưng không phải cứ học điều dưỡng là có thể làm việc tại Đức. "Tấm vé thông hành" quan trọng nhất tại Đức chính là ngôn ngữ. Để du học nghề, học viên cần đạt tối thiểu trình độ tiếng Đức B1. Để trở thành điều dưỡng viên chính thức làm việc, yêu cầu bắt buộc phải có trình độ B2 trở lên" - bà Túy nhấn mạnh.
Ngoài chương trình đào tạo điều dưỡng chuyên nghiệp kéo dài 3 năm, Đức còn cung cấp chương trình đào tạo trợ lý điều dưỡng với thời gian học ngắn hơn, khoảng 18 tháng. Chương trình này trang bị cho học viên những kỹ năng cơ bản để hỗ trợ các điều dưỡng viên trong công việc chăm sóc bệnh nhân, người già và người khuyết tật.
"Bên cạnh ngành điều dưỡng, một số ngành nghề đang "hot" tại Đức và có nhu cầu tuyển dụng cao như các ngành về kỹ thuật, quản trị khách sạn, công nghệ thông tin... Một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada cũng bắt đầu rộng cửa cho học viên Việt Nam du học nghề" - bà Túy cho biết.
Du học tại chỗ
Trong một chương trình tư vấn tuyển sinh diễn ra ở TP HCM vào đầu tháng 1-2025, nhiều học sinh lớp 12 cho biết đang quan tâm đến các chương trình du học đại học. Trong đó, vấn đề học sinh lo lắng nhất chính là học phí, tiếp theo là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, e ngại không thể cạnh tranh với sinh viên quốc tế khác.
Theo TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Giám đốc ĐH Gloucestershire Việt Nam, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều hình thức du học khác nhau như: du học tại chỗ, lựa chọn học các chương trình ĐH có liên kết quốc tế 2+2 hay 3+1...
"Tại trường ĐH Gloucestershire Việt Nam, sinh viên không cần đi du học đại học 4 năm ở Anh mà vẫn nhận bằng cử nhân quốc tế. Đặc biệt, học phí tiết kiệm 70% so với học phí gốc" - TS Lộc so sánh.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham gia các chương trình học kỳ quốc tế, tăng cơ hội "xuất ngoại", giao lưu văn hóa, học tập trong thời gian ngắn tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... ĐH Swinburne Việt Nam còn có chương trình học đại học tại Việt Nam nhưng nhận bằng cử nhân của đại học Úc. Ngoài tiết kiệm chi phí so với du học, sinh viên trúng tuyển vào trường này còn có thể nhận thêm học bổng học tập từ 40%-100%.
ThS Lê Anh Bảo, Trưởng Phòng Tuyển sinh - Trường ĐH Swinburne Việt Nam, nhận xét: "Việc có bằng cử nhân quốc tế giúp cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên rộng mở hơn nhiều. Sinh viên có thể làm việc ở các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài ngay tại Việt Nam hoặc sang nước ngoài làm việc".
Bà Lưu Thị Ngọc Túy cho rằng ngôn ngữ và kỹ năng là những chìa khóa thành công khi du học và làm việc tại nước ngoài. So với tiếng Anh, tiếng Đức là ngôn ngữ khó học hơn.
"Đối với du học nghề Đức, chúng tôi rất cần học viên chăm chỉ, siêng năng rèn luyện ngôn ngữ. Ngoại ngữ càng giỏi, việc học tập sẽ càng suôn sẻ. Ngoài ra, học viên sẽ được học thêm các lớp kỹ năng mềm tại Việt Nam trước khi sang Đức du học" - bà Túy thông tin.
Bên cạnh các trường đại học, nhiều trường CĐ tại TP HCM cũng triển khai các chương trình liên kết quốc tế, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận nền giáo dục tiên tiến và cơ hội làm việc ở nước ngoài.
Chủ động tích lũy "điểm cộng"
ThS Lê Anh Bảo nhấn mạnh dù lựa chọn ngành học nào thì bản thân người học phải nắm bắt được kiến thức, đam mê với nghề; tự trang bị những kỹ năng, kinh nghiệm mà công việc đòi hỏi; khả năng tiếng Anh và tin học... Ngoài bằng cấp, sinh viên phải chủ động tích lũy thêm những "điểm cộng" khác, như vậy mới tăng cơ hội tìm việc làm, tăng khả năng cạnh tranh với sinh viên quốc tế.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/no-ro-xu-huong-du-hoc-nghe-196250116205246522.htm