Chiến thắng Điện Biên Phủ: Biểu tượng sáng ngời của ý chí Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, biểu tượng của ý chí quật cường, làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Khung cảnh “Thời khắc chiến thắng” trong bức tranh toàn cảnh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. (Nguồn: Lao động)

Khung cảnh “Thời khắc chiến thắng” trong bức tranh toàn cảnh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. (Nguồn: Lao động)

71 năm kể từ ngày lịch sử 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là niềm tự hào bất tận của người Việt Nam và là cột mốc chói lọi trong lịch sử chống thực dân, giành độc lập dân tộc.

Không chỉ với Việt Nam, chiến thắng ấy còn làm lay động thế giới, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Biểu tượng bất diệt

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức khép lại sau 56 ngày đêm chiến đấu khốc liệt, đánh dấu một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Quân và dân Việt Nam, dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đã đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở cuộc chiến Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở cuộc chiến Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng ấy không chỉ là kết quả của một trận đánh, mà là đỉnh cao của cả một quá trình kháng chiến gian khổ, lâu dài và đầy hi sinh của toàn dân tộc Việt Nam. Nó buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva từ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam và cũng là bước ngoặt trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cái mốc chói lọi bằng vàng trong lịch sử dân tộc ta.” Câu nói ấy không chỉ thể hiện niềm tự hào, mà còn là sự ghi nhận xứng đáng cho một thắng lợi làm thay đổi cả cục diện quốc tế.

Từ đó, hình ảnh về những người lính cụ Hồ vượt đèo, mở đường, kéo pháo bằng tay, ngủ trong lán lá giữa rừng sâu, chiến đấu trong hầm hào... đã trở thành biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Điều phi thường đến từ những con người bình dị

Chiến thắng Điện Biên Phủ không thể có được nếu không có sự kết hợp giữa trí tuệ lãnh đạo và sức mạnh quần chúng. Đó là tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chính Người đã giao nhiệm vụ chỉ huy cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp – người chưa từng qua trường lớp quân sự chuyên nghiệp nhưng đã trở thành danh tướng kiệt xuất. Trước khi lên đường ra mặt trận, Người đã căn dặn ông Võ Nguyên Giáp: “Trận này rất quan trọng. Phải đánh cho thắng. Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh”.

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nghe các chỉ huy quân sự trình bày kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nghe các chỉ huy quân sự trình bày kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Trong suốt chiến dịch, Đại tướng đã liên tục thay đổi chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, từ việc kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra – những quyết định khó khăn nhưng chính xác, mang lại thắng lợi cuối cùng.

Đằng sau chiến thắng ấy còn là hàng vạn con người bình dị: dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, bộ đội pháo binh, hậu cần... Họ vượt núi, gùi hàng, lấp hố bom, thậm chí lấy thân mình chèn pháo, làm giá súng, lấp lỗ châu mai…

Có người phải vượt mưa rừng, rét buốt, sốt rét rừng – chỉ để đưa một gánh gạo tới chiến trường. Chính những con người bình thường ấy đã làm nên điều phi thường.

Chiến thắng lừng lẫy năm châu

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ làm chấn động nước Pháp – một đế quốc thuộc địa lâu đời, mà còn làm rúng động toàn thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo, học giả và báo chí quốc tế đã phải thừa nhận sức mạnh phi thường của nhân dân Việt Nam.

Ký giả, cựu đại tá quân đội viễn chinh Pháp Giuyn Roa, nguyên là sĩ quan Pháp từng tham chiến tại Đông Dương, đã so sánh: “Trận Waterloo không gây tiếng vang bằng Điện Biên Phủ thất thủ, gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa”.

Ông Pierre Mendès France - Thủ tướng Pháp thời kỳ đó, cũng phải thú nhận: “trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những cái tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà… Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế”.

Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. (Ảnh tư liệu)

Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. (Ảnh tư liệu)

Đã có vô số bài báo quốc tế viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, song nổi bật trong số đó, có thể điểm lược là báo Pasaxon, một cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, khẳng định “chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam, bởi đây là chiến thắng của hai nước trước một kẻ thù chung, là minh chứng về sự phối hợp và hỗ trợ nhau không chỉ trong chiến dịch nói trên mà còn mãi mãi về sau”.

Hơn 40 quốc gia châu Phi và châu Á sau năm 1954 đã giành được độc lập. Họ xem Việt Nam là ngọn cờ đầu trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân.

Học giả người Brazil Pedro De Oliveira viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ của người Việt, mà là của cả nhân loại tiến bộ”.

Với Tiến sỹ sử học Pierre Journoud, trong một bài viết có nhan đề Điện Biên Phủ: sự ra đời và số phận của một huyền thoại anh hùng, ông cho rằng: “một chiến thắng không thể phủ nhận của dân tộc Việt Nam, nỗ lực và hy sinh hết mình để giành được độc lập. Các dân tộc thuộc địa khác được hưởng lợi từ chiến thắng của nhân dân Việt Nam”.

Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Hector Rodriguez Llompart trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam năm 1961, đã phát biểu “lịch sử của nhân dân Việt Nam, trải qua hơn 1.000 năm đấu tranh quyết liệt chống sự bất công của những chế độ xã hội khác nhau, chống ách thống trị nước ngoài, đã rèn luyện nên tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, nêu gương cho nhân dân các nước đấu tranh giành tự do và giành quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Tiêu biểu cho tinh thần đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử”.

Âm vang Điện Biên trong thế hệ hôm nay

Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng quân sự. Đó là chiến thắng của lòng dân, của trí tuệ Việt Nam, của khát vọng độc lập không gì khuất phục nổi. Đó cũng là biểu tượng cho sự đồng lòng, cho chủ nghĩa nhân văn sâu sắc – nơi con người Việt Nam chiến đấu không chỉ để sống mà để bảo vệ giá trị sống.

Trong mỗi người Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của tinh thần quật cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo của quân và dân ta.

Màn xếp hình nghệ thuật ấn tượng của Đoàn nghệ thuật quân đội, mở đầu cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Nguồn: Thanh niên)

Màn xếp hình nghệ thuật ấn tượng của Đoàn nghệ thuật quân đội, mở đầu cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Nguồn: Thanh niên)

Hơn 70 năm đã trôi qua, song chiến thắng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Là người không thuộc thế hệ sinh ra trong thời khắc của lịch sử đất nước, cũng chưa một lần đặt chân đến chiến trường Điện Biên Phủ, song cho đến tận bây giờ, qua sách vở, báo chí, thời sự, hay qua những câu chuyện được nghe kể trực tiếp của những người từ các thế hệ trước là ông bà, bố, mẹ, những người lính, cựu chiến binh đã từng tham gia trận chiến lịch sử đó cũng đã giúp tôi hình tượng được phần nào giá trị lịch sử oai hùng của dân tộc.

Với tôi việc nhìn lại một lịch sử vẻ vang của dân tộc sẽ là một nguồn động lực vô cùng to lớn, vô bến bờ để đưa đất nước vững bước tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Sẽ có một ngày, tôi ghé thăm Điện Biên Phủ để được chứng kiến tận mắt những di sản còn lại của một chiến thắng làm “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”. Và, có thể, để thấy được những thay da đổi thịt của vùng đất Điện Biên, vốn xưa kia đã từng là một chiến trường tàn khốc, song oanh liệt.

Nguyên Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-thang-dien-bien-phu-bieu-tuong-sang-ngoi-cua-y-chi-viet-nam-313564.html