Tổng thống Mỹ Donald Trump 'tháo vòng kim cô' cho Syria: Chớ vội mừng!
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy cách tiếp cận 'dễ thở' trong chính sách với Syria nhân chuyến thăm Trung Đông vừa qua nhưng đây là những 'cánh cửa' hoàn toàn không dễ mở.

Từ trái qua phải, Thái tử Saudi Arabia Mohammad Bin Salman, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa trong cuộc gặp ngày 14/5. (Nguồn: White House)
Biến đổi tương lai của Syria trong "nháy mắt"
Theo Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa ngày 14/5 thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với cách tiếp cận của Saudi Arabia khi gắn vấn đề của Syria với triển vọng bình thường hóa quan hệ với Israel. Đồng thời, hành động của ông Trump đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Syria kể từ khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton gặp Tổng thống Syria Hafez al-Assad tại Geneva 25 năm trước.
Do đó, Mỹ dường như đã chấp nhận ông al-Sharaa và cho thấy chính quyền ông Donald Trump cuối cùng đã có chính sách về Syria.
Điều này nói lên nhiều điều về phong cách lãnh đạo của ông.
Vào tháng 12/2024, ông đăng trên mạng xã hội X rằng Mỹ không can dự vào Syria. Nhưng ngày 13/5, trong bài phát biểu dài 48 phút tại Diễn đàn đầu tư Mỹ-Saudi Arabia, ông bất ngờ thông báo: Mỹ sẽ dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Syria.
Tin tức này đã được chào đón nồng nhiệt ở khắp Syria. Theo nhiều cách, cuộc gặp giữa ông Trump và ông al-Sharaa là một sự kiện trọng đại.
Khi giải thích động cơ của mình, ông Trump nhấn mạnh việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm khuyến khích Syria bình thường hóa quan hệ với Israel.
Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ cho phép ngừng phong tỏa tài sản quốc tế của Syria, cho phép doanh nghiệp nước ngoài tái tham gia các lĩnh vực quan trọng như xây dựng, năng lượng và thương mại, khôi phục quyền tiếp cận của Damascus đối với các hệ thống tài chính và tín dụng toàn cầu.
"Tháo vòng kim cô" sẽ góp phần tái thiết Syria một cách nghiêm túc và giúp người dân Syria có hy vọng hơn về tương lai.
Nói cách khác, sự thay đổi thái độ rõ ràng của ông Trump có khả năng biến đổi tương lai của Syria.
Dễ được, dễ mất
Liệu rằng mọi việc có "thuận buồm, xuôi gió" như những gì ông Trump đã tuyên bố?
Vẫn có những rủi ro nhất định về chính sách của ông đối với Syria. Nếu không có một quy trình chính sách để hỗ trợ cho việc thực thi, quyết định của ông Trump về Syria vẫn có thể bị "trật bánh".
Hơn nữa, ông chỉ có thể dễ dàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria thông qua các sắc lệnh hành pháp (EO). Còn các lệnh trừng phạt của Quốc hội sẽ khó gỡ bỏ hơn nhiều, như các lệnh trừng phạt được áp dụng theo Đạo luật Caesar.
Các lệnh trừng phạt liên quan khủng bố cũng khó được dỡ bỏ. Syria đã nằm trong danh sách Nhà nước bảo trợ khủng bố của Mỹ kể từ năm 1979 và bị trừng phạt vì các chính phủ trước đây được cho là sử dụng vũ khí hóa học. Những chỉ định này có sức nặng pháp lý và chính trị đáng kể, khiến việc xóa bỏ chúng vừa gây tranh cãi vừa chậm chạp.
Do đó, cam kết dỡ bỏ trừng phạt Syria của ông Trump rất dễ đưa ra, nhưng lại khó thực hiện. Sẽ rất khó để dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhanh chóng. Điều đó có thể thử thách lòng kiên nhẫn của Syria và những người muốn giúp đất nước phục hồi.
Dụng ý của Saudi Arabia
Tổng thống Donald Trump cho rằng sự thay đổi quan điểm của ông về Syria là do tác động từ hai nhân vật - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Việc Thái tử Mohammed bin Salman thuyết phục được Tổng thống Trump cho thấy Saudi Arabia hoàn toàn ủng hộ chế độ Tổng thống lâm thời al-Sharaa và đang gắn tương lai của Syria với triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.
Bằng cách sắp xếp cuộc gặp giữa ông Trump với ông al-Sharaa, Thái tử Mohammed bin Salman cảm thấy rằng cách tiếp cận của mình đã nhận được sự tán thành của chính quyền Mỹ.
Mặc dù vậy, vẫn có những rủi ro đối với Saudi Arabia trong động thái này. Nếu ông al-Sharaa không thể "chèo lái" được Syria và bị lật đổ, ông Trump sẽ từ bỏ cam kết với Syria và đổ lỗi cho Riyadh.
Qatar đã học được từ kinh nghiệm rằng việc đặt cược vào các nhóm chiến binh tham gia chính trường, chẳng hạn như phong trào Hamas, có thể phải trả giá đắt - đặc biệt là với các đối tác quan trọng như Mỹ.