Nợ xấu ngân hàng dự kiến đạt đỉnh trong quý III, có khó để xử lý?
Với việc nợ xấu hình thành vẫn ở mức cao trong quý II/2023 do đà tăng mạnh của nợ nhóm 2, các chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý III trước khi giảm dần trong quý IV. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế đang tăng trưởng chậm.
Từ đầu năm 2023, chất lượng tài sản của một số ngân hàng đã xấu đi do sự trầm lắng của thị trường bất động sản cùng khả năng tài chính của doanh nghiệp và người vay yếu đi trong môi trường lãi suất cao.
Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từ 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ lệ nợ xấu trung bình đã tăng đáng kể trong quý I năm nay, lên khoảng 1,9% so với 1,6% trong quý trước, với mức tăng đáng lưu ý khoảng 68% của nợ nhóm 3. Trong quý II, tỷ lệ nợ xấu của ngành dù vẫn tiếp diễn đà tăng nhưng tốc độ đã chậm lại, ở mức 2,1%, với mức tăng lớn nhất 25% đến từ nợ nhóm 4.
Ý thức trả nợ thấp kéo dài quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng
Về công tác xử lý nợ xấu, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.641,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, ngân hàng tự xử lý ở mức cao 1.223 nghìn tỷ đồng (chiếm 74,5% tổng nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ bao gồm bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và tổ chức, cá nhân khác là 418,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5% tổng nợ xấu được xử lý.
Tính riêng trong 5 tháng đầu năm, toàn hệ thống xử lý được 75.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Ngoài ra, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản; thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của ngân hàng kéo dài, kém hiệu quả.
Theo TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khả năng “làm mềm” xu hướng tăng của nợ xấu và phần nào giảm áp lực trích lập dự phòng trong vài quý tiếp theo.
Dẫu vậy, tổng quy mô nợ cơ cấu theo Thông tư 02 trên tổng dư nợ sẽ thấp hơn so với quy mô trong đại dịch Covid-19. Với việc nợ xấu hình thành vẫn ở mức cao trong quý II/2023 do đà tăng mạnh của nợ nhóm 2. Các chuyên gia VDSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý III trước khi giảm dần trong quý IV và những quý tiếp theo khi “sức khỏe” nền kinh tế phục hồi.
Nâng cao năng lực chống chịu rủi ro
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng nhận định, có 4 thách thức lớn nhất mà ngành ngân hàng thời gian tới phải đối diện, đó là rủi ro nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn, ổn định và an toàn hệ thống.
Để vượt qua những thách thức trên, theo ông Lực, các ngân hàng cần nâng cao năng lực chống chịu rủi ro thông qua việc thực hiện đầy đủ việc trích lập dự phòng rủi ro theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, tiến tới áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, rồi Basel III từ năm 2026.
“Việc áp dụng phương pháp nâng cao sẽ giúp đánh giá đúng mức độ rủi ro tín dụng của từng khoản vay, thay vì cả lĩnh vực như trong Thông tư 22/2019 hoặc phương pháp tiêu chuẩn (SA) theo Thông tư 41/2016”, ông Lực phân tích.
Tiếp đó, cần tập trung thay đổi cơ cấu thu nhập theo hướng gia tăng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng, nhất là hoạt động tư vấn đầu tư, dịch vụ khách hàng giàu có, nâng cao chất lượng bán chéo sản phẩm, phát triển nền khách hàng hiện hữu tốt hơn.
Cùng với đó, cần xây dựng kế hoạch và quyết liệt triển khai các biện pháp tăng vốn. Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro, đẩy mạnh cơ cấu lại nợ gắn với xử lý nợ xấu theo đề án được duyệt. Cuối cùng là quan tâm phát triển nguồn lực chất lượng, có đủ tâm và tầm, trong đó vấn đề văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc cởi mở, lắng nghe, thấu hiểu khách hàng…
“Đó là những việc rất nên làm hiện nay và sắp tới”, ông Lực nhấn mạnh.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng OCB chia sẻ, OCB đặc biệt chú trọng công tác quản trị nợ, xem xét và đưa ra các cảnh báo từ rất sớm nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn thành nợ quá hạn, nợ xấu mới, tập trung nguồn lực để xử lý những tồn đọng cũ.
“Đối với khách hàng doanh nghiệp, công tác tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023 đã và đang được OCB triển khai nhằm hỗ trợ cho những khách hàng khó khăn nhưng đủ điều kiện cơ cấu lại nợ. Về cơ bản, nếu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, ngân hàng sẽ hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng một cách kịp thời nhất. Với các khách hàng cá nhân, OCB cũng thực hiện tái cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh”, ông Trung thông tin.
Theo báo cáo giữa kỳ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi Quốc hội, đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...) của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 là 5,22%.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 128.800 tỷ đồng nợ xấu. Về nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xác định theo Nghị quyết 42, tổng nợ xấu tăng 3,42% so với cuối năm 2022. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 425.900 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.