Nợ xấu không chỉ là chuyện của ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng vừa đưa ra những thông tin đáng báo động về tình hình nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Ông cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2-2023 lên tới 2,91%, cao hơn so với mức 2% vào cuối năm 2022. Nhưng không chỉ có thế, cũng theo ông Hùng, tổng nợ xấu gộp, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đến cuối tháng 2-2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ, gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội ban hành và có hiệu lực vào tháng 8-2017. Vẫn biết rằng tiềm lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đã mạnh hơn thời điểm năm 2017 khá nhiều, và mức 5% tổng dư nợ nêu trên cũng chỉ gần tương đương với tổng nợ xấu vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, quy mô của con số 5% của cuối tháng 2-2023 khác rất xa so với 5% của cách đó gần sáu năm rưỡi do mỗi năm tổng dư nợ tín dụng đều tăng thêm từ 12,17-18,28%. Vì vậy không thể coi thường con số 5% này được.
Nợ xấu tăng là do rất nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn nên không trả được nợ. Tuy nhiên, vẫn còn một nguyên nhân khác, được ông Hùng chỉ ra, đang kìm hãm tốc độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng, khiến cho nợ xấu càng thêm chồng chất.
Đó là hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ chưa đồng bộ; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác khiến cho việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khó khăn. Ông cho biết, nếu chỉ xem vấn đề xử lý nợ xấu là của riêng ngành ngân hàng thì rất khó xử lý.
Vì vậy, ông đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an cùng vào cuộc. Cụ thể hơn là sớm ban hành văn bản hướng dẫn để hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự để các ngân hàng đấu giá thu hồi nợ.
Ngân hàng được ví như huyết mạch của nền kinh tế, trong đó nợ xấu chính là “cục máu đông”. Cục máu đông này càng lớn thì nguy cơ nền kinh tế bị “đột quỵ” càng cao. Không những thế, nợ xấu còn là một trong những nguyên nhân quan trọng ngăn cản các ngân hàng hạ lãi suất tín dụng – vấn đề đang gây ra không ít khó khăn cho cả nền kinh tế hiện nay.
Tạo mọi điều kiện để ngành ngân hàng đẩy nhanh việc thu hồi nợ nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ xấu cần được xem là nhiệm vụ cấp bách. Nhiệm vụ này, nếu chỉ riêng ngành ngân hàng, và thậm chí khi cả ngành tòa án, kiểm sát và Bộ Công an cùng vào cuộc, thì cũng không dễ giải quyết nhanh được vì nó liên quan đến “các quy định pháp luật khác”.
Vì vậy, để sớm đưa nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ bị đe dọa bởi nợ xấu, rất cần sự tham gia trực tiếp của Chính phủ và đặc biệt là Quốc hội, để khai thông nhanh các vướng mắc pháp lý nhằm giúp cho ngành ngân hàng nhanh chóng đánh tan được cục máu đông này.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/no-xau-khong-chi-la-chuyen-cua-ngan-hang/