Nổi bật tuần qua: Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3; Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Tuần từ ngày 16/9 đến 22/9 diễn ra một số sự kiện nổi bật: Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba; Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3; kinh tế Việt Nam nhận tác động tích cực khi Fed hạ lãi suất; Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Từ ngày 18 - 20/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Hội nghị đã thống nhất xác định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2025 và sẽ được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, với các giải pháp hiệu quả nhất, tập trung mọi nguồn lực, đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trung ương yêu cầu cả hệ thống chính trị, Chính phủ, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, quyết làm, có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2025 được Trung ương thông qua; đạt được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP và tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tiếp theo; chú trọng cao nhất các giải pháp ưu tiên để bảo đảm tăng trưởng cao của nền kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân, đặc biệt là đối với các địa phương chịu hậu quả nặng nề của bão số 3.

Ban Chấp hành Trung ương cũng nhấn mạnh công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là công việc hệ trọng; là “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Về chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/giờ) trên trục Bắc Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Ngày 21/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ và sau đó là thăm cấp Nhà nước tới Cuba.

Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định những đóng góp của Việt Nam đối với tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, cho thấy sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới.

Mặt khác, chuyến công tác tại Hoa Kỳ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2025. Đây là dịp quan trọng để hai bên cùng nhìn lại những thành tựu mà khuôn khổ quan hệ mới mang lại, thảo luận về những định hướng và biện pháp lớn để tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực, ổn định, thực chất của quan hệ trong nhiều năm tới.

Trong khi đó, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là minh chứng khẳng định mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba đã và vẫn luôn được coi là tài sản quý báu được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước hết sức vun đắp, thể hiện sự coi trọng cao của Việt Nam đối với Cuba và vị trí của Cuba trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%.

Để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP đề ra 6 giải pháp cơ bản. Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, quản lý và phân bổ hợp lý, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch.

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc dọn dẹp bùn đất sau bão lũ. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc dọn dẹp bùn đất sau bão lũ. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN

Trong tuần, các tỉnh thành phía Bắc đã và đang tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Ngày 17/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 55 để thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, nhằm khắc phục hậu quả bão số 3. Chiều 18/9, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức hội nghị lắng nghe và trao đổi các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tỉnh Lào Cai cũng đã chốt phương án tái định cư cho Làng Nủ mới cách thôn bản cũ 2 km, đây là khu vực rộng rãi, có địa hình cao, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước. Trong ngày 16/9, chính quyền địa phương triển khai máy móc vào đo đạc, quy hoạch, thống kê đền bù giải phóng mặt bằng, thi công, quyết tâm hoàn thành trước 31/12/2024…

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 ngày 20/9 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, toàn ngành ngân hàng thống kê sơ bộ có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại. Đã có 17 ngân hàng công bố các chương trình hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3. Bên cạnh chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, hầu hết các ngân hàng triển khai giảm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu và dư nợ vay mới, phổ biến ở mức từ 1 - 2%. Đáng chú ý, có ngân hàng giảm tới 50% tiền lãi hiện tại cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão lụt.

Fed hạ lãi suất tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam

Quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm % ngày 18/9 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ mang lại tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Giới phân tích cho rằng, với riêng Việt Nam, các tác động tích cực có thể kể đến như: Thúc đẩy tăng xuất khẩu, tăng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, giảm áp lực lên tỷ giá, ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán hưởng lợi…

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank, thị trường chứng khoán Việt Nam dù được hưởng lợi từ quyết định của Fed, song chưa dễ vượt mức 1.300 điểm một cách bền vững. Riêng vàng và chứng khoán Mỹ vẫn có thể vượt đỉnh khi dòng tiền tạm thời vẫn còn duy trì.

Cùng đà với giá vàng thế giới tiếp tục tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 19/9, nhờ tác động từ quyết định giảm mạnh lãi suất của Fed, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước ngày 20/9 quay đầu tăng mạnh. Trong phiên ngày 20/9, giá vàng miếng SJC bán ra đạt mốc 82 triệu đồng/lượng, tăng cao nhất nhiều tháng qua, trong khi giá vàng nhẫn tiếp tục lập đỉnh mới, tiến sát mốc 80 triệu đồng/lượng.

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Từ ngày 19/9, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Ở phiên tòa này, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm hầu tòa với các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 sáng 20/9/2024.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 sáng 20/9/2024.

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định trong giai đoạn 2 của vụ án có 35.824 bị hại; 534 tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu, huy động vốn nhà đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng và sử dụng vào các mục đích khác nhau, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Trong 10 năm từ năm 2012 đến 2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty tại Việt Nam và nước ngoài để chuyển, nhận tiền, với tổng số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng).

Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn bị cáo buộc tội Rửa tiền từ nguồn tiền tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ phát hành trái phiếu với số tiền 445.747 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 19/9 đến 19/10/2024. Trước đó, ngày 11/4, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 1, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan bản án tử hình.

PV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-con-bao-so-3-xet-xu-vu-an-van-thinh-phat-giai-doan-2-20240921161926375.htm