'Nồi da xáo thịt'

Chỉ vì giá trị của đám đất được bồi thường để giải phóng mặt bằng, vợ chồng người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi ấy phải kéo nhau ra tòa. Một phiên tòa ly hôn nhưng sự rạn nứt thì không chỉ của riêng hai vợ chồng mà kéo theo con cháu trong gia đình...

 Minh họa: L.N.D

Minh họa: L.N.D

Cuối cùng thì bà cũng buông bỏ, không theo kiện chồng, con về chuyện đất đai, tiền bạc. Cuối cùng, ở vào tuổi “cậy con”, bà lại đơn độc trong cái quán nhỏ, cũng là một phần của ngôi nhà cũ đã bị giải tỏa để làm đường. Bà buông bỏ, vì được cán bộ phường giải thích thấu đáo sự việc và khuyên nhủ, động viên bà nên tuân theo những quy định của pháp luật. Nhưng sâu thẳm là do bà cũng không muốn khoét sâu thêm nỗi đau của chính mình.

Chuyện của bà, không ai ở ủy ban phường này lại không biết, bởi lẽ các thành viên trong gia đình bà cứ viết đơn kiện qua, kiện lại nhau đã mấy năm nay. Bà cũng năm lần, bảy lượt lên ủy ban thưa trình, mà câu đầu tiên lúc nào cũng là: Làm vợ, làm mẹ mà tui thua thiệt đủ đường. Ngẫm thì đúng bà thua thiệt thật, vì làm vợ nhưng bị chồng hắt hủi, xa lánh; làm mẹ nhưng lại không được con gái ủng hộ.

Vợ chồng bà ly thân đã lâu lắm rồi. Nhưng chỉ sau này ra tòa, chồng bà trưng bằng chứng thì bà mới biết thời gian ông rời khỏi nhà đó là tính luôn vào thời gian ly thân của hai vợ chồng, nghĩa là kể từ đó giữa hai người đã không còn tình cảm với nhau. Trước đó, bà chỉ nghĩ chồng mình ở với vợ chồng con gái cho tiện công việc mà thôi. Chuyện của bà không chỉ liên quan đến tình cảm cá nhân mà nhiều hơn là những bất đồng về kinh tế. Ông không có việc làm nên theo con rể đi phụ công trình hoặc trông coi nhà xưởng, mỗi tháng được trả lương khoảng 5-6 triệu đồng. Số tiền đó ông coi như được con cho, không liên quan gì đến bà nên giữ tiêu một mình. Ban đầu, để tiện công việc nên ông ăn ở, sinh hoạt ở nhà con gái; sau này ông dọn hẳn sang đó còn bà ở với con trai. Con trai giận ba một nhưng giận em gái mười, vì nhiều lần khuyên nhủ em để ba về nhà mà không được.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu một ngày, ông viết đơn ly dị và yêu cầu bà ký vào đó. Bà không đồng ý, nói với ông ở tuổi này rồi đừng làm điều đó mà thiên hạ chê cười nhưng ông cứ nhất quyết, đơn phương nộp đơn. Mãi đến khi ra tòa bà mới biết được việc ly hôn không phải chỉ nằm ở lý do “hết tình cảm” như ông trình bày mà còn liên quan đến tiền bạc, đất đai. Thâm tâm, bà cứ nghĩ mảnh đất ông bà đang ở sau này sẽ cho con trai, cô con gái trước khi lấy chồng cũng đã được ba mẹ cho đám đất, xem như đảm bảo công bằng đối với các con. Vậy nhưng ông lại không chịu, yêu cầu chia 2/3 giá trị của đất đai, nhà cửa vì đất đó là của cha mẹ ông để lại, sổ đỏ cũng chưa có tên của bà. Xét về lý, bà chỉ được chia phần tài sản trên đất là ngôi nhà nhưng “vì tình nghĩa bấy lâu”, ông để lại cho bà 1/3 giá trị đất và tài sản.

Sau này, con trai bà tìm hiểu mới biết trong quy hoạch sẽ có một con đường lớn chạy ngang nhà nên phần lớn diện tích đất và nhà bị giải tỏa để xây dựng công trình. Con rể ông bà biết được điều này từ lâu nên đã tác động đến ông, còn bày kế để ông ly dị bà nhằm chia tài sản. Chuyện ly dị vốn đã khiến bà sốc, nhưng sốc hơn là việc ông đòi giành 2/3 phần đất. Bà không chịu, vì cho rằng mấy chục năm làm vợ, làm mẹ, bà đã có công vun vén, xây đắp cho gia đình này, vì thế dù tòa đã xử xong nhưng bà vẫn cứ thấy ấm ức và bị đối xử bất công. Sau khi được đền bù giải phóng mặt bằng, ông nghiễm nhiên hưởng phần lớn số tiền đó, chuyển hộ khẩu sang ở với con gái và con rể. Một phần nhỏ diện tích ngôi nhà được giữ lại, bà sửa sang để ở và mở một quầy tạp hóa nhỏ buôn bán cho đỡ buồn. Dù sao, nơi này cũng gắn với nhiều kỷ niệm trong cuộc đời bà, nên bà không muốn rời xa. Không những quan hệ giữa ông bà rạn nứt mà quan hệ của các con cũng căng thẳng không kém. Nhà chỉ được hai anh em nhưng từ ngày ba nghe lời con gái, con rể, con trai ông bà cũng từ mặt em. Thỉnh thoảng 2 người còn lên facebook để kể tội lẫn nhau.

Thời gian đầu, bà chưa hiểu chuyện, cứ thấy thua thiệt, bất công nên nộp đơn kiện mãi. Sau này, được giải thích thì bà mới thấm ra, biết việc mình làm không đúng theo quy định của pháp luật, có chăng thì cũng chỉ giải quyết cơn giận giữ tức thời. Bà cũng hiểu thêm rằng, quan hệ tình cảm mỗi khi rạn nứt thì chỉ có những người gia đình mới có thể ngồi lại để hàn gắn với nhau, mà điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào bà.

Gặp bà một buổi chiều trong quán nhỏ. Thấy mừng vì gặp người quen, bà đã không còn lôi chuyện cũ ra kể dong, kể dài. Bà cũng đã không còn than số tui sao thua thiệt đủ đường. Bà giờ đúng 7 giờ đóng quán để đi thể dục cùng các bà hàng xóm, rảnh rỗi lên chùa nghe tụng kinh, niệm Phật. Giờ con đường chạy ngang nhà bà được mở rộng, vỉa hè cũng được lát sạch sẽ. Nhìn con đường nhộn nhịp người xe, thấy vui vì nó không còn là nỗi ám ảnh của bà nữa, khi bà từng cho rằng vì nó mà gia đình mình chia lìa. Lòng bà giờ cũng đã rộng như con đường, không còn băn khoăn chuyện cũ.

Thủy Ba

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157739&title=%E2%80%9Cnoi-da-xao-thit%E2%80%9D