Nỗi cô đơn của ca sĩ Hồ Quang 8 trong ngày Tết
Không quá chú tâm vào làm hình ảnh, ca sĩ Hồ Quang 8 miệt mài theo đuổi nghiệp cầm ca của mình và ví nó như ngọn đuốc cháy âm ỉ, ai nhắc tới tên cũng trân trọng.
Nghệ danh Hồ Quang 8 rất đặc biệt, cơ duyên nào anh có nghệ danh này?
Năm 1996, tôi đi hát phòng trà, một anh Việt kiều vô tình nghe và mê giọng hát của tôi, sau đó tài trợ cho tôi thu âm bài Cô láng giềng với anh Tuấn Ngọc và cô Ái Vân.
Khi gửi sang hãng đĩa bên Mỹ, tôi lấy tên thật là Hồ Quang Tám nhưng lúc ra đĩa, họ chỉ lấy tên là Hồ Quang. Đó là nghệ danh đầu tiên của tôi.
Thời điểm đó, việc thu âm thực sự tốn kém và khó khăn từ kinh tế tới việc cấp phép nên tôi không ra đĩa nữa. Năm 2008, tôi ra album đầu tiên, lấy nghệ danh là Hồ Quang 8. Sau khi tôi hỏi nghệ sĩ Hoài Linh, người anh thân thiết bảo “được” nên nó theo tôi tới giờ. Sau này, tôi thấy tên Hồ Quang 8 cũng "phát" cho nghề nghiệp. Tôi còn có cái tên khác là Lộc Về Già.
Hẳn đúng như cái tên, con đường ca hát của anh rất có lộc khi về già?
Tôi còn nhớ cát-sê đầu tiên nhận được là 5.000 đồng hồi sinh viên khi được mời hát tại Công viên Lê Nin. Là ca sĩ tỉnh lẻ lập nghiệp tại Hà Nội, ngày đầu cũng gian khó lắm nhưng tôi cứ miệt mài đi hát bằng đúng những gì được đào tạo.
Năm 2017, tôi làm liveshow Khuya nay anh đi rồi gây hiệu ứng tốt nên nhiều người ngỏ ý tài trợ làm liveshow tiếp. Tôi đã lưu lại chương trình liveshow trên kênh âm nhạc riêng, số lượng người xem đông, có tiết mục tới hàng chục triệu view. Càng về sau, tôi càng có lộc, chắc Tổ nghề thương vì tôi cần mẫn lao động, không scandal.
Tại sao anh không thừa thắng xông lên, thực hiện liveshow tiếp để làm hình ảnh?
Nghệ sĩ làm hình ảnh để không bị lu mờ hay khán giả lãng quên. Nhưng riêng tôi, từ ngày đầu theo nghệ thuật, tôi coi đó là nghề để kiếm sống, không bon chen mà chỉ muốn đi con đường êm đềm. Tôi dốc tâm hát phục vụ khán giả, tên không thể “cháy rực” nhưng luôn bền.
Với lại, làm liveshow rất căng thẳng, không phải cứ được tài trợ, bán hết vé là mặc xiêm y lên hát. Liveshow Khuya nay anh đi rồi dù đã bán hết vé nhưng tới 8h kém, tôi vén màn nhìn xuống, khán giả vẫn thưa vắng khiến tôi “hồn xiêu phách lạc”. Tôi suy nghĩ vu vơ nhiều, không hiểu sao lại thế. Rất may, đúng 8h thì khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô đã đầy.
Nghệ sĩ khác có ê-kíp hùng hậu, tôi xưa nay vẫn tự làm nên chỉ nghĩ tới làm liveshow nữa thôi đã sợ hãi.
Nhưng làm hình ảnh trong thời đại 4.0 quan trọng lắm, nhiều ca sĩ giọng hát đâu bằng anh vẫn sống sung túc, sang chảnh?
Tôi biết nhiều ca sĩ bỏ nhiều tiền ra để làm hình ảnh, có người hát được 10 đồng, nhận về được 1 đồng, 9 đồng là chi phí cho ê-kíp. Còn tôi, cát-sê bao nhiêu là của mình. Tôi tự quyết hát ở đâu, lấy bao nhiêu, thậm chí không lấy, hoặc sẽ giảm khi không bán được vé.
Làm hình ảnh để có cát-sê cao nhưng chưa chắc đã bền, giọng không tốt cũng chỉ kiếm tiền được 3-5 năm nhưng tôi có giọng bền bỉ kiếm tiền tới 50-60 tuổi, vậy ai hơn?
Trong dòng nhạc của tôi, nhiều ca sĩ không có quản lý, không làm hình ảnh nhưng tên tuổi vẫn sống trong lòng khán giả. Vậy nên, tôi tin rằng “mưa dầm thấm lâu”, thi thoảng lại ra MV, thu âm bài hát đưa lên kênh, kiểu gì khán giả cũng sẽ nghe được, tôi cũng có tệp khán giả riêng.
Theo anh, phẩm chất quan trọng nhất của nghệ sĩ trong thời đại 4.0 cần có là gì?
Thời đại này, nghệ sĩ gần với công chúng nhờ mạng xã hội, nên thông tin tốt và xấu chỉ trong tích tắc là người ta biết. Vì thế, việc tạo dựng hình ảnh đã khó, việc giữ gìn càng khó hơn.
Hiện nay, không ít nghệ sĩ lợi dụng tạo scandal hoặc đu bám scandal của người khác để lan tỏa hình ảnh, điều đó thực sự nguy hiểm. Phẩm chất quan trọng của nghệ sĩ chính là sự tự trọng, có vậy họ mới chịu đầu tư những sản phẩm tốt, không bán rẻ tên tuổi.
Khán giả sẽ chỉ nhớ tới nghệ sĩ bởi sản phẩm tốt, chỉn chu. Tôi thà ít người biết nhưng nhắc tới, họ luôn trân trọng. Khán giả gặp ngoài đời toàn khen tôi trẻ hơn trên hình, tiếp đón ân cần, trân quý, chưa bao giờ tôi bị xem thường. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ.
Anh đã có hạnh phúc khi làm nghề, còn về đời sống riêng?
Có người quan niệm đông con, đông cháu là hạnh phúc, lại có người quan niệm về già, cuộc sống không vướng bận cũng là hạnh phúc.
Tôi trong "tình trạng" không có ai nhưng vẫn hạnh phúc. Tuổi này vẫn hoạt động nghệ thuật, vẫn có đồng nghiệp bên cạnh, mình tạm thời sống trong hạnh phúc bao la đó đi.
Tết một mình, anh thường nghĩ tới điều gì?
Khi bố mẹ còn sống, tôi háo hức được sum vầy với gia đình mỗi khi Tết đến. Giờ bố mẹ khuất núi, tôi chưa có gia đình nên không còn háo hức nữa. Nhưng là nghệ sĩ, tôi biết tự tạo niềm vui để khuây khỏa nỗi buồn với những cái Tết của người độc thân. Niềm vui đó đến từ người thân, anh em, bạn bè,… Nhưng nói thật, tôi còn đi hát thì thế, chứ khi hết thời liệu cuộc sống sẽ thế nào. Nhưng thôi kệ, cuộc sống mà, ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.
MV "Ai nhớ chăng ai" - Hồ Quang 8:
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/noi-co-don-cua-ca-si-ho-quang-8-trong-ngay-tet-2101599.html