Nợ tiêu dùng tại Mỹ cao chưa từng thấy
Nợ của người tiêu dùng tại Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong quý đầu tiên của năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn cũng gia tăng.
CNBC đưa tin theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) New York, tổng nợ tiêu dùng tại nước này đã vọt lên mức cao mới trong quý đầu tiên của năm nay. Dù hoạt động vay mua nhà giảm mạnh, nợ tiêu dùng vẫn lập đỉnh hơn 17.000 tỷ USD.
Trong 3 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã đạt 17.050 tỷ USD, tăng gần 150 tỷ USD, tương đương 0,9% trong quý. Như vậy, so với năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, nợ tiêu dùng tại Mỹ tăng khoảng 2.900 tỷ USD.
Lãi suất tăng cao
Tổng vay tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt dù các khoản vay mua nhà mới (tính cả tái cấp vốn) chỉ đạt 323,5 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ quý II/2014. Con số này thấp hơn lần lượt 35% so với quý IV/2022 và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các khoản vay thế chấp đã đạt đỉnh 1.220 tỷ USD vào quý II/2021, nhưng quay đầu giảm mạnh vì những đợt tăng lãi suất điều hành dồn dập của Fed.
Vào tháng 1/2021, một loạt đợt cắt giảm lãi suất của Fed đã kéo tụt lãi vay mua nhà kỳ hạn 30 năm xuống khoảng 2,65%.
Nhưng lãi vay mua nhà hiện ở mức 6,4%. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp để kìm hãm lạm phát. Trong vòng hơn một năm qua, lãi suất tăng tổng cộng 5 điểm phần trăm.
Trong cuộc họp chính sách hồi đầu tháng này, ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất. Tuyên bố này đi ngược với dự báo của đa số nhà đầu tư, rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm trong năm nay.
Lãi suất tăng cao đã đẩy tổng nợ vay mua nhà lên 12.040 tỷ USD.
Tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng
Khi lãi vay mua nhà giảm mạnh, nhiều người Mỹ đã tận dụng để mua nhà và tái cấp vốn. Thị trường nhà ở của Mỹ trải qua giai đoạn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch.
Hơn nữa, các đợt giãn cách xã hội và phong tỏa khiến nhiều người bị mắc kẹt trong những căn nhà chật chội. Với xu hướng chuyển sang làm việc từ xa, mọi người cũng dành nhiều thời gian ở nhà hơn.
Do đó, nhiều người Mỹ muốn chuyển sang những căn nhà rộng rãi hơn. Một số quyết định dừng thuê nhà tại các thành phố lớn để mua nhà ở vùng ngoại ô. Điều này đẩy giá nhà lên cao.
"Sự bùng nổ tái cấp vốn khoản vay mua nhà đã kết thúc. Nhưng tác động của nó sẽ còn kéo dài sang nhiều thập kỷ tới", ông Andrew Haughwout - Giám đốc nghiên cứu chính sách công và hộ gia đình tại Fed New York - nhận định.
Dữ liệu của Fed cho thấy khoảng 14 triệu khoản thế chấp đã được tái cấp vốn trong thời kỳ đại dịch, bắt đầu từ tháng 3/2020. 64% trong số đó là tái cấp vốn lãi suất, tức người mua nhà muốn tận dụng chi phí đi vay thấp hơn.
Theo Fed New York, nhờ tái cấp vốn, mỗi người tiết kiệm được trung bình 220 USD/tháng.
Nhờ đó, theo ông Haughwout, người mua nhà có thể tiết kiệm được tổng cộng hàng chục tỷ USD mỗi năm. Số tiền khổng lồ đó chuyển sang chi tiêu hoặc thanh toán những khoản nợ khác.
Dù lãi suất tăng, tỷ lệ tài sản bị tịch thu để thế nợ vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản nợ khác đều tăng.
Tỷ lệ nợ quá hạn đối với thẻ tín dụng tăng 0,6 điểm phần trăm lên 6,5%; đối với khoản vay mua xe tăng 0,2 điểm phần trăm lên 6,9%.
Tổng tỷ lệ nợ quá hạn tăng 0,2 điểm phần trăm lên 3%, đánh dấu mức cao nhất kể từ quý III/2020.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/no-tieu-dung-tai-my-cao-chua-tung-thay-post1431722.html