Nổi bật tuần qua: Thực hiện quyết liệt phòng, chống lãng phí; 10 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025

Tuần từ ngày 30/12/2024 đến 5/1/2025, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt phòng, chống lãng phí; Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 7 Ban chỉ đạo về sắp xếp bộ máy; Bổ sung hơn 6.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương; 10 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025; Tuyển bóng đá Việt Nam thắng tuyển Thái Lan 2 – 1 trận lượt đi ASEAN cup 2024.

Tổng Bí thư dự Hội nghị triển khai công tác ngành Nội chính Đảng năm 2025. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư dự Hội nghị triển khai công tác ngành Nội chính Đảng năm 2025. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt phòng, chống lãng phí

Trong tuần qua, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Trung ương năm 2024, kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố phải tham mưu cho Đảng lãnh đạo, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Bí thư yêu cầu ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng; rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế pháp luật nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, ngành Nội chính cấp tỉnh nâng cao hơn nữa hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, với phương châm phòng ngừa là chính, xử lý là trọng tâm, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn và thẩm định nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, kê khai tài sản không trung thực, để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, cần tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính; chủ động đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tỉnh ủy, Thành ủy giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối thoại và giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân; xử lý dứt điểm các vụ, việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

Ngoài ra, Tổng Bí thư đề nghị khẩn trương tinh gọn bộ máy theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương; tăng cường các biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực bản lĩnh "Chắc - Sắc - Đắc" (Pháp luật chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm).

Các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo Quy định 199 của Trung ương, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Lựa chọn phương án tối ưu nhất trong sắp xếp tổ chức bộ máy

Trong tuần, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo.

Theo Ban Chỉ đạo, đến nay 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã trình phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ, yêu cầu.

Đối với việc hợp nhất, kết thúc nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị còn có ý kiến khác nhau, Thủ tướng yêu cầu "cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình" thì hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định; những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục nghiên cứu, trình các phương án phù hợp.

Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu tổng kết mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả, nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu nhất. Các đơn vị thuộc Chính phủ hay các bộ phải giao nhiệm vụ và thiết kế công cụ quản lý gồm luật pháp, cơ chế, chính sách, để kiểm tra giám sát công tác cán bộ; trao quyền nhiều hơn cho hội đồng thành viên. Trong đó, Chính phủ chỉ trực tiếp quản lý một số tập đoàn có tính chất chiến lược, là trụ cột kinh tế đất nước, thực hiện vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ; các tập đoàn, tổng công ty còn lại chuyển về các bộ quản lý.

Bổ sung hơn 6.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương

Trong tuần, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1689 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương. Quyết định nêu rõ, phân bổ số tiền 6.434 tỷ đồng từ nguồn dự toán ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ theo Nghị quyết số 105 của Quốc hội để bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương như đề nghị của Bộ Tài chính.

Cụ thể, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho các địa phương số tiền 5.834 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023 - 2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 – 2024; bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho các địa phương số tiền 600 tỷ đồng để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn vốn từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao bổ sung kinh phí nêu tại Quyết định này chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo đảm kịp thời, đúng chế độ chính sách, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Các phương tiện lưu thông trên đường Giải Phóng hướng ra khỏi Thủ đô. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Các phương tiện lưu thông trên đường Giải Phóng hướng ra khỏi Thủ đô. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

10 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025

Từ ngày 1/1/2025, mười luật sẽ có hiệu lực thi hành, bao gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Luật Đường bộ năm 2024; Luật Thủ đô năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2024; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) năm 2024; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 2023; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024; Luật Đầu tư công năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đáng chú ý, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 bổ sung nhiều quy định mới với lái xe. Cụ thể, kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Chiều 3/1, đội tuyển Việt Nam đã bước vào buổi tập đầu tiên tại Thái Lan, trên sân tập nằm cách khách sạn lưu trú khoảng 10 phút di chuyển bằng xe buýt. Ảnh: VFF

Chiều 3/1, đội tuyển Việt Nam đã bước vào buổi tập đầu tiên tại Thái Lan, trên sân tập nằm cách khách sạn lưu trú khoảng 10 phút di chuyển bằng xe buýt. Ảnh: VFF

Đội tuyển Việt Nam đến Thái Lan, chuẩn bị cho trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024

Tối 2/1, sau khi giành chiến thắng 2 - 1 ở trận lượt đi với đội tuyển đương kim vô địch Thái Lan trên sân nhà Việt Trì, Phú Thọ, trưa 3/1, đội tuyển Việt Nam đã tới Thủ đô Bangkok, Thái Lan, để chuẩn bị cho trận chung kết lượt về tại Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024) diễn ra tối 5/1.

Với chiến thắng 2 – 1, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện được sức mạnh trước đối thủ Thái Lan trên sân nhà sau 27 năm không thắng và trận thắng này có ý nghĩa quan trọng mang đến cho người hâm mộ Việt Nam hy vọng mới để mở đầu năm 2025; đồng thời, giữ lợi thế trước trận lượt về.

Người hâm mộ Việt Nam đang chờ đợi các tuyển thủ quốc gia tiếp tục làm nên kỳ tích trên đất Thái và mang chức vô địch ASEAN Cup 2024 về cho Tổ quốc.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-thuc-hien-quyet-liet-phong-chong-lang-phi-10-luat-co-hieu-luc-tu-ngay-112025-20250104163828474.htm