Nơi ấy có mưa
Ngoan không biết điều chi đang xảy đến với mình. Nhìn chị hai cười ngặt nghẽo bá cổ bá vai anh rể là Ngoan không chịu được. Cảm giác bực bội xen lẫn ghen ghét cứ bức rức trong lòng. Ngoan không vui khi cả nhà tụ tập ăn uống, bởi những lúc đó phải nghe những lời ngọt ngào anh chị dành cho nhau, phải chứng kiến ánh mắt chị hai nhìn chồng tình tứ. Ngoan thường lủi vào trong, ai gọi thì nói no rồi không ăn nữa.
Ngoan ngồi lặng lẽ trong căn phòng bé tẹo có ô cửa sổ nhỏ nhìn ra rừng cỏ cháy. Vài vuông đất đã được phủ xanh bởi những vạt rau và vài khóm hoa. Phía bên kia nhấp nhô những quả đồi, mới hôm qua đây thôi hãy còn lạ lẫm. Số cây vừa trồng lá rũ buồn vì thiếu nước, chút màu xanh hiếm hoi đang chờ một cơn mưa mát lành. Ngoan đưa tay ôm lấy hai vai, thoáng cái đã mấy năm trôi qua, nhanh như một cái chớp mắt.
Khu nội trú vắng tanh, lác đác vài người đang gom nốt những vật dụng cá nhân. Hết khóa học, mỗi người đều đã có những định hướng. Riêng Ngoan vẫn ngồi trầm ngâm nơi cái ô vuông bé tẹo. Con đường phía trước thật dài, Ngoan phải tự đi thôi.
Ngoan nhớ lại những ngày tháng cũ, ôi tuổi thơ và những nông nỗi.
*
Từ ngày theo ba mẹ vào vùng kinh tế mới này, có cơm ăn no hơn, áo mặc đẹp hơn, nhưng bù lại, những trận đòn oan khiên cũng ngày một nhiều. Và tệ hơn cả, Ngoan không được cắp sách đến trường nữa. Mẹ bảo học chi cho lắm, biết cộng trừ nhân chia phụ mẹ bán buôn là được rồi. Con gái học nhiều rồi cũng lấy chồng sinh con, cha mẹ có được nhờ gì đâu. Chẳng lẽ đẻ ra nuôi ăn học rồi gả về nhà chồng? Giọng mẹ chua ngoa đanh đá. Lúc the thé sa sả, lúc lại đẩy đưa ngọt ngào. Nhiều lúc Ngoan trộm nghĩ, giá mình đừng là con của mẹ!
Như hôm ông ba trưởng ấp tới nhậu, mẹ đã không lấy tiền thì chớ, lại còn đứng cạnh bên nắn vai, xoa cổ. Đôi tay ông ta quàng qua eo mẹ kéo rịt vào người. Mẹ cười ngả ngớn lắc lư, nắm tay nắm chân bịn rịn không rời. Gì mà anh ba nhớ tới quán ủng hộ em út thường xuyên nhen anh ba, gì mà trăm sự em chỉ biết trông vào anh, gì mà… nghe bắt ghét!
Như hôm thằng Khèo ăn nợ tô nước súp tới lần thứ ba, mẹ chửi té tát không biết cất mặt vào đâu. Nào là đồ của tôi ở trên trời rơi xuống hầu mấy người hả, nào là cái thứ mặt dày không có tiền cũng bày đặt ăn sang! “Ủa chỗ này mẹ sai rồi, nó mua tô nước lèo ăn với cơm nguội mà, vậy cũng đâu có sang gì đâu!”. Ngoan thắc mắc. Mẹ quay ngoắc vào cái giọng đang lí nhí, hai đáy mắt như hố lửa. Mẹ di tay vào trán Ngoan, “Mày ngon hen, dám mở miệng bênh vực thằng ăn mày này hả? Cút, cút khỏi nhà tao!”. Mẹ vơ lấy cây chổi đập tới tấp lên đầu, lên cổ Ngoan. Ngoan chạy vội ra sau bếp hứng chịu cơn thịnh nộ của mẹ. Trong quán lúc này chỉ còn vài ba người, toàn mấy khách ất ơ, chuyên ăn uống nợ nên mẹ sẵn tiện dằn mặt luôn một thể.
Anh rể qua lúc nào không hay, anh thoa dầu vào mấy chỗ sưng trên vai Ngoan, bảo dì Chín sau đừng cãi mẹ nữa, mẹ buôn bán cực khổ, lại đủ thứ áp lực, dì lo cho mấy đứa em được rồi. Chuyện bán buôn để anh hai nói mấy đứa nhỏ qua phụ ngoại.
Cả cái nhà đông đúc mười bốn con người này, duy chỉ anh rể là tử tế với Ngoan. Anh nói nhẹ nhàng, vui vẻ, chưa từng đánh đứa con nào dù chỉ một roi. Lũ con anh chị cũng nheo nhóc tầm tuổi Ngoan, nhưng chúng tha hồ bay nhảy. Học cũng được, chơi cũng được, cứ hồn nhiên mà lớn.
Anh rể làm nghề mổ heo. Chị hai có một sạp thịt bự nhất cái chợ thị xã này. Người chị hai ngày càng đẫy ra, tấm lưng to phè nhìn chẳng khác chi phản thịt. Có lần anh rể kể, “Hôm bả đau, bác sĩ bảo bồng qua giường. Nghĩ bụng, móa, bà này có khi hơn tạ thịt, phải có cái rọ xúc chắc dễ thở hơn”. Chị hai cười tít mắt, tay vỗ vào lưng chồng đùi đụi, “Nói xấu vợ vừa nha ông, xưa tui cũng mi nhon xinh xẻo chớ bộ!”. Rồi liếc qua Ngoan, “Xưa mình bằng dì Chín nó, chồng hen!”.
Ngoan bằng tuổi đứa con đầu lòng của anh chị hai. Nhưng vai em út nên Ngoan bắt buộc phải trưởng thành sớm. Ngoan thay mẹ lo cho lũ em, thay chị làm bảo mẫu luôn cho lũ cháu mũi dãi lòng thòng. Mười sáu tuổi, Ngoan phổng phao. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng dễ thương, đôi mắt một mí lận nhìn cứ như diễn viên xứ Hàn, xinh xẻo.
Ngoan không hề hay biết sự thay đổi hình thể từ chính con người mình. Cô vẫn lầm lũi với vai trò bảo mẫu. Thi thoảng quán đông khách lại chạy ra xớ rớ phụ mẹ.
Mẹ Ngoan mở quán nhậu bán luôn đêm luôn ngày. Nguyên liệu do anh rể cung cấp. Bao nhiêu ba dớ tạp nham được cho hết vào cái nồi nước lèo lúc nào cũng sực nức mũi. Những thứ mỡ màng lèo phèo luôn khiến Ngoan ngấy tận cổ.
Ngoan kén ăn nên cứ bị mẹ chửi suốt. Nào là con nhà lính, tính nhà quan. Nào là đỏng đảnh chó cảnh. Nào là… ôi thôi đủ thứ câu kém hay ho mẹ lượm được đều gắn vào bộ mặt ít cười của Ngoan.
Ba lang thang các ngả phố với xấp vé số trên tay. Đáng lý ba nên ở nhà phụ bán với mẹ thì hơn. Nhưng hai người cứ sáp vô là cãi. Có lúc còn đánh nhau khi đang có khách khiến anh rể phải chạy qua can ngăn. Ba đi tới tận tối mới lò dò về, nịnh nọt đôi câu để tối tối lại vục đầu vào ngực mẹ. Nghe những tràng chửi quỷ sứ quỷ yêu gì đâu của mẹ bên bức vách mỏng, được ngăn bởi một tấm màn cũ đôi lúc khiến chị em Ngoan thao thức không ngủ được. Cứ lần lượt từng đứa chui ra từ vách màn cũ ấy. Lầm lũi lớn, bốc đất lớn, khoai củ mà lớn.
Cơn đau bụng kéo dài từng hồi khiến Ngoan muốn rụng rời tay chân. Công việc còn ngổn ngang, khéo mẹ lại tấp chổi lên đầu. Nhưng Ngoan đau lắm không chịu được. Quờ quạng xung quanh chẳng còn ai để nhờ. Tụi nhỏ ăn xong chạy óng xứ qua hàng xóm chơi. Ngoan nằm rũ trên đống áo quần bẩn chưa kịp giặt. Anh rể qua, thấy Ngoan vậy thì hoảng hốt đưa đi bệnh viện.
Ngoan nằm im cố lắng tai, lời bác sĩ nói thật khẽ. Giọng anh rể lí nhí lục ục nơi cuống họng chẳng nghe được chi. Chắc là mình sắp chết rồi, Ngoan thầm nghĩ thế. Những vệt máu tươi ròng khiến Ngoan run sợ. Mình sẽ chết thật sao? Anh rể bước vào với gói gì đó vuông vức đẹp đẽ trên tay, bảo tốt rồi chúng ta về.
Anh rể là chỗ dựa duy nhất cho Ngoan từ đận ấy. Không đòn roi, không mắng chửi, không còn cả những lúc buồn vu vơ. Cứ mỗi sáng ra, khi chở thịt bỏ quanh các đầu mối, anh rể lại tắm táp sạch sẽ rồi qua nhà mẹ vợ phụ bán, nói chuyện tào lao với mấy người khách quen, thi thoảng ở lại ăn trưa luôn. Chiều xách xe đi tìm mối. Tối về với vợ con hoặc nhậu nhẹt. Nửa đêm lại hì hục mổ heo rồi phân phát đi các ngả chợ.
Anh rể chăm chút cho Ngoan từng chiếc áo lót, từng cái quần đùi. Bảo dì Chín thiếu nữ rồi, ăn mặc phải tử tế. Mỗi lần anh rể thường mua cho cả con, cả em vợ nên ai cũng ngưỡng mộ người đàn ông chỉn chu này.
Ngoan không biết điều chi đang xảy đến với mình. Nhìn chị hai cười ngặt nghẽo bá cổ bá vai anh rể là Ngoan không chịu được. Cảm giác bực bội xen lẫn ghen ghét cứ bức rức trong lòng. Ngoan không vui khi cả nhà tụ tập ăn uống, bởi những lúc đó phải nghe những lời ngọt ngào anh chị dành cho nhau, phải chứng kiến ánh mắt chị hai nhìn chồng tình tứ. Ngoan thường lủi vào trong, ai gọi thì nói no rồi không ăn nữa.
Không ai biết được sự chuyển biến lớn lao trong Ngoan. Nó gặm nhấm, nó ray rứt, nó cắn xé tâm hồn và trái tim cô gái nhỏ. Ngoan đã biết yêu. Mà oái ăm thay, người Ngoan yêu lại chính là anh rể, hơn Ngoan gần hai chục tuổi. Là chồng của chị hai, là cha của bốn đứa cháu, và là người con rể được mọi người trong gia đình yêu thương.
Ngoan rơi vào tuyệt vọng với mối tình đầu đầy oan trái. Mỗi ngày, trái tim lại trỗi dậy những cung bậc yêu thương thầm kín. Những khao khát dày vò khi bên kia bức màn, chiếc giọng the thé của mẹ hổn hển những lời mắng yêu suồng sã.
Lũ em đã ngáy đều sau một ngày nghịch ngợm. Ngoan rón rén bước ra khỏi buồng. Đi ngang chỗ nằm của mẹ, tiếng kéo gỗ quen thuộc của ba cũng đã đều đều hòa vào mùi ẩm mốc xốn xang quen thuộc. Ngoan nhẹ đẩy cánh cửa sổ, mùi hương ngọc lan từ bên nhà hàng xóm tràn sang ngây ngất.
Ngoan nhìn ra bầu trời đêm, le lói một vài ngôi sao xa. Có ngôi sao nào dành cho Ngoan không. Chỉ Ngoan và riêng Ngoan duy nhất. Hay cuộc đời sẽ như đêm đen u tối, không có ánh sáng, không có lối về.
Ngoan không muốn như mẹ, ban ngày cợt nhả với không biết bao nhiêu đàn ông, tối lại về rên siết kêu gào như lũ mèo hoang gọi bạn tình thống thiết. Cũng không muốn như chị hai, suốt ngày bên chiếc phản thịt, đến cả con mình cũng chẳng động tay chăm.
Ngoan nghĩ về anh rể nhiều hơn, anh ấy, giá là của Ngoan thì tốt biết mấy…
Khẽ kiễng chân, thêm vài lần cố gắng, Ngoan đã ra khỏi căn nhà mình. Cô dè dặt bước. Bóng tối như nuốt chửng lấy cái thân hình nhỏ bé đang từng bước rụt rè. Ngoan chưa đủ trưởng thành để hiểu, mọi khía cạnh xấu trong cuộc đời đều thuộc phạm trù của bóng đêm. Bóng đêm, nơi hội tụ những điều huyền bí mà Ngoan thường khắc khoải mong ngóng.
Bên kia đường lớn, một khu đất trống với lung linh ánh sáng của lũ đom đóm mời gọi. Ngoan dợm chân bước. Khẽ đặt chân lên mỏm đá nhỏ cheo leo, Ngoan ngắm nhìn bầu trời đêm qua đôi mắt thơ ngây mơ mộng. Hình như có một ngôi sao xanh vừa sà xuống, ánh sáng lung linh diệu nhẹ. Ngoan lao theo vồng sáng ấy. Chợt có tiếng xe thắng gấp thảng thốt, tiếng ai đó mắng té tát, tiếng người lao xao. Ngoan bừng tỉnh.
*
Người thanh niên đưa Ngoan về đêm ấy là Thành, bộ đội vừa tại ngũ. Anh là con trai của ngôi nhà sát vách. Gia đình họ chuyển đến mấy tháng nay, có cây ngọc lan tỏa hương ngào ngạt. Mỗi đêm Ngoan vẫn thường mở cửa sổ trộm lấy mớ hương nhốt vào buồng rồi hít hà. Bất ngờ hôm nay giáp mặt, lần đầu, trong một tình huống hết sức ngỡ ngàng. Cổng khóa trong, cánh cửa sắt hoen gỉ im thin thít. Một làn hương mỏng thoáng qua, nhẹ tênh, vương vấn. Vài sợi tóc mai mềm mại áp vào đôi gò má hây hây. Anh nhìn Ngoan không chớp mắt. Thoáng bối rối. Trong ánh sáng nhàn nhạt của vệt đèn đường, hai má Ngoan bừng lên hâm hấp.
Không thể kinh động đến giấc ngủ của ba mẹ, Ngoan đành bảo anh giúp mình leo rào. Thoáng bật cười hóm hỉnh, bất chợt bắt gặp ánh mắt sụp xuống bẽn lẽn, anh thôi không trêu nữa.
Hằng đêm, cánh cửa sổ ấy mở nhiều hơn, chỉ để thậm thò nhìn chiếc lưng quen đang khom người gảy đàn. Giọng ghita tha thiết, lúc dịu dàng, lúc bay bổng, lúc lại da diết mênh mang…
Bên hàng rào dưới gốc ngọc lan:
“Sao em không đi học?”. Thoáng chút ngập ngừng, “Mẹ bảo nghỉ”. “Thế không ai đấu tranh cho em à?”. Lắc đầu. “Thế em không buồn sao?”. Im lặng. “Em có muốn đi học lại không?”. Im lặng. “Không đi học thì mai mốt em định làm gì?”. Rơm rớm. “Anh giúp em đi học trở lại nghe!”. Lắc đầu.
Thành thở dài suy nghĩ. Không thể để con bé thất học trong thời đại này được. Nếu khó khăn về kinh tế, đã có các đoàn thể, các hội từ thiện và mạnh thường quân giúp đỡ. Vấn đề là, làm sao thay đổi tư duy của con bé và gia đình.
Thành ăn sáng khá muộn ở quán nhà mẹ Ngoan, cốt chờ vơi khách, cũng là tiếp cận với mẹ cô bé. Người đàn bà dáng thanh mảnh trắng trẻo, làn môi mỏng đon đả, ánh mắt lúng liếng. Thảo nào cô bé xinh xắn như mẹ. Nhưng dường như hai người là hai thế giới.
Thoáng thấy anh, tim Ngoan đập loạn xạ, hai má bừng đỏ. Cảm giác bối rối thẹn thùng. Đôi tay lóng ngóng suýt làm rơi đồ khiến mẹ lườm dài. Mọi thứ đều được anh thu vào tầm mắt.
Thật ra, kinh tế gia đình Ngoan không đến mức phải nhận trợ cấp. Nhưng để cô bé được đến trường, nhất định phải có cách gì đó. Mà cách gì thì Thành chưa nghĩ ra.
Chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩ. Là cuộc họp bàn phương hướng mới cho thanh thiếu niên vùng cao mà chi hội đang đề ra. Phải rồi, trường nghề, sao mình không nghĩ ra nhỉ? Đó là nơi hợp lý cho cô bé, vừa học thêm văn hóa, lại có được cái nghề nuôi sống bản thân.
Từ ngày gặp Thành, Ngoan nôn nao khó tả. Cô đi ra đi vào thẫn thờ, mắt thi thoảng trộm nhìn qua hàng dậu thưa, cảm giác như kẻ trộm. Lỡ vô tình chạm mặt nhau, tim Ngoan đập thình thình, mặt đỏ lên bối rối. Cũng từ đận ấy, những cảm xúc xốn xang về anh rể trong Ngoan vụt tắt.
Thành đưa Ngoan lên phố huyện nộp hồ sơ dự học, thoáng chốc cô bỗng trở thành một con người hoàn toàn khác. Cuộc đấu tranh với mẹ khiến Ngoan trưởng thành hẳn. Phía trước Ngoan là một con đường dài.
*
Ngoan lại nhìn thêm lần nữa ra vạt cỏ cháy. Mai mốt đây thôi sẽ được phủ xanh. Ngoan đã gắn bó với nơi này từng vạt cây, ngọn cỏ. Từng góc nhỏ đã được Ngoan trồng thêm những loại thảo mộc quý. Hôm Ngoan xin ở lại làm cấp dưỡng cho trung tâm, mọi người ngỡ ngàng. Ai cũng khuyên Ngoan nên suy nghĩ lại. Cái trung tâm heo hút này không thể giúp cô có tương lai. Ngoan cười, vẫn giữ nguyên suy nghĩ cũ.
Không ai biết những niềm sâu khuất nơi ánh mắt buồn ấy. Còn nhớ, cách đây vài năm, khi đang trong khóa học nghề, một người bạn đã rủ Ngoan bỏ học để “đi ra làm ăn”. Người đó còn nói người xinh đẹp như Ngoan không nên phí nhan sắc trời cho. “Hồng nhan bạc tỉ”, mắc mớ đi học mấy cái nghề lằng nhằng. Người bạn này cũng được ai đó bơm tiêm vào đầu mà lôi kéo Ngoan.
Xa nhà, thiếu vắng tình thương và những lời động viên, lại thêm những chông chênh tuổi mới lớn. Ngoan sa chân. Không có phép màu cho những nông nổi. Tháng ngày đi qua là những vực sâu hun hút. Mùi nước hoa rẻ tiền, mùi thuốc lá, mùi đàn ông đặc quánh hôi hám… Ngoan chạy trốn.
Thành ngồi trầm tư, không khói thuốc, không cà phê, chỉ có khuôn mặt như được đúc bằng thứ hợp kim lạ, đanh và rắn. Ngoan bối rối lo sợ trước ánh mắt lạnh như từ cõi âm ti ấy. Bất chợt Thành lắc mạnh đầu, như thể vừa rũ sạch thứ chi đó, rồi nở nụ cười thật hiền. “Để anh đưa em về nhà!”. “Không, anh, đừng. Cho em về lại trung tâm…”. Ngoan run rẩy, giọng đứt quãng. Ngoan sợ thứ âm thanh phát ra từ sau bức màn mỏng của mẹ, Ngoan sợ những cái nhìn như thiêu đốt từ mấy gã đàn ông ngà ngà say. Cả ánh mắt thật hiền của anh rể…
Giọng Thành đều đều, như thể mình phải chịu trách nhiệm trong câu chuyện của Ngoan càng khiến cô thêm áy náy lẫn hối hận. Anh cùng vài người bạn đang tiếp quản cái trung tâm đào tạo nghề này. Tuy đã được xây dựng mấy năm nhưng hoạt động cầm chừng vì thiếu nhân lực. Một đảng viên trẻ về địa phương hoạt động như Thành, kinh phí hạn hẹp, bao khó khăn chất chồng khiến anh phải lao vào tìm hướng đi mới. Thời gian ấy, Ngoan thấy hẫng hụt, trống trải. Không biết vì muốn được Thành chú ý đến mình nhiều hơn, hay Ngoan sợ cái cảm giác bơ vơ ấy lại đến với mình. Không ai có thể quản phần hồn trong mỗi người, trừ chính họ. Những suy nghĩ lệch lạc đã khiến Ngoan phải trả giá.
Ngoan lại được Thành đưa về, tiếp tục khóa học đang dở dang. Mới gần nửa năm bươn chải ngoài đời, Ngoan đã thay đổi nhiều, già dặn, chững chạc. Đôi lúc trầm tư như người trưởng thành khiến Thành đau lòng.
Nghe Thành trăn trở việc phát triển trung tâm nhưng thiếu người đồng hành. Ai cũng phải lo cho gia đình nhỏ của mình, mà đồng lương ít ỏi ở đây không đủ trang trải. Sau mấy đêm dài suy nghĩ tìm hướng đi mới cho trung tâm, vừa giúp các bạn trẻ hướng nghiệp kịp thời, lại vừa giải quyết nguồn lao động dư thừa đang dôi ra mỗi năm, tóc Thành bắt đầu lưa thưa đổi màu. Chiếc ghita nằm kỹ trong bao da, bụi phủ dày hàng lớp. Ngoan thương anh quá. Mà Ngoan đã thương anh từ dạo xưa rồi, nhưng luôn giữ cho mình một điều riêng tư nhất. Anh đâu thể của riêng Ngoan được, anh là của công chúng, của mọi người. Ngoan không muốn cảm xúc ghen tuông vô cớ của mình ảnh hưởng đến anh và những khó khăn anh đang ra sức tháo gỡ.
Nghe Ngoan xin ở lại, Thành đã bất ngờ ôm ghì Ngoan vào lòng mừng rỡ. Buông vội cô ra trước ánh mắt ngỡ ngàng của Ngoan, anh rối rít xin lỗi. Sau đó là cuộc tranh đấu nảy lửa, Thành đưa ra những khó khăn mà Ngoan sẽ gặp phải khi ở lại đây. Anh bảo đừng tuổi trẻ bồng bột nữa. “Em chín rồi!”, Ngoan thốt nói. Thoáng phút sững người, Thành bật cười thành tiếng. “Thưa em, anh biết em thứ 9, nhưng chưa hẳn đã chín đâu cô bé. Đừng ngốc, không như anh được đâu!”. “Sao lại không, anh làm được thì em cũng làm được. Đừng cản, em quyết rồi, em đã đủ quyền công dân rồi nha!”.
Siết lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn của Ngoan, Thành nhìn sâu vào mắt cô. “Giờ anh phải chuẩn bị để ra Thủ đô học tập. Anh cho em một tháng để suy nghĩ, hoặc ít hơn nếu em đã có quyết định bỏ cuộc. Vậy nha! Nhớ phải suy nghĩ thật kỹ. Tuổi trẻ là để trải nghiệm”.
Mây đen ùn ùn kéo về, từng đợt sấm chớp rền vang. Chân trời lóe lên từng tia sáng. Rồi mưa. Mưa ầm ầm từ rừng xa, hun hút, tối tăm. Tin nhắn của Thành về đúng lúc, “Trong mình mưa chưa em? Ngoài này lạnh lắm, anh ước chi mang được mớ hơi ẩm này lên những vạt rừng…”. Ngoan mỉm cười chụp gửi cho anh vài bức ảnh mưa.
“Cung đường sẽ trở nên đẹp hơn nếu bạn có người đồng hành”. Ngoan copy lại dòng chữ viết nghiêng nghiêng trên đầu sách của Thành gửi cho anh.
Trong màn mưa ấy, Ngoan nghe cây cối đâm chồi, nghe lá reo vui. Nghe đất uống lấy những hạt mưa vội vã.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/noi-ay-co-mua-i718783/