Nỗi buồn khi cả họ nhà phượng bị bức tử
Sáng nay đi làm, chạy xe ngang qua các trường học bỗng ngỡ ngàng khi thấy mấy cây phượng trong sân trường đã bị mé cành, chặt gốc. Đây là điều tôi đã tiên đoán mấy bữa rồi, từ khi cây phượng già ở một trường trên TP.HCM bất ngờ bật gốc làm các cháu nhỏ thương vong.
Nhưng không hiểu sao, hôm nay nhìn những sân trường ngổn ngang xác phượng, lòng bỗng thấy buồn ngẩn ngơ, như bản thân mình bị mất đi một thứ gì quý lắm. Nghe nói, có nghiên cứu cho rằng cây phượng trồng không kén đất nhưng tuổi thọ ngắn, sống độ mươi năm là mục thân mục rễ. Chính vì thế, khi mùa mưa đến, những cây phượng già dễ bật gốc, ngã đổ.
Tôi không biết cái nghiên cứu này được thực hiện khi nào? Nếu đã làm từ lâu rồi thì tại sao không cảnh báo cho các cơ quan, trường học để người ta hạn chế trồng phượng. Chớ để bao nhiêu năm nay, nghĩ đến sân trường là ai cũng nghĩ ngay đến phượng. Và phượng dường như trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu ở hầu hết các ngôi trường tại Việt Nam. Thế rồi, chỉ khi mấy cây phượng bật gốc vì tuổi già sức yếu, người ta lại đem “tru di” cả họ nhà phượng, liệu như thế có nên chăng?
Tôi nhìn những cây phượng bị “bức tử” trong sân trường mà không thể nào tả nổi sự hụt hẫng. Có những cây phượng già bị đốn ngang gốc, thân cây bị xả thành mấy khúc nằm lăn lóc ở một góc sân. Vài cây phượng đang độ căng tràn, cành vươn ra chắc khỏe, lá xanh non mơn mởn sau mấy trận mưa đầu mùa, vài chùm hoa đỏ tươi rung rinh trong nắng sớm. Thế rồi, những nhát dao bổ xuống. Cành cây rớt như ai đó gieo mình, lá rụng tả tơi, hoa rơi tan tác. Những đoạn cành bị chặt chưa sát, còn sót lại trên thân cây tạo ra hình ảnh giống như một người cụt tay giơ lên cầu cứu. Nhựa cây ứa ra như rịn máu, rồi nhỏ xuống vài giọt xám.
Nhiều em học sinh đứng ngơ ngác nhìn thầy giáo và mấy chú công nhân chặt phượng, ánh mắt không giấu nổi sự tò mò. Hẳn các em vẫn chưa hiểu tại sao cách đây mấy ngày, thầy cô còn say sưa giảng cho các em bài học về giá trị của cây xanh với trái đất, còn nhắc câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, vậy mà hôm nay chính tay thầy cô lại chặt cây xanh ngay trong sân trường. Hẳn nhiều cây phượng đang bị đốn hạ kia, có những cây do chính các em học sinh trồng ở một buổi ngoại khóa nào đó, trong một “kế hoạch nhỏ” nào đó.
Lúc ấy, chắc thầy cô đã nói nhiều với các em về vai trò của cái cây nhỏ xíu các em vừa gửi vào với đất. Chắc các em cũng sẽ thấy tự hào vì mình làm được một việc ý nghĩa cho cuộc sống này. Nếu giàu tưởng tượng, các em còn có thể hy vọng vài năm sau khi trở về trường, các em sẽ tự hào khoe với đám bạn học cũ, khoe với mọi người, rằng cái cây phượng sừng sững ở góc sân kia là do em trồng. Nhưng đó là câu chuyện của trước đây hoặc của trí tưởng tượng. Còn sáng nay, biết đâu các em có thể cảm thấy mình mắc lỗi? Các em có thể bị trêu chọc vì lỡ đã trồng 1 cây xanh trong sân trường?
Ai cũng biết, cây xanh có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa không khí, giúp không khí trở nên trong lành hơn, nhất là thời buổi công nghiệp hóa hiện đại hóa đầy khói bụi như thế này. Ngoài ra, cây xanh còn cho bóng mát. Khuôn viên ngôi trường nào có nhiều cây xanh, khi bước vào ta lập tức có cảm giác khoan khoái dễ chịu. Nếu làm việc hay học tập trong khuôn viên đó thì chắc chắn hiệu suất sẽ tốt hơn. Chợt nhớ đợt cao điểm nắng nóng vừa qua, khi chạy xe đến một số ngã tư gặp đèn đỏ, tôi bất ngờ khi thấy người ta không đậu xe ngay sát vạch trắng, mà họ đậu lùi lại cả chục mét. Nhìn kỹ mới thấy, tại vị trí họ đậu xe có 1 cây xanh đổ bóng râm xuống, thế là ai ai cũng chọn bóng râm ấy để hứng lấy một chút mát.
Những người chặt cây xanh hôm nay, có lẽ họ không nghĩ đến một lúc nào đó họ cần trú ngụ dưới bóng râm. Đó cũng là điều mà đa số những ai hành xử tệ hại với thiên nhiên đều không nghĩ đến. Để an toàn cho mình, hoặc phục vụ lòng tham của mình, con người không ngại xâm phạm đến thiên nhiên. Trong một lúc nào đó, con người tưởng rằng họ là kẻ chiến thắng. Sự chiến thắng ấy khiến con người càng tự tin, ngạo mạn và hành xử với thiên nhiên một cách bất chấp. Đến khi thiên nhiên “trả” lại bằng những trận lũ lụt, động đất, sóng thần, hạn mặn, dịch bệnh... thì con người chẳng biết trú ngụ vào đâu.
Trở lại với phượng, ta thấy ngoài chức năng lọc không khí, cho bóng râm, phượng còn cho những kỷ niệm. Từ lâu, hoa phượng được xem là loài hoa của tuổi học trò. Có lẽ nhiều người chúng ta từng nâng niu ép hoa phượng thành hình cánh bướm trong trang lưu, để khắc ghi những tháng năm thơ mộng và đẹp nhất của cuộc đời mình. Biết bao thế hệ đã từng ngẩn ngơ khi cơn mưa tháng sáu ùa về, khi trên cao cành hoa phượng bắt đầu thắp lửa.
Và không ít lần ta khe khẽ hát: “Những chiếc giỏ xe/ Chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu” (lời bài hát Phượng hồng, thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng). Những câu hát ấy chắc hẳn đã làm xao xuyến tâm hồn biết bao người.
Mới mấy hôm trước đây, nhiều người còn háo hức lưu lại những hình ảnh thật đẹp bên hàng phượng đỏ. Lướt trên mạng xã hội, ta không khó để bắt gặp những hình ảnh đó kèm bao lời thân thương viết về loài hoa tuổi học trò. Cứ như tuổi học trò với phượng là tri kỷ, con người với phượng là bạn.
Thế rồi, khi có biến cố xảy đến, vì sự an toàn, con người đã hành xử với mấy cây phượng như kẻ phản bội. Lẽ ra, trong thời buổi hiện đại này, chúng ta nên tìm ra biện pháp vừa bảo vệ được an toàn cho chính mình, vừa bảo vệ an toàn cho mấy cây phượng vĩ. Đó mới là cách hành xử của con người văn minh, tiến bộ.