Nợ xấu 'phình to', ngân hàng lo khó xử lý

Do khách hàng kinh doanh khó khăn không trả được nợ khiến nhiều khoản vay trở thành quá hạn, hiện đang có 'làn sóng' ngân hàng rao bán nợ. Theo đó, nhiều khoản nợ xấu lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lộ diện thêm tại các nhà băng.

Khảo sát kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng thương mại trong nước (đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023) cho thấy, hầu hết nợ xấu đều “phình to” so với đầu năm, thậm chí nhiều nhà băng tăng bằng lần.

Cuối năm dồn dập rao bán nợ xấu

Gần đây, BIDV, Agribank, VietinBank, VIB, OCB… đã rao bán nhiều khoản nợ xấu, nợ quá hạn có giá trị lên tới hàng trăm tỷ, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.

Mới nhất, BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 510 tỷ đồng của Công ty CP Sado Germany Window tại chi nhánh Đông Đồng Nai. Đây là khoản nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) từ cuối năm 2022.

Bất động sản "đóng băng" khiến việc rao bán, xử lý tài sản thế chấp tại các ngân hàng càng thêm khó.

Bất động sản "đóng băng" khiến việc rao bán, xử lý tài sản thế chấp tại các ngân hàng càng thêm khó.

Ngoài khoản nợ trên, BIDV cũng đã thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh phát sinh tại chi nhánh Ninh Bình và chi nhánh Tam Điệp có giá trị cả dư nợ gốc, nợ lãi, nợ quá hạn gần 752,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, Agribank cũng rao bán nhiều khoản nợ "khủng", được thế chấp bằng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình là khoản nợ của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) với giá khởi điểm hơn 1.000 tỷ đồng. Hay như các khoản nợ liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh; khoản nợ xấu của Công ty TNHH Suối Cát tại chi nhánh tỉnh Bình Thuận…

Một “ông lớn” khác là VietinBank, những tháng qua liên tục tổ chức bán đấu giá các khoản nợ xấu để xử lý thu hồi nợ vay.

Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng dồn dập rao bán nợ xấu. Chẳng hạn, MSB rao bán khoảng 20 tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của khách hàng để thu hồi nợ; VIB ra tới 40 thông báo thu giữ tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất tại Bình Dương, TP.HCM, Lâm Đồng… của khách hàng.

Các ngân hàng khác như LVBank, VPBank, OCB... cũng ra hàng loạt thông báo thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Theo ghi nhận của VnBusiness, thời điểm này, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Hàng loạt khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, nhà xưởng, xe cộ, thậm chí các khoản vay bằng vàng cũng được rao bán liên tục.

Để thu hút các bên mua nợ hoặc tài sản, một số ngân hàng còn tổ chức ngày hội thanh lý tài sản để giới thiệu các loại tài sản cần bán, từ nhà đất, đất nền đến ô tô các loại.

Điển hình, VIB đang rao bán thanh lý một loạt ô tô từ xe sang như BMW, Mercedes đến xe tải, ô tô phân khúc bình dân với mức giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng... Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh phát mại 12 taxi thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Mạnh Huy với mức khởi điểm hơn 1,01 tỷ đồng (khoảng 85 triệu đồng/xe)...

Xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn

Trong 28 ngân hàng thương mại trong nước đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023 có đến 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng trên mức 100 điểm phần trăm (tức tăng bằng lần), 19 ngân hàng ghi nhận mức tăng hai chữ số. Top 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất 9 tháng đầu năm 2023 theo số tuyệt đối cũng lộ diện, bao gồm: VPBank (29.934 tỷ đồng), BIDV (26.394 tỷ đồng), VietinBank (18.941 tỷ đồng), Vietcombank (14.393 tỷ đồng), SHB (13.484 tỷ đồng), NCB (13.460 tỷ đồng), Sacombank (10.388 tỷ đồng), MB (10.111 tỷ đồng), VIB (9.040 tỷ đồng), LPBank (7.367 tỷ đồng).

Những con số trên phản ánh nợ xấu đã tăng rất nhanh và mạnh, song nhiều chuyên gia cho rằng nợ xấu vẫn chưa đạt đến ngưỡng đỉnh và còn tiếp tục tăng nữa.

Chia sẻ với báo giới gần đây, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) dự báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng, đỉnh nợ xấu có thể vào cuối quý IV/2023 hoặc sang đầu năm 2024.

Nguyên nhân chính khiến nợ xấu thời gian tới sẽ còn tăng chủ yếu do khó khăn của các doanh nghiệp. Trong đó có yếu tố xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các xung đột Nga – Ukraine hay gần đây là xung đột tại Trung Đông đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sau đại dịch, sức cầu chung của thế giới cũng như sức cầu của Việt Nam rất yếu, bởi doanh nghiệp suy yếu, thu nhập của người dân cũng giảm. Điều này đang tạo ra môi trường hết sức khó khăn với các doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật đến tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Trong đó, thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Tỷ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đang có chiều hướng gia tăng, đến tháng 9/2023 là 2,89%, tăng so với thời điểm 31/12/2022 (1,72%).

Nợ xấu tăng sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế. Do đó, theo các chuyên gia phân tích, cần hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu, nếu không sẽ không có nguồn tiền để tái tục cho vay. Đặc biệt, cần sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu thay thế sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực để bảo đảm sự vận hành thông suốt của hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhận định, bên cạnh việc đẩy mạnh rao bán đấu giá tài sản thế chấp, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, quan trọng nhất vẫn là kinh tế phục hồi để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục trở lại. Khi đó, các ngân hàng mới có thể xử lý triệt để bài toán nợ xấu.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/no-xau-apos-phinh-to-apos-ngan-hang-lo-kho-xu-ly-1096769.html