Nỗi buồn của y tá bị kỳ thị

Iris Lê (1994) làm việc tại Bệnh viện Royal Adelaide, Australia. Cô từng đoạt giải cuộc thi Hoa hậu Áo dài của Adelaide Nam Australia. 'Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái' là nhật ký của Iris Lê khi chữa trị bệnh nhân Covid-19 và những câu chuyện buồn vui sau 6 năm gắn bó nghề y.Truyền thông Australia ghi nhận một số y tá bị người đi đường vô cớ hành hung hoặc xúc phạm vì cho rằng nhân viên y tế đem virus từ bệnh viện phát tán ra cộng đồng.

Mia ngồi trên tàu hỏa mỗi ngày đến chỗ làm. Bệnh viện cô nằm ở giữa trung tâm của thành phố Sydney sầm uất. Tìm chỗ giữ xe ở đây cảm tưởng như đãi cát tìm vàng.

Giá gửi xe lại đắt đỏ. Mặc dù bệnh viện có tài trợ miễn giảm cho nhân viên, nhưng vẫn phải nộp đơn và chờ đợi khá lâu. Mia đã nộp đơn được hơn sáu tháng nay mà vẫn chưa nhận được hồi âm.

Từ khi đại dịch lan rộng, nhà nước miễn hẳn tiền vé tàu cho nhân viên y tế, chỉ cần trình thẻ nhân viên cho tài xế là được, vì thế dùng phương tiện công cộng trở nên dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều.

Ngồi trên tàu hỏa, cô nhìn ra bên ngoài cửa kính, mọi vật lướt ngang qua đường ray như một cuốn băng video được tua nhanh. Cảnh vật hòa vào nhau thành một mảng nhờ nhờ. Chỉ mới xa Anna có hơn một tuần mà trong lòng cô cảm thấy nhớ con gái quay quắt.

- Cô là y tá ở bệnh viện à?

Một giọng nói khàn khàn, đục đục vang lên bên tai cắt ngang dòng suy nghĩ khiến Mia giật mình. Cô nhìn sang thì thấy bên cạnh là một người đàn ông với gương mặt hung tợn, hai mắt lờ đờ như người say rượu, miệng nồng nặc mùi thuốc lá rẻ tiền.

Nhìn ông ta lấm lem như thể vừa chui từ lòng đất lên. Trên người là bộ quần áo lao động với hai màu cam dạ quang và xanh biển. Tay phải ông ta cầm một chiếc áo khoác nỉ đồng màu.

Mia liếc nhanh xuống bộ đồng phục y tá mà mình đang mặc với vẻ tự hào không che giấu và khẽ mỉm cười:

- Vâng. Tôi là y tá.

Những tưởng người đàn ông sẽ hỏi thăm cô về tình hình Covid-19 ở bệnh viện, nhưng những gì mà người đàn ông sắp sửa làm khiến Mia không thể ngờ. Mặt ông ta sa sầm lại và bắt đầu hét lớn khiến những hành khách còn lại trên tàu hỏa phải giật mình:

- Đồ khốn nạn! Con nhỏ châu Á khốn nạn! Sao mày dám bước lên trên tàu hỏa lây bệnh cho mọi người!

Mày cũng nhiễm Covid! Con khốn! Mày cút về nước của mày ngay! Sao mày dám đem vi trùng, vi khuẩn của mày sang nước của chúng tao, lây bệnh cho người của tao?

Nói đoạn, ông ta dùng chiếc áo khoác quất tới tấp vào người Mia, vừa quất vừa thét lên “Cút! Cút!” khiến cô quá bất ngờ nên không kịp đưa tay lên đỡ những cú đánh đầu tiên.

Này! Này! Một người đàn ông da trắng cao lớn, mặc áo sơ mi và quần tây công sở đang đọc sách ở hàng ghế gần đó, thấy chuyện bất bình, liền nhào tới can ngăn.

- Ông làm gì thế?

- Nó dám mặc đồng phục bệnh viện ra đường! Nó muốn lây bệnh cho toàn xã hội!

- Ở bệnh viện người ta luôn cho nhân viên mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân, hơn nữa luôn phải rửa tay rất thường xuyên, trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Cô ấy biết rõ mình đang làm gì. Ông đừng có mà quá đáng như thế! Người đàn ông lạ mặt nói đỡ cho Mia.

- Tao không quan tâm! Mày nói đỡ cho con nhỏ Tàu này hả? Tao đánh chết mày bây giờ.

Nói xong, ông ta vừa giơ nắm đấm lên, định hành hung luôn cả người khách lạ thì hai nhân viên bảo vệ tàu đã bước đến, nhanh chóng quắp hai tay ông ra sau lưng. Người đàn ông lè nhè chửi rủa thêm vài câu nữa rồi bị giải xuống ở ga tàu kế tiếp.

- Cô không sao chứ?

Thấy Mia ngồi thẫn thờ như người mất sổ gạo, người đàn ông đã nói giúp cho cô bước đến, ân cần hỏi.

- Tôi không sao... Cảm ơn anh.

- Đừng để ý tới tên đó nhé. Trên đời thật có lắm kẻ ngu. Bản thân tôi luôn dành cho những người làm công việc ở đầu chiến tuyến như cô những lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất...

Ánh mắt anh ta dịu dàng, khóe miệng cong lên như một nụ cười an ủi.

- Mà nhân tiện đây, cô thật sự là một nữ y tá xinh đẹp nhất mà tôi từng được nhìn thấy từ trước đến giờ!

Người đàn ông thòng thêm một câu cảm thán, vừa ngưỡng mộ vừa có ý tán tỉnh.

- Cảm ơn anh.

Mia đáp nhưng không thể cười nổi, dù chỉ là một nụ cười xã giao. Cô vẫn còn chết lặng trong cơn sốc. Cô không thể tin những gì vừa xảy ra.

Màu da vàng và gương mặt Á Đông này chính là thứ đã khiến cô bị kỳ thị ư? Mia chợt bật cười chua chát và ngẫm nghĩ về thời ấu thơ của mình.

[…]

Đến bệnh viện, Mia bước vào nhà vệ sinh tranh thủ rửa mặt cho hai mắt bớt sưng và sửa mái tóc rối bù. Cô không muốn ai biết mình vừa khóc. Nhưng Mia không phải là nạn nhân đầu tiên của vấn nạn kỳ thị chủng tộc lẫn nhân viên y tế này.

Trong cuộc họp toàn khoa ngày hôm đó, y tá trưởng đã dặn dò tập thể không được mặc đồng phục ở nơi công cộng. Truyền thông và báo đài đã ghi nhận có một số y tá bị người đi đường vô cớ hành hung hoặc phỉ nhổ vì cho rằng nhân viên y tế đem virus từ bệnh viện phát tán ra cộng đồng.

Ngay chiều hôm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế của New South Wales, ông Brad Hazzard, thông báo sẽ phạt 5.000 đôla bất kỳ ai nhổ nước bọt, hay cố tình ho vào người các nhân viên y tế. Khi họ ban hành một luật lệ cho một hiện tượng thì rõ ràng hiện tượng đó đã được lặp lại một cách thường xuyên!

Iris Lê / NXB Văn hóa-Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-buon-cua-y-ta-bi-ky-thi-post1138623.html