Nỗi buồn khó nói của nữ sinh Nhật Bản

Đối với nhiều nữ sinh trung học ở Nhật Bản, việc giáo viên, gia đình có lời nói, hành vi phân biệt giới tính đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ và cảm xúc của các em.

 Nữ sinh Nhật Bản cảm thấy bị giáo viên phân biệt giới tính. Ảnh: Shutterstock.

Nữ sinh Nhật Bản cảm thấy bị giáo viên phân biệt giới tính. Ảnh: Shutterstock.

Mới đây, Girl Scouts of Japan công bố khảo sát với 1.563 nữ sinh Nhật Bản (764 nữ sinh THCS và 799 nữ sinh THPT) về vấn đề phân biệt đối xử ở trường học.

Kết quả, nhiều học sinh THCS và THPT nói rằng các em cảm thấy giáo viên ở trường không đối xử bình đẳng với học sinh nam và nữ, theo Nippon.

Ví dụ, 40% học sinh THCS và 52% học sinh THPT cho biết giáo viên thường nói với nữ sinh rằng "Em không được làm điều này vì em là con gái". Không riêng giáo viên, cha mẹ, ông bà và bạn bè của các nữ sinh cũng thường nói những điều tương tự, nhưng tỷ lệ thấp hơn giáo viên.

Nhiều nữ sinh THCS và THPT bị cản làm một điều gì đó chỉ vì các em là con gái. Ảnh: Nippon.

Nhiều nữ sinh THCS và THPT bị cản làm một điều gì đó chỉ vì các em là con gái. Ảnh: Nippon.

Ngược lại, 20% học sinh THCS và 30% học sinh THPT lại từng bị bắt phải làm điều gì đó "vì em là con gái".

Đối với nữ sinh THCS và THPT ở Nhật Bản, các em thường cảm thấy mình bị mẹ và giáo viên ép phải là một điều gì đó. Một số học sinh khác cũng bị bà và cha ép buộc.

Khi được hỏi về việc chứng kiến sự phân biệt giới tính trong cuộc sống hàng ngày, 45% nữ sinh THCS và 61% nữ sinh THPT trả lời là có. Nơi các em chứng kiến nhiều nhất là trên các phương tiện truyền thông, trường học và nơi công cộng.

Từ khảo sát này, Girl Scouts of Japan nhấn mạnh rằng những định kiến vô thức về giới và sự phân chia vai trò theo giới tính vẫn tồn tại rất nhiều trong xã hội Nhật Bản, đặc biệt là ở giáo viên và các gia đình.

Tổ chức này lo ngại rằng những lời nói và thái độ mang tính phân biệt giới tính có thể ảnh hưởng đến nữ sinh và khiến các em đặt ra giới hạn cho bản thân một cách vô thức.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/noi-buon-kho-noi-cua-nu-sinh-nhat-ban-post1486110.html