Nổi bật tuần qua: Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam; Kiện toàn thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Tuần từ 26/8 -1/9, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam; kiện toàn thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; khánh thành Đường dây 500 kV mạch 3; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục; kiểm soát dịch sởi gia tăng tại các địa phương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tối 29/8 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, long trọng tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Suốt 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi theo tiếng gọi của Người, vang vọng Lời thề độc lập, với tư tưởng bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết đồng lòng, muôn người như một, cùng với đoàn kết quốc tế trong sáng, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định có được những thành tựu vĩ đại sau 79 năm thành lập nước, là do tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do, hạnh phúc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; đồng thời, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành tuyệt đối và vô hạn với lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang ra sức phấn đấu bứt tốc, sớm về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến kỷ niệm 80 năm giành độc lập, 50 năm thống nhất đất nước...

Kiện toàn thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Trong tuần qua, tại kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 26/8/2024, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi được kiện toàn.

Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi được kiện toàn.

Cụ thể, với 432/432 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 89,81% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với các ông: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Với 426/426 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 88,57% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với các ông: Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Như vậy, các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được kiện toàn sau kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV có 26 thành viên gồm: Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng và 20 Bộ trưởng, trưởng ngành.

Khánh thành Đường dây 500 kV mạch 3

Ngày 29/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đến Phố Nối (tỉnh Hưng Yên). Đây là dự án trọng điểm quốc gia, lập nhiều kỷ lục, chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 là đường dây 500 kV mạch kép, dài khoảng 519 km, đi qua 9 tỉnh, có tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2024, với 1.177 vị trí móng cột, 513 khoảng néo.

Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đoạn qua xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đoạn qua xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc, thiết bị, kỹ thuật lớn, có vật tư phải nhập khẩu cần thời gian, cần nguồn nhân lực lớn, thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi, địa hình phức tạp ở các địa phương... Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm việc liên tục 24/7”, “3 ca, 4 kíp”, “làm xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ”, dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã hoàn thành sau 6 tháng thi công thay vì phải 3 - 4 năm như thông thường. Dự án đã xác lập nhiều kỷ lục như: Thủ tục đầu tư ngắn nhất, thời gian thi công ngắn nhất…

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, công trình 500 kV mạch 3 đưa vào vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong đó, công trình mang ý nghĩa chiến lược góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc. Đây là công trình của niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết, quan điểm “Dân là gốc” của Đảng, Nhà nước ta, sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; có ý nghĩa với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài về bảo đảm cung ứng điện, nhất là ở lĩnh vực công nghệ cao, tin tưởng vào quyết tâm của phía Việt Nam “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cụ thể, đo lường, cân đong đo đếm được”.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phối hợp với các cơ quan địa phương làm tốt công tác hoàn nguyên, vệ sinh môi trường; tổ chức vận hành Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 cùng cả hệ thống điện quốc gia an toàn, đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, đảm bảo cung cấp đầy đủ, vững chắc nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định số 2236/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục, với chủ đề năm học là "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương".

Giờ học Toán tại Lớp 8A1, Trường THCS Tân Hòa, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Giờ học Toán tại Lớp 8A1, Trường THCS Tân Hòa, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Cụ thể, năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục; ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo và các Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và đổi mới chương trình giáo dục mầm non; rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới giáo dục và đào tạo; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 và phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng giáo viên.

Ngoài ra, ngành Giáo dục đưa ra các chỉ tiêu trọng tâm như: Huy động 99,7% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; tỉ lệ hoàn thành chương trình Tiểu học phấn đấu đạt 99,5%; 40 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; 29 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 1; tỉ lệ giáo viên Trung học Cơ sở đạt chuẩn đào tạo là 94%; giáo viên Trung học Phổ thông đạt chuẩn đào tạo là 99%...

Số ca mắc sởi của cả nước tăng gấp 8 lần so với năm 2023

Tuần qua, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Gần nhất, ngày 27/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Nhân viên trạm Y tế phường 6, quận 8, TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. Ảnh: TTXVN

Nhân viên trạm Y tế phường 6, quận 8, TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. Ảnh: TTXVN

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2495/QĐ-BYT về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 và các công văn về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường; công văn về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cùng với các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh sởi. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với TP Hồ Chí Minh, Cục Y tế dự phòng đề nghị Thành phố cần triển khai các biện pháp chống dịch sau khi công bố dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm như: Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thực hiện việc khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, huy động các nguồn lực, bố trí trực 24/24 giờ để sẵn sàng chống dịch; thực hiện cách ly y tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Các địa phương khác cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-le-ky-niem-79-nam-ngay-quoc-khanh-viet-nam-kien-toan-thanh-vien-chinh-phu-nhiem-ky-20212026-20240831142456906.htm