Nỗi ám ảnh của người dân ở Kashmir sau lệnh ngừng bắn mong manh

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir chưa có dấu hiệu chấm dứt triệt để, lệnh ngừng bắn tạm thời được đánh giá là 'liều thuốc giảm đau tức thời'. Thế nhưng người dân sống dọc Đường Kiểm soát (LoC) tại khu vực Kashmir vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi ám ảnh về những ngày bom đạn kinh hoàng.

Ký ức kinh hoàng trong tâm trí người dân

Bà Shazia Mir (42 tuổi), sống cùng chồng và ba con tại thành phố Srinagar, bang Jammu và Kashmir, vẫn chưa thể quên chuỗi đêm kinh hoàng khi tên lửa và pháo kích từ phía Pakistan liên tục dội xuống khu vực dân cư.

“Khi nhìn thấy những chấm đỏ của máy bay không người lái lơ lửng trên bầu trời, chúng tôi nghĩ rằng chiến tranh đã nổ ra. Tôi ôm con ngồi co rúm trong góc phòng, không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo”, bà Mir chia sẻ về những giờ phút hoảng loạn vào sáng 10/5 – thời điểm giao tranh leo thang ác liệt.

Hơn 20 người thiệt mạng do pháo kích tại khu vực Jammu và Kashmir chỉ trong vài ngày. Trong đó có cả một quan chức cấp cao tại huyện Rajouri, nơi phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cuộc chiến.

Ký ức kinh hoàng trong tâm trí người dân vùng Kashmir.Ảnh: RT

Ký ức kinh hoàng trong tâm trí người dân vùng Kashmir.Ảnh: RT

Ngoại giao vội vã trong cơn bão chiến sự

Lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan được công bố chỉ một ngày sau loạt pháo kích dữ dội tại khu vực Jammu và Kashmir. Theo nhiều nhà quan sát, sự can thiệp từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nỗ lực ngoại giao khẩn cấp của Ngoại trưởng Marco Rubio và Phó Tổng thống JD Vance đã phần nào xoa dịu xung đột, giúp người dân tạm rời nơi trú ẩn để trở về sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, nỗi lo sợ vẫn còn hiện hữu.

“Trẻ em vô cùng hoảng loạn. Chúng tôi phải sống dưới những tiếng rít của tên lửa, tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu ngay trên đầu. Chưa bao giờ chúng tôi trải qua những ngày khủng khiếp như vậy”, anh Mudassir Ahmad, một cư dân địa phương nói với phóng viên khi đang cầu nguyện cho trận chiến kết thúc.

Bản chất của lệnh ngừng bắn này đã phản ánh một thực tế đáng lo ngại: thiếu một khuôn khổ đàm phán lâu dài, thiếu sự tham gia tích cực từ các tổ chức quốc tế và không đi kèm cam kết kiểm soát vũ khí hay rút quân.

“Lệnh ngừng bắn được ban hành như một phản ứng mang tính chiến thuật. Nhưng nếu không có cơ chế giám sát và đàm phán chính trị thực sự, nguy cơ tái diễn xung đột là điều không thể tránh khỏi”, chuyên gia Nam Á Michael Kugelman nhận định.

Ngòi nổ của cuộc xung đột lần này bắt nguồn từ một vụ tấn công khủng bố tại thung lũng Pahalgam, khiến 25 du khách thiệt mạng. Chính phủ Ấn Độ ngay lập tức cáo buộc nhóm Lashkar-e-Taiba, tổ chức vũ trang có căn cứ tại Pakistan là thủ phạm và đáp trả bằng “Chiến dịch Sindoor”, phá hủy 9 trại khủng bố bị nghi là nơi trú ẩn của phiến quân.

Dư luận quốc tế đặt câu hỏi về sự leo thang nhanh chóng trong cách phản ứng của New Delhi. Đằng sau đó là áp lực chính trị nội bộ, làn sóng chủ nghĩa dân tộc ngày càng lớn tại cả Ấn Độ và Pakistan, cũng như việc hai bên đều phải thể hiện “lập trường cứng rắn” trước dân chúng.

“Từ góc nhìn chính trị nội địa, cả Ấn Độ và Pakistan đều muốn khẳng định vị thế trước công chúng. Nhưng chính sự cứng rắn đó khiến người dân trở thành con tin trong các tính toán chiến lược”, nhà phân tích Zafar Choudhary bình luận.

Các công trình bị hư hại do pháo kích của Pakistan tại làng Lagama ở Uri. Ảnh: RT

Các công trình bị hư hại do pháo kích của Pakistan tại làng Lagama ở Uri. Ảnh: RT

Cái giá phải trả và những thách thức phía trước

Tại các huyện Rajouri, Kupwara, Poonch và Uri - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt pháo kích - nhiều gia đình phải sơ tán trong đêm, chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo và khẩu phần lương thực tối thiểu.

“Tôi mất tất cả. Nhà cửa tan hoang, con cái thì hoảng loạn. Lệnh ngừng bắn đã có, nhưng chúng tôi sẽ về đâu? Chúng tôi cần một nền hòa bình thật sự, chứ không phải những khoảng lặng trước cơn bão”, bà Dilshada Khan - một người dân làng Gingal (Uri) nói trong nước mắt.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy ít nhất 31 dân thường Pakistan thiệt mạng trong chiến dịch không kích của Ấn Độ, trong khi phía Ấn Độ cũng ghi nhận hơn 20 người chết do pháo kích từ phía bên kia biên giới.

Chuyên gia chính trị Zafar Choudhary cho rằng, lệnh ngừng bắn mang lại cảm giác “giải thoát” sau nhiều ngày bạo lực leo thang. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng: “Việc thiếu vắng vai trò trung gian của các cường quốc – như từng thấy trong xung đột Kargil năm 1999 hay Balakot năm 2019 – khiến tình hình lần này càng thêm đáng báo động”.

Lệnh ngừng bắn hiện vẫn đang được duy trì, nhưng các vụ vi phạm nhỏ lẻ vẫn tiếp diễn. Ấn Độ cáo buộc Pakistan không tuân thủ thỏa thuận, trong khi Islamabad cho rằng New Delhi đã “phản ứng thái quá” sau một hành động đơn phương.

Trong khi cộng đồng quốc tế còn im lặng, không có một liên minh đa phương nào đứng ra làm trung gian hòa giải lâu dài, nguy cơ Kashmir tiếp tục chìm trong xung đột vẫn hiện hữu.

Lệnh ngừng bắn có thể kết thúc tiếng súng, nhưng không thể hàn gắn ngay những vết thương của người dân Kashmir. Hòa bình, nếu không được thiết lập trên nền tảng chính trị - ngoại giao rõ ràng và trách nhiệm nhân đạo nghiêm túc, sẽ chỉ là một khoảng lặng trước khi bão tố trở lại.

Cuộc tấn công của Ấn Độ vào Pakistan là cuộc giao tranh tồi tệ nhất giữa hai nước trong hơn 2 thập kỷ qua. Kể từ khi Ấn Độ và Pakistan được tách ra từ năm 1947, khu vực Kashmir luôn là điểm nóng xung đột. Dù chiến sự tạm lắng nhưng tương lai về một nền hòa bình thực sự vẫn là điều đầy trăn trở với người dân nơi đây.

Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: RT

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/noi-am-anh-cua-nguoi-dan-o-kashmir-sau-lenh-ngung-ban-mong-manh-post1200570.vov