Nơi chưa cần thay đổi chính sách chống dịch vì biến chủng Omicron

Dù nhiều nước đã siết chặt kiểm soát do lo ngại biến chủng Omicron, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng chính sách hiện tại của Bắc Kinh vẫn đảm bảo năng lực đối phó với Covid-19.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp chủng mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi - biến chủng Omicron - vào nhóm "đáng quan ngại" (VOC), kể từ hôm 26/11, một số quốc gia đã áp đặt hạn chế di chuyển tới khu vực này.

Là biến chủng thứ 5 được WHO đặt tên, Omicron có một số lượng lớn các đột biến protein, với nhiều ca nhiễm đã được phát hiện ở Hong Kong, Anh, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Canada...

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đầu ngành của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh chưa có kế hoạch thắt chặt hơn nữa các hạn chế ở biên giới, nhằm ngăn chặn loại biến chủng được cho có khả năng lây lan nhanh này.

CNN nhận định Trung Quốc là nước "đứng nhìn" trong khi các quốc gia khác chật vật thắt chặt kiểm soát biên giới, đơn giản vì biên giới nước này vốn đã đóng kín từ lâu. Trung Quốc có thể bình tĩnh, ít nhất trong lúc này.

 Hà Lan đã phát hiện 13 ca nhiễm biến chủng Omicron trong số hành khách tới từ Nam Phi. Ảnh: Reuters

Hà Lan đã phát hiện 13 ca nhiễm biến chủng Omicron trong số hành khách tới từ Nam Phi. Ảnh: Reuters

Trung Quốc sẽ theo dõi sát Omicron

Ông Chung Nam Sơn, Cố vấn chống dịch Covid-19 của chính phủ Trung Quốc, cho biết: “Chủng này rất mới. Chúng tôi cần đánh giá mức độ nguy hiểm, tốc độ lây lan, khả năng gây bệnh nặng cũng như yêu cầu phát triển vaccine riêng”, theo Southern Daily.

“Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát người đến từ Nam Phi cần được chú ý nhiều hơn”, ông Chung nói.

Trong khi đó, ông Wu Zunyou, Trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cho biết nước này sẽ tiếp tục theo dõi loại biến chủng mới, trong khi vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hiện tại.

“Trên toàn cầu, đại dịch nghiêm trọng nhất ở châu Âu, còn biến chủng phổ biến trong mùa đông và mùa xuân tới vẫn là Delta", ông Wu nói. "Liệu biến chủng Omicron có thể phát triển thành loại ưu thế hay không cần được theo dõi chặt chẽ hơn nữa", ông Wu khẳng định.

Chia sẻ với quan điểm trên, ông Zhang Wenhong, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện Huashan, cho biết mất khoảng hai tuần để xác định xem liệu Omicron có "đe dọa đến hoạt động miễn dịch hiện tại hay không".

“Sẽ không có tác động lớn nào đối với Trung Quốc vào thời điểm này. Chiến lược phản ứng nhanh và năng động của Trung Quốc hiện tại có khả năng đối phó với mọi biến chủng mới", ông Zhang khẳng định.

 Trung Quốc sẽ theo dõi sát biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc sẽ theo dõi sát biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters.

Chính sách của Trung Quốc

Từ đầu dịch đến nay, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và phòng dịch triệt để - một phần trong chính sách "Zero Covid-19" của Bắc Kinh.

Trước đó, trong khi một số quốc gia ở châu Á bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại, còn người dân châu Mỹ và châu Âu dần làm quen với các chuyến bay quốc tế, Trung Quốc tiếp tục kiên định với cách tiếp cận "Zero Covid-19".

Cuộc sống của người dân Bắc Kinh và các thành phố khác tại Trung Quốc gắn liền với những quy định hạn chế dịch bệnh nghiêm ngặt kết hợp cùng việc kiểm soát chặt chẽ di chuyển trong nước.

Người ở Bắc Kinh muốn trở về thủ đô từ các vùng khác của Trung Quốc phải cung cấp xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 48 giờ, đồng thời chứng minh chưa từng đến khu vực đang có đợt bùng phát trong hai tuần trước đó.

Ngoài ra, du khách quốc tế và công dân trở về từ nước ngoài phải trải qua 21 ngày cách ly bắt buộc. Sau đó, trong khoảng thời gian theo dõi 7 ngày tiếp theo, người trở về phải cập nhật tình trạng sức khỏe cho cơ quan giám sát địa phương.

Trong các thành phố, thẻ xanh được áp dụng cho người dân đến nhà hàng, cửa hiệu và trung tâm thương mại. Khi tham gia phương tiện công cộng, yêu cầu đeo khẩu trang là bắt buộc. Ngoài ra, lệnh giới nghiêm và phong tỏa sẽ được thực thi ở từng địa phương trong trường hợp phát hiện ca nhiễm mới.

 Hoạt động kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc được thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: Reuters.

Hoạt động kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc được thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: Reuters.

Phản ứng của thế giới

Tại nhiều nước, các biện pháp thận trọng đã lập tức được thiếp lập để đề phòng biến chủng mới.

Israel - quốc gia ghi nhận một trường hợp nhiễm biến chủng Omicron - là nước đầu tiên đóng cửa biên giới, áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả khách nước ngoài từ nửa đêm ngày 28/11 (giờ địa phương). Trong một tuyên bố trước quốc hội, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết lệnh cấm nói trên sẽ kéo dài trong vòng 14 ngày.

Trong khi đó, Mỹ, Canada và Australia đã hạn chế đi lại đối với du khách đến từ miền Nam châu Phi. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố kế hoạch đình chỉ các chuyến bay từ khu vực này.

Tại Đông Nam Á, Philippines đã ngừng các chuyến bay từ 8 quốc gia trong khu vực, trong khi Thái Lan vừa thực hiện lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia nói trên, vừa yêu cầu cách ly đối với du khách đến nước này trong thời gian gần đây.

 EU đã công bố kế hoạch đình chỉ các chuyến bay từ khu vực phía nam châu Phi. Ảnh: Reuters.

EU đã công bố kế hoạch đình chỉ các chuyến bay từ khu vực phía nam châu Phi. Ảnh: Reuters.

“Đối với Trung Quốc, chính sách phòng dịch triệt để và ngăn ca nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh là những cách dễ nhất, hiệu quả nhất để kiểm soát bùng phát của dịch bệnh", ông Wu nói.

“Nếu không, với tỷ lệ gây bệnh và tử vong hiện tại của Covid-19, Trung Quốc đã có thể có 47,84 triệu ca nhiễm và 950.000 ca tử vong", ông Wu nhấn mạnh.

“Trong trường hợp Trung Quốc áp dụng chính sách tương tự các nước châu Âu và Mỹ - nơi khách du lịch được phép nhập cảnh khi đã tiêm vaccine, có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ - dịch bệnh sẽ bùng phát trên cả nước và không thể kiểm soát được. Mọi nỗ lực trong hai năm qua sẽ trở nên uổng phí", ông Wu khẳng định.

Phạm Ân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-chua-can-thay-doi-chinh-sach-chong-dich-vi-bien-chung-omicron-post1280309.html