Nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại châu Âu

Thảm kịch chìm thuyền khiến hơn 500 người thiệt mạng và mất tích ngoài khơi miền Nam Hy Lạp hôm 14/6 một lần nữa khiến nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại với châu Âu. Con đường di cư Trung Địa Trung Hải ngày càng nguy hiểm hơn trong bối cảnh tranh cãi và chia rẽ không hồi kết về giải pháp cho thách thức lớn này.

Hy Lạp đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân trong vụ chìm thuyền tại vùng biển ngoài khơi nước này. Tuy nhiên hy vọng đang giảm dần khi hàng trăm người vẫn được cho là mất tích, trong khi lực lượng cứu hộ đã không tìm thấy thêm bất kỳ thi thể hoặc người sống sót nào trong ngày hôm qua 15/6. Ít nhất 79 thi thể được tìm thấy và 104 người được cứu sống, bao gồm công dân Ai Cập, Syria, Pakistan và Palestine. Ước tính vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn trên thuyền có khoảng 750 người. Thủ tướng lâm thời Hy Lạp Ioannis Sarmas đã tuyên bố 3 ngày quốc tang.

Người di cư vào EU. Ảnh: Rmx.news.

Người di cư vào EU. Ảnh: Rmx.news.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết bà vô cùng đau lòng trước thảm kịch này và cam kết sẽ tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia lân cận để trấn áp những kẻ buôn người di cư.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Eric Mamer cho biết: "Chúng ta phải đạt được thỏa thuận về chính sách di cư chặt chẽ và hiệu quả. Đó là điều đầu tiên. Và thứ hai, làm việc với các quốc gia thành viên để đảm bảo rằng chúng ta có các hoạt động, các biện pháp hiệu quả nhất có thể. Vai trò của Ủy ban châu Âu là cố gắng giải quyết những nguyên nhân của tình trạng, đảm bảo có thể hạn chế càng nhiều càng tốt và về lâu dài, loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến tình huống như chúng ta thấy hiện nay.”

Kể từ khi Tổ chức Di cư quốc tế (IoM) khởi động dự án người di cư mất tích vào năm 2014, ước tính có khoảng 27.000 người di cư được ghi nhận là đã chết hoặc mất tích khi tìm đường vào châu Âu qua Địa Trung Hải. Tuy nhiên điều này không ngăn cản được người di cư tìm cách chạy trốn nghèo đói và xung đột để đi tìm miền đất mới.

Bà Erasmia Roumana tại Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết: “Mọi người sẽ tiếp tục đi trên những hành trình nguy hiểm để rời khỏi đất nước, để trốn chạy đàn áp và chiến tranh. Những chuyến vượt biển ngày càng dài và nguy hiểm. Vì vậy, nếu người di cư vẫn buộc phải rời bỏ quê hương theo cách này và đi trên những tuyến đường như thế này, chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến những thảm kịch tương tự.”

Các nước “tiền tuyến” phía Nam từ lâu đã phải chịu gánh nặng người di cư, trong khi các quốc gia “điểm đến” phía Bắc giàu có hơn thường miễn cưỡng chia sẻ gánh nặng. Còn những nước Trung và Đông Âu có đường lối cứng rắn như Hungary hay Ba Lan cũng đã mạnh mẽ từ chối tiếp nhận bất kỳ người tị nạn nào như vậy. Sau nhiều năm tranh cãi, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tuần trước đã đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước tị nạn và di cư mới nhằm chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đã có rất ít tiến bộ thực sự trong việc tạo ra các tuyến đường an toàn và hợp pháp cho những người xin tị nạn đến châu Âu./.

Thu Hoài/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/noi-am-anh-khung-hoang-di-cu-tro-lai-chau-au-post1026963.vov