Nỗi buồn trong những ngày cuối đi chống dịch

Trước khi kết thúc công việc tình nguyện, trở lại cuộc sống bình thường mới, Kim Châu thấy không an lòng khi nhiều người vẫn nhập viện, các F0 cô chăm sóc chưa được về nhà.

Trước khi kết thúc công việc tình nguyện, trở lại cuộc sống bình thường mới, Kim Châu thấy không an lòng khi nhiều người vẫn nhập viện, các F0 cô chăm sóc chưa được về nhà.

Sáng 30/10, vừa xong ca làm việc, tôi thấy lòng hụt hẫng khi phải tiễn một bệnh nhân ra đi!

Bà 70 tuổi, bị bệnh tiểu đường, mới tiêm một mũi vaccine Covid-19. Suốt mấy tháng giãn cách, bà giữ gìn rất kỹ, nhưng vừa nới phong tỏa chưa lâu đã bị nhiễm bệnh.

Mấy ngày đầu vào viện, tôi trấn an bà cố gắng ăn uống, yên tâm điều trị. Ở đây, có nhiều ông bà 80, 90 tuổi vẫn khỏi bệnh để về nhà.

Vậy mà, bệnh tình chuyển biến nhanh quá!

Mới sáng 29/10, bà còn ngồi ăn uống được. Buổi chiều, bà bị ói, đêm trở nặng phải đặt nội khí quản, sáng sớm hôm sau đã ra đi. Kết thúc 2 tuần nằm viện.

Buồn vì bà bằng tuổi mẹ mà không qua khỏi. Tiếc nuối bởi tôi biết bà còn muốn sống lắm!

31/10 là ngày cuối cùng tôi hỗ trợ ở bệnh viện, vì công việc chính đã khởi động trở lại. Thật không an lòng khi thấy bệnh nhân vẫn nhập viện, dù trước đó một tuần đã giảm bớt. Các ông, bà mà tôi chăm sóc hôm nay vẫn chưa khỏi bệnh.

Cũng may là sáng nay, các bạn TNV mới đã đến test để tiếp tục công việc mà nhóm tôi còn dang dở.

Hy vọng mọi người đừng chủ quan rằng dịch đã được kiểm soát. Hãy cẩn thận để bảo vệ ông bà, cha mẹ bởi đó là những người có nguy cơ cao nhất. Dù họ đã tiêm vaccine, với tuổi cao, sức yếu và bệnh nền, bệnh tình có thể trở nặng như thường.

Cầu chúc cho Sài Gòn khỏi bệnh, để chúng ta có thể đón cái Tết an lành!

(Kim Châu, TNV tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, TP.HCM)

Thiên Nhi

Minh họa: Hina

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-buon-trong-nhung-ngay-cuoi-di-chong-dich-post1274226.html