Nỗi ấm ức của đứa con bị ghét bỏ

Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình độc hại, không nhận được tình yêu thương của cha mẹ luôn cảm thấy tủi thân. Điều này khiến trẻ lớn lên trong sự tự ti và muốn khép mình.

 Cha mẹ cần dành sự quan tâm đầy đủ để trẻ có thể phát triển toàn diện về cảm xúc và thể chất. Ảnh minh họa: M&C.

Cha mẹ cần dành sự quan tâm đầy đủ để trẻ có thể phát triển toàn diện về cảm xúc và thể chất. Ảnh minh họa: M&C.

Theo thời gian, tôi ngày càng hiểu rằng các kết nối chân thành và yêu thương không phải là mục tiêu được săn đón hay mong muốn trong các hệ thống gia đình độc hại. Cha mẹ tôi phát triển mạnh mẽ chiến lược chia để trị.

Cha thường xuyên nói xấu mẹ, anh trai, chị dâu tôi hay bất cứ ai ông cho rằng cản đường mình trở thành trung tâm của sự chú ý. Mẹ coi cha tôi là “kẻ xấu”. Mỗi lần tôi bảo vệ bản thân hoặc chống lại mẹ, bà ấy sẽ nói một cách mập mờ: "Con thật giống cha mình". Khi ở cạnh tôi, mẹ nói xấu sau lưng mọi người trong gia đình và tôi biết bà cũng làm điều tương tự với mình.

Trong các gia đình độc hại, anh chị em thường đọ sức với nhau, điều này cũng xảy ra trong gia đình tôi và vẫn còn tiếp diễn cho đến nay. Đây là cách lựa chọn đứa con bị hắt hủi và đứa con cưng giữa anh chị em ruột. Phương pháp chia rẽ này có thể được tiến hành một cách tinh vi hoặc công khai, nhưng đều gây tác hại rõ rệt với mối quan hệ giữa anh chị em.

Trong trường hợp của tôi, khi còn nhỏ, anh trai và tôi rất thân thiết vì chúng tôi phải tồn tại cùng nhau. Đôi khi anh ấy là cha mẹ mà tôi chưa từng có, còn những lúc khác, tôi hoàn thành vai trò người cha, người mẹ đồng cảm với anh ấy. Nhưng bất kể chúng tôi gần gũi nhau đến mức nào khi còn nhỏ, anh ấy vẫn là đứa con cưng được săn đón, còn tôi là đứa bị hắt hủi.

Lớn lên với tư cách là đứa con bị hắt hủi trong gia đình đã khiến tôi rất đau đớn. Hơn bất cứ điều gì, tôi muốn được yêu thương như cách mọi người yêu thương anh trai. Tôi chứng kiến cả cha và mẹ đã bẻ cong thế giới để được là một phần trong thế giới thể thao của anh ấy như thế nào, cũng chứng kiến sự thật rằng cha mẹ hầu như chẳng làm gì để trở thành một phần trong thế giới của tôi ra sao.

Từng giây phút trong cuộc đời của tôi không tươi sáng bằng mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời anh ấy. Không chỉ nhận tình yêu thương từ cha mẹ, anh trai tôi còn được hầu hết mọi người trong thị trấn nhỏ nơi chúng tôi lớn lên yêu quý anh và tôn thờ.

Tôi cũng tôn thờ anh ấy, nhưng chưa bao giờ cảm thấy ghen tị với con người anh. Trên thực tế, suốt nhiều năm liền, tôi đã coi anh ấy là điều tích cực duy nhất trong đời mình. Tôi cùng chung dòng máu với anh, nếu anh tốt đẹp thì ít nhất sẽ có một điều mà người khác thích ở tôi.

Tại sao lại có người cha, người mẹ muốn ngăn cách và chia rẽ những người thân trong gia đình, đặc biệt là giữa con cái của mình? Họ làm điều này để duy trì kiểm soát, thao túng đối với các tương tác trong gia đình. Vì vậy họ nỗ lực chia để trị.

Nếu anh trai không dành cho cha mẹ sự quan tâm và công nhận tình cảm mà họ cần, họ sẽ nâng tôi lên, khiến anh thấy lo lắng trước việc mất đi vị trí con cưng. Điều này hẳn rất đau đớn và đáng sợ đối với anh, cũng là nguyên nhân chính khiến anh chẳng muốn liên lạc với tôi khi cả hai đã lớn.

Vì ngay từ hồi bé, tôi đã chẳng phải là ngôi sao. Tôi là "đứa trẻ hư, kẻ thua cuộc". Ai muốn bị thay thế bởi đứa trẻ kém cỏi chứ? Chắc chắn không phải anh trai tôi rồi.

Tôi luôn sống trong cái bóng của anh trai mà chẳng thấy cay đắng chút nào. Tôi thực sự ngưỡng mộ anh ấy. Tôi chưa bao giờ muốn mình giỏi hơn anh, vì chẳng bao giờ tôi nghĩ mình có khả năng đó. Sau tất cả, anh ấy là siêu anh hùng của gia đình, đứa trẻ mà cha mẹ có thể thoải mái ở bên và thỏa mãn lòng ái kỷ của họ.

Tất cả những gì tôi muốn là tìm thấy và đắm mình vào tia sáng mặt trời nhỏ bé của riêng bản thân. Khi tôi tìm thấy điều này trong thành công của mình, cha mẹ đã khoe khoang điều đó với anh tôi như một cách kìm hãm sự độc lập của anh ấy, không cho anh thoát khỏi họ. Điều này khiến hai anh em tôi ngày càng trở nên xa cách.

Đứa con bị hắt hủi trong gia đình trở thành người mà các nhà trị liệu gọi là "bệnh nhân bị chỉ định" hay IP (identified patient). Theo Virgina Satir, nhà trị liệu tâm lý gia đình và tác giả nổi tiếng: "Thuật ngữ bệnh nhân bị chỉ định được sử dụng trong y học lâm sàng để mô tả một người bị rối loạn chức năng, bị lựa chọn trong tiềm thức để trở thành công cụ chuyển hướng xung đột nội tâm của các thành viên khác và gánh vác trách nhiệm cho những rắc rối trong gia đình".

Nói cách khác, đứa con bị hắt hủi là đứa trẻ hư, thường xuyên bị rối loạn ăn uống, hay bị điểm kém, nổi loạn, thích trốn học, ốm yếu, bị trầm cảm và dễ tức giận. Đứa con không được cưng chiều này bị đổ lỗi cho mọi rắc rối trong gia đình, bởi vì hành vi xấu của chúng khiến người khác thấy căng thẳng.

Sherrie Campbell/ Sky books & NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/noi-am-uc-cua-dua-con-bi-ghet-bo-post1566259.html