Nối dài mạch nguồn hào khí

Trong niềm xúc động chung của cả nước kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông, hành trình đến Trường Sa của Đoàn công tác Bộ Tư pháp còn là một hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2025).

Đến với Trường Sa trong dịp đặc biệt này không chỉ thể hiện tinh thần “hướng về biển đảo” mà còn là minh chứng sống động cho sự phát triển mạnh mẽ, bám sát thực tế cuộc sống của các cán bộ ngành Tư pháp.

Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, ngành Tư pháp luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giữ gìn kỷ cương pháp lý và đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là cơ hội để các cán bộ, công chức trong ngành nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm nghề nghiệp, về vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia; chuyến đi cũng khiến các thành viên trong đoàn hiểu rõ sự gắn kết giữa lý tưởng phụng sự với hành động cụ thể nơi đầu sóng ngọn gió. Hải trình đến với quân và dân trên quần đảo Trường Sa đã để lại cho những thành viên của Đoàn công tác những ấn tượng khó phai.

Ông Trần Anh Đức - Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ Tư pháp.

Ông Trần Anh Đức - Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ Tư pháp.

Ông Trần Anh Đức - Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ Tư pháp chia sẻ: “Dù thời gian của chuyến đi không dài nhưng hết sức có ý nghĩa với các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, trong dịp cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm giải phóng quần đảo Trường Sa. Chuyến đi càng có ý nghĩa hơn nữa với cán bộ ngành Tư pháp, vì đây là một trong những hoạt động lớn hướng tới 80 năm Ngày truyền thống của ngành.

Chuyến đi hết sức ý nghĩa, mỗi người đã được thấy tận mắt biển đảo quê hương - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà ông cha ta đã dày công xác lập chủ quyền, gìn giữ, bảo vệ, tạo nên tấm phên dậu để bảo vệ đất nước từ xa, cũng như tạo môi trường biển đảo để phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với những người lao động, cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp càng có ý nghĩa khi chúng ta là những người xây dựng, tham gia vào quá trình xây dựng, đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có kinh tế biển.

Cá nhân tôi và các thành viên trong Đoàn hiểu rằng mình phải cố gắng, chung tay chung sức để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong chính sách về bảo vệ, phát triển kinh tế biển, đồng thời với việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Để làm sao chúng ta xác định rõ chủ quyền, thực thi pháp luật, bảo vệ, xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh, bảo vệ chủ quyền đất nước, giúp đỡ ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển”.

Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý.

Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý.

Nhận xét về công tác tuyên truyền pháp luật nơi “đầu sóng ngọn gió”, ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho biết: “Qua chuyến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1-20, tôi thấy rằng với điều kiện làm việc, công tác, lao động rất khó khăn nhưng Quân chủng Hải quân vùng 4, Lữ đoàn 146 và lực lượng cán bộ trên các quần đảo Trường Sa đã có những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả cho cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo, như xây dựng tủ sách pháp luật, phòng đọc Hồ Chí Minh. Dù điều kiện khó khăn, nhưng các tủ sách, phòng đọc có rất nhiều đầu sách, tài liệu pháp luật - những nguồn thông tin giúp cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo tìm hiểu các quy định pháp luật.

Các đảo đều triển khai Ngày Pháp luật (được tổ chức vào ngày đầu tiên của tuần thứ 2 trong tháng). Tại Ngày Pháp luật, đồng chí chính ủy sẽ giới thiệu, quán triệt những nội dung pháp luật thiết thực đối với công tác, lao động, học tập của cán bộ, chiến sỹ người dân trên đảo, như Luật Biển Việt Nam, Luật Dân sự và các quy định pháp luật phục vụ cho hoạt động của người dân trên đảo…

Lữ đoàn 146 cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình Hải quân nhân dân đồng hành cùng người dân trên đảo, trong đó có hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với ngư dân nhằm bảo đảm cho ngư dân nắm bắt tốt những nội dung pháp luật liên quan đến hoạt động của mình.

Tôi hy vọng trong thời gian tới, Quân chủng Hải quân và các đơn vị trực thuộc tiếp tục phát huy có hiệu quả đã đạt được, đa dạng hóa các hình thức, mở rộng các nội dung pháp luật để nâng cao hiểu biết chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo, góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”.

Bà Khương Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp.

Bà Khương Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp.

Đứng trên Nhà giàn DK1/20, bà Khương Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp xúc động nói: “Đây là lần thứ hai tôi được vinh dự đến thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn nhưng cảm xúc thì vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Vẫn là sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn sâu sắc cán bộ, chiến sỹ hải quân của chúng ta. Giữa nơi khó khăn, gian khổ như vậy, các anh vẫn bám trụ vững vàng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi mong muốn sau chuyến đi này, tôi và các thành viên trong Đoàn sẽ làm được những điều thật ý nghĩa, thiết thực hướng tới các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Thương lắm! Ra đảo đã thương rồi. Đến Nhà giàn càng thương cán bộ, chiến sỹ hơn”.

Luật sư Bùi Phương Lan.

Luật sư Bùi Phương Lan.

Với Luật sư Bùi Phương Lan (Giám đốc Cty Luật TNHH Lan Bùi và Cộng sự) lên được đến Nhà giàn DK1/20 là một thử thách vượt cả sức tưởng tượng của những đại biểu ở chung phòng với bà. Một thử thách mà mọi người thấy là quá khó với một phụ nữ đã gần 60 tuổi và hay bị say sóng.

Nhưng Luật sư Lan cho rằng khó khăn trong việc di chuyển từ tàu lên nhà giàn quá nhỏ bé so với những vất vả, gian lao của cán bộ, chiến sỹ trên Nhà giàn. Bà muốn dùng một từ gì đó thật có ý nghĩa mạnh mẽ hơn cả từ hùng vĩ để nói về Nhà giàn DK1 và cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn. “Tôi nhìn thấy mồ hôi, nước mắt của các chiến sỹ để xây dựng lên Nhà giàn trụ vững giữa biển khơi sóng gió. Tôi nhìn thấy sự kiên trì, nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sỹ bám biển, canh giữ Nhà giàn. Khi vào vườn rau, tôi cảm thấy như đó là một tấm thảm thần kỳ màu xanh ngát giữa biển khơi. Một màu xanh tươi cho thấy sức sống mãnh liệt và tinh thần bất khuất vượt ngoài sức tưởng tượng. Không thể tin tưởng nổi giữa nơi khắc nghiệt như trên Nhà giàn mà lại có vườn rau xanh tốt như vậy”.

Bà Bùi Thị Hà và em bé Trường Sa

Bà Bùi Thị Hà và em bé Trường Sa

Cùng chung niềm xúc động, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp kể: “Tôi rất xúc động khi được nói chuyện với một em bé 8 tuổi ở trên đảo Sinh Tồn. Tôi hỏi: “Quê con ở đâu?”. Em bé đó đã có câu trả rất đặc biệt. Em trả lời là: “Nếu ở trên đất liền thì quê con ở Minh Thủy, còn ở trên đảo thì quê con ở Việt Nam”. Tôi cảm động “cay sống mũi” khi nghe em nói. Một em bé 8 tuổi đã có nhận thức về quê hương như vậy, quá đỗi trân quý và tự hào!”.

Câu trả lời của em bé làm cho chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn nữa cần phải nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc không chỉ là đối với những người lớn tuổi, những người trưởng thành, mà cả những em bé trong đất liền cũng phải ý thức được chủ quyền của mình.

Còn chị Nguyễn Thị Lan Anh - CTCP Công nghệ Phần mềm và Nội dung số OSP - tâm sự: “Ngay từ khi chứng kiến lễ chào cảng để ra khơi trong con tàu KN491, tôi đã nhận ra lời tạm biệt ấy mở ra một hành trình háo hức và quá đỗi tự hào. Tôi đã được sống những ngày trên biển đảo quê hương, để thấy Tổ quốc ta tráng lệ và hiên ngang thế nào, để thấy bình minh tự do là vẻ đẹp hoàn mỹ nhất. Tôi rất may mắn có 1 hành trình thiêng liêng, xúc động về với biển đảo nhân những ngày lịch sử của toàn dân tộc. Chuyến đi đã giúp cho tâm trí của tôi lớn hơn, để trở về rắn rỏi hơn, phấn đấu làm 1 người tốt hơn”.

Nguyễn Thị Lan Anh - CTCP Công nghệ Phần mềm và Nội dung số OSP.

Nguyễn Thị Lan Anh - CTCP Công nghệ Phần mềm và Nội dung số OSP.

Hải trình đã khép lại, nhưng là sự nối dài, tiếp thêm trong mỗi người mạch nguồn hào khí dân tộc. Hào khí ấy được tiếp nối trong từng bước chân người cán bộ ngành Tư pháp, trong từng lời ca, câu chuyện bên những người lính đảo và trong ánh mắt đầy quyết tâm của thế hệ trẻ đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất quê hương. Kết thúc chuyến công tác, mỗi cán bộ trong đoàn đều mang về không chỉ những bức ảnh, kỷ vật hay nhật ký hành trình, mà còn mang theo một phần Trường Sa trong trái tim mình. Trường Sa - không còn là một khái niệm địa lý xa xôi, mà là một phần máu thịt thiêng liêng, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.

Chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu sắc và mở ra nhiều hướng đi mới trong việc lan tỏa tinh thần yêu nước, ý thức pháp luật và trách nhiệm công dân đến cộng đồng. Đó cũng là lời khẳng định rằng: Dù ở đâu, trên đất liền hay biển đảo, tình yêu Tổ quốc là điểm tựa vững chắc, là sức mạnh để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn hòa bình và phát triển bền vững.

V.Tùng - V.Phước - V.Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/noi-dai-mach-nguon-hao-khi-post547586.html