Nỗi ám ảnh từ những mương nước ô nhiễm tại Hà Nội
Thực trạng ô nhiễm mương nước tại Hà Nội đang trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng đối với người dân. Nhiều dự án cải tạo bị đình trệ, rác thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vô tình biến các mương nước từng trong xanh thành 'điểm đen' môi trường. Sự bức bối từ mùi hôi và rác thải không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn làm mất mỹ quan đô thị.
Mương nước từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa dòng chảy, giảm ngập úng và hỗ trợ quá trình thoát nước tại các đô thị. Không chỉ là những tuyến kênh thoát nước, chúng còn góp phần cải thiện chất lượng không khí, tạo cảnh quan xanh mát cho cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án cải tạo mương nước đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, để lại hậu quả nghiêm trọng. Các mương nước bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, đồng thời trở nên ách tắc, làm tăng nguy cơ ngập úng mỗi khi mùa mưa đến. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Dự án mương Kẻ Khế "đắp chiếu" suốt 17 năm.
Thực trạng ô nhiễm mương nước tại Hà Nội
Mương nước Kẻ Khế – công trình từng được kỳ vọng cải thiện hệ thống thoát nước cho khu phố cổ – nay lại trở thành “điểm đen” giữa lòng Thủ đô. Được phê duyệt từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư lên tới 205 tỷ đồng, nhưng sau 17 năm, dự án vẫn chưa thể hoàn tất.
Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và tình trạng lấn chiếm từ người dân ven mương. Kết quả, dòng nước từng trong xanh giờ đây đã chuyển thành màu đen đặc, tắc nghẽn bởi lượng lớn rác thải sinh hoạt như túi nilon, chai nhựa, cùng các vật dụng cũ. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng trăm hộ dân sống xung quanh.
Không chỉ riêng mương Kẻ Khế, mương Thụy Khuê cũng đang đối diện với tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Được biết, dự án đã thi công xong các hạng mục: Cống hóa mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp bê tông cốt thép; làm đường giao thông trên cống; làm hè đường với chiều dài gần 1,7km. Hiện dự án vẫn đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên chưa thể tiếp tục thi công.

Trong ngõ 58 Hoàng Quốc Việt, mương nước đã chuyển màu xanh đen kèm theo váng bẩn nổi lềnh bềnh.
Ngoài ra, mương nước tại ngõ 58 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy cũng rơi vào tình trạng "nằm chờ" dự án cải tạo. Mặc dù có kế hoạch biến khu vực thành không gian sạch đẹp và thoát nước hiệu quả, nhưng môi trường tại đây vẫn ngày càng xuống cấp. Nước đục ngầu, rác thải ứ đọng, và mùi hôi nồng nặc khiến người dân trong khu vực phải đóng kín cửa, sống trong sự lo ngại về nguy cơ dịch bệnh và mất an toàn sinh hoạt.
Tiến độ ì ạch của các dự án cải tạo mương nước Hà Nội
Nguyên nhân chậm tiến độ triển khai các dự án cải tạo mương nước tại Hà Nội xuất phát từ nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do thiếu sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền, dẫn đến việc một số khu vực bị lấn chiếm và không thể thi công. Bên cạnh đó, quy trình quản lý và phối hợp giữa các bên liên quan thường thiếu hiệu quả, gây ra sự trì hoãn trong các giai đoạn triển khai dự án. Một số dự án còn gặp phải vấn đề về thiết kế và kỹ thuật không phù hợp với điều kiện thực tế, làm gia tăng thời gian và chi phí thi công. Tất cả những yếu tố này tạo ra vòng luẩn quẩn, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm mương nước và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
Cần có những giải pháp kịp thời, xóa “điểm đen” trong môi trường đô thị
Theo GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Giảng viên cao cấp trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, cần có cách tiếp cận quản lý hệ thống nước bền vững đặt tài nguyên nước đô thị làm trung tâm, giảm thiểu việc sử dụng nước và tăng cường tái sự dụng nước trong công trình, do đó giảm áp lực lên tài nguyên nước thiên nhiên và giảm thiểu sự xả thải chất ô nhiễm ra ngoài hệ sinh thái đô thị. Hà Nội cần xây dựng một kế hoạch tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước đô thị với đa mục tiêu: Đảm bảo cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vấn đề thoát nước và những công tác đảm bảo chất lượng cho hệ thống thoát nước đang là vấn đề cấp thiết. Thoát nước mưa chống úng ngập đô thị và thu gom xử lý nước thải bảo vệ môi trường nước là một hoạt động tổng hợp và đồng bộ, yêu cầu mỗi người dân, mỗi cấp chính quyền cần phải tích cực tham gia... Úng ngập và ô nhiễm môi trường nước Thành phố Hà Nội phải được giải quyết bằng các biện pháp tổng hợp và đồng bộ. Các giải pháp thoát nước mưa và thu gom, xử lý nước thải (trung hạn và dài hạn) dựa trên các yêu cầu như: các quy hoạch thành phần liên quan đến tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trong Quy hoạch phát triển thành phố phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội có tính đến sự biến đổi khí hậu; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến quản lý tổng hợp và quản lý bền vững tài nguyên nước đô thị.
Nước thải sau xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường là một thành phần tài nguyên nước đô thị, cần thiết phải quản lý hiệu quả và bền vững. Việc tái sử dụng nước thải vừa có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường lại vừa có hiệu quả kinh tế cao khi tiết kiệm được lượng lớn tài nguyên nước trong các hoạt động đô thị.
Thực trạng ô nhiễm mương nước tại Hà Nội là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự suy thoái môi trường đô thị. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số, việc sớm hoàn thiện các dự án cải tạo, xử lý nước thải và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng là điều cấp bách. Nếu không có giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ phía chính quyền cũng như sự hợp tác của toàn xã hội, hình ảnh “điểm đen” của mương nước sẽ còn kéo dài, đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân Hà Nội.