Nói cảm ơn thôi, chưa đủ

Dù đổi thay bao nhiêu thì sự sẻ chia của TP HCM vẫn luôn ấm áp với những người như tôi, từ quê nghèo đến đây, hết mình sống, học tập, lao động, yêu thương

Tôi vào TP HCM tháng 9-2003, sau khi có giấy báo trúng tuyển đại học. Đó cũng là lần đầu tiên tôi rời vòng tay yêu thương của gia đình, rời quê một mình. Trước khi lên đường, Sài Gòn - TP HCM là miền đất xa vời vợi, tôi chỉ được biết qua lời kể vắn tắt của một vài anh chị đồng hương làm công nhân ở KCN Linh Trung (Thủ Đức) mỗi khi họ có dịp về quê.

Tôi nghe với sự chắp vá, ghép nối từ… phim ảnh, rằng đó là chốn hoa lệ (và được giải thích là hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo tha hương). Tôi thì nghĩ đây là nơi để mình bắt đầu cho một nỗ lực, một hành trình chinh phục ước mơ.

Hành lý tôi mang theo là những bộ đồ cũ. Má gom góp được số tiền đủ để tôi đóng học phí và trọ học tại ký túc xá theo giấy báo nhập học của nhà trường. Cũng may, lúc đó chị Hai - con dì Ba tôi đã vô trước mấy năm, làm công nhân ở Bình Chánh - nên xem như tôi có người thân ở chốn lạ người xa này.

Xe đến Bến xe Miền Đông lúc rạng sáng sau hành trình dài di chuyển từ Quảng Nam vào TP HCM. Tâm trạng tôi ngổn ngang, vừa vui vì mình trúng tuyển vào đại học vừa lo vì quá xa nhà, ở quê chỉ mình má vừa không biết hành trình phía trước của mình thế nào… Sau vài giây lạ lẫm, tôi làm theo hướng dẫn của chị Hai tôi trước đó, chờ xe buýt số 14 (tuyến Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây) khởi hành, tôi đã leo lên an vị với lời hứa "chị sẽ đón em ở Bến xe Miền Tây". Tôi học thuộc lòng số điện thoại bàn khu trọ mà chị Hai tôi đang ở nhưng may là chị đã ra đó chờ tôi trước.

Tác giả (giữa) và những người bạn ở TP HCM Ảnh: BÌNH MINH

Tác giả (giữa) và những người bạn ở TP HCM Ảnh: BÌNH MINH

Gặp người thân ở xứ lạ quả thực mừng vô kể. Chị dắt tôi vào khu trọ, dãy nhà ọp ẹp gần Bến xe Miền Tây là nơi chen chúc của hàng chục con người tứ xứ. Chị Hai và anh rể tôi cũng gặp nhau, yêu rồi cưới từ chính dãy trọ này, anh là người Nghệ An. Đời công nhân xa xứ, TP HCM đã cưu mang và kết duyên để họ có một mái ấm dù chỉ dựng xây từ những căn nhà trọ bé tẹo. Ngày đón tôi, chị Hai đã mang thai con đầu lòng được 7 tháng, chuẩn bị về quê ngoại (Quảng Nam) để sinh. Tôi ở lại chỗ anh chị mình vài bữa, sau đó anh rể mua tặng một vali bằng tôn mỏng. Anh bảo bỏ hết đồ đạc vô đó, xuống ký túc xá ở khóa lại, để đầu giường, vừa làm bàn học luôn. Đó là kinh nghiệm anh có được thời… đi bộ đội.

Hành trình từ Bến xe Miền Tây xuống làng Đại học Thủ Đức quả thực… dài không tưởng, là hai đầu của thành phố còn gì. Anh kiên nhẫn lách qua từng đợt kẹt xe, cuối cùng cũng đưa tôi đến được ký túc xá, đăng ký vào ở theo giấy báo nhập học. Tôi dần thích nghi sau khi tự làm các thủ tục nhập học rồi bắt đầu vào học chính trị, sinh hoạt đầu năm của trường, của khoa với tân sinh viên.

Tôi học được 3 tháng, má tôi cũng thu xếp mọi việc, đóng cửa căn nhà vách ván đơn sơ, gửi lại cho cậu để vào TP HCM. Má tôi vào tìm việc làm thuê để lo cho tôi ăn học. Bấy giờ, tiền công chỉ có 300.000 - 400.000 đồng một tháng với công việc rửa chén cho một quán phở trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. Tôi nhớ đôi tay lở loét của má trong lần mình lên thăm mà khóc nghẹn, khiến tôi có ý định dừng việc học để má tôi không phải khổ sở, bôn ba như thế này…

Nhưng rồi má tôi đã động viên "Con phải ráng, nếu thương má thiệt lòng". Tôi nuốt nước mắt ráng học. Và thành tích bất ngờ, học kỳ đầu rồi sau đó là cả năm nhất tôi đều được 8,6 - điểm tổng kết các học phần. Bạn bè từ đó mới biết tôi và hoàn cảnh riêng biệt của mình: không có ba, chỉ mình mẹ đơn thân nuôi dưỡng, nhà nghèo bậc nhất ở một huyện miền núi của Quảng Nam. Nhờ đó, tôi nhận được học bổng của trường, rồi đăng ký suất học bổng hỗ trợ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP HCM. Một cô doanh nhân ở quận 4 đã bảo trợ cho tôi cùng 15 bạn khác ở một số trường trên địa bàn thành phố từ năm 2 đại học đến khi ra trường toàn bộ học phí. Thời điểm năm 2 đại học, tôi cũng bắt đầu tập tành viết lách và có được một chút nhuận bút để trang trải cuộc sống sinh viên. Dù khiêm tốn nhưng tôi hứa chắc nịch với má là "Con tự lo được, má yên tâm về quê đi".

Có lẽ vì thương má, nhớ ơn người giúp đỡ mình học mà tôi vượt qua được 4 năm đại học, chọn ở lại TP HCM để phát triển bản thân. Đến nay, tôi đã có mặt ở thành phố này gần 20 năm, chứng kiến bao đổi thay theo hướng đi lên. Nhưng có lẽ, dù đổi thay bao nhiêu thì sự sẻ chia, ôm ấp của TP HCM vẫn luôn ấm áp với những người như tôi, từ quê nghèo theo ước nguyện thay đổi cuộc đời mà đến, hết mình sống, học tập, lao động, yêu thương. Giờ con anh chị Hai tôi đang học lớp 12, gia đình họ đã có một ngôi nhà nhỏ ở Bình Chánh. Tôi có một công việc đúng chuyên môn. Tất cả đều nhờ thành phố phương Nam này. Cảm ơn thành phố nhiều lắm. Mà dường như nói cảm ơn thôi, chưa đủ…

Thời đó, điện thoại di động gần như không một sinh viên nào trong lớp tôi có, trừ vài bạn là người TP HCM. Muốn điện về nhà báo tin, tôi phải ra buồng điện thoại công cộng rồi gọi về người hàng xóm có điện thoại bàn để hẹn má tôi giờ giấc sang nghe. Sau đó lại ra gọi về lần nữa theo giờ hẹn mới được gặp, mừng mừng tủi tủi. Còn lại là viết thư, chờ hồi âm. Ký túc xá vì thế rộn ràng khoảng 4-5 giờ chiều, ai cũng háo hức chờ anh trưởng khu nhà ở lên gọi người giao thư theo phòng.

LƯU ĐÌNH LONG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/noi-cam-on-thoi-chua-du-20210417204651615.htm