Nobel Hóa học năm 2020: Nghiên cứu công nghệ chỉnh sửa gen Crispr/Cas9
Bà Emmanuelle Charpentier (trái) và bà Jennifer Doudna chụp ảnh lưu niệm khi cùng tham dự một sự kiện tại công viên ở Oviedo, Tây Ban Nha ngày 21/10/2015 - Ảnh: Reuters
Hai nhà di truyền học, GS Emmanuelle Charpentier (52 tuổi, người Pháp, hiện là Giám đốc Khoa Khoa học Mầm bệnh thuộc Viện Max Planck) và Jennifer A. Doudna (56 tuổi, người Mỹ, giáo sư Đại học California Berkeley) đã được trao giải Nobel Hóa học tháng 10/2020 vì đã phát triển phương pháp chỉnh sửa bộ gen.
Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna đã khám phá ra một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ gen: kéo cắt gen CRISPR/Cas9. Sử dụng chúng, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi ADN của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao. Công nghệ này đã có một tác động mang tính cách mạng đối với khoa học đời sống, góp phần vào các liệu pháp điều trị ung thư mới và có thể biến giấc mơ chữa khỏi các bệnh di truyền thành hiện thực.
Kể từ khi Charpentier và Doudna phát hiện ra chiếc kéo cắt gen di truyền CRISPR/Cas9 vào năm 2012, việc ứng dụng công cụ này đã trở nên bùng nổ. CRISPR/Cas9 góp công trong nhiều phát hiện quan trọng trong nghiên cứu cơ bản. Chiếc kéo cắt gen di truyền này đã đưa ngành khoa học sự sống bước sang một kỷ nguyên mới và theo nhiều cách, đang mang lại lợi ích lớn nhất cho loài người.