Nối dài những mùa tri ân

Đề tài tri ân thương binh - liệt sĩ và người có công với đất nước, với dân tộc luôn mang ý nghĩa sâu sắc, là nguồn cảm hứng sáng tạo với văn học nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh.

 Bức ảnh “Các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên Đồi A1” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Vân Anh.

Bức ảnh “Các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên Đồi A1” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Vân Anh.

Với sức mạnh “một hình ảnh thay muôn lời nói”, các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh đương đại đã và đang nỗ lực sáng tạo ở mảng đề tài này, mang đến công chúng những tác phẩm ấn tượng.

Vượt qua hơn 2.200 tác phẩm của hơn 300 tác giả dự thi, bức ảnh “Các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Vân Anh (sinh năm 1971, hiện công tác ở tỉnh Hòa Bình) đã được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật miền núi phía bắc năm 2024.

Tác phẩm thuyết phục Ban giám khảo và gây ấn tượng cho người xem nhờ góc máy độc đáo, kỹ thuật hoàn chỉnh và bắt trọn giây phút xúc động của ba cựu chiến binh trên chiến trường xưa.

Khi nhắc lại, tác giả vẫn nhớ như in một buổi trưa nắng như đổ lửa trên đồi A1 (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), chị có duyên gặp ba cựu chiến binh đều đã hơn 90 tuổi là cụ Phạm Đức Cư, cụ Nguyễn Minh Cầm (cùng quê Thái Bình) và cụ Bùi Kim Điều (quê Ninh Bình). Chị Vân Anh vừa trò chuyện với ba cụ, vừa đi giật lùi trên con dốc và bấm máy. Đứng trước cứ điểm cuối cùng, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất, ba cựu chiến binh dường như trở về thời trai trẻ hào hùng, ôm nhau cười sảng khoái.

Tác phẩm đạt giải thưởng cao là niềm tự hào của người nghệ sĩ, song với chị, điều hạnh phúc hơn nữa là đã ghi lại được và lan tỏa một hình ảnh tự nhiên của những người anh hùng, chạm đến cảm xúc của mọi người. Bởi đứng trên mảnh đất lịch sử trong những ngày hân hoan kỷ niệm, chị Vân Anh luôn canh cánh suy nghĩ, lớp người từ kháng chiến chống thực dân Pháp đều đã thưa vắng nhiều, người còn lại cũng ở độ tuổi xưa nay hiếm, đâu phải luôn có cơ hội gặp gỡ và tri ân.

Niềm vui tiếp tục được nhân lên khi tại lễ trao giải, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã mời ba cựu chiến binh trong ảnh đến dự và giao lưu. Tác giả Vân Anh được trân trọng trao bức ảnh đó tặng chính các nhân vật trong ảnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Vân Anh cho biết, chị đã nhiều lần đi thực tế, sáng tác đề tài cựu chiến binh, thương binh.

Trong quá trình đó, đã có những bức ảnh chị bấm máy gần như theo bản năng vì sự việc diễn ra quá nhanh, không thể sắp đặt. Chẳng hạn như một lần ở cổng chợ Đông Hà (Quảng Trị) năm 2015, chị Vân Anh chứng kiến cảnh hai người lính già nhìn thấy nhau từ xa, nhận ra nhau và bước đến ôm choàng vai nhau thay cho lời chào. Lần ấy, chị chỉ chụp được duy nhất một tấm ảnh hoàn chỉnh, tuy chưa ưng ý về mặt kỹ thuật, song về cảm xúc chị rất yêu quý, nhiều lần ngắm nhìn lại và thấy như được truyền cảm hứng.

Tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ năm 2023, Huy chương Vàng được trao cho bộ ảnh “Hành trình về với Đất Mẹ”, ghi nhận sự dấn thân và thành quả lao động nghệ thuật của tay máy trẻ Hồ Thanh Thọ (sinh năm 1983 tại Quảng Trị).

Bộ ảnh được thực hiện đa dạng góc nhìn như ảnh cận cảnh, toàn cảnh, không ảnh (chụp từ trên cao bằng flycam) và theo sát một quá trình dài, từ lúc cất bốc hài cốt và di vật liệt sĩ ở những địa bàn xa xôi, đưa về nước trong màu cờ Tổ quốc đỏ thắm qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, rồi về Nghĩa trang liệt sĩ địa phương trong sự chào đón trang nghiêm, xúc động của đông đảo đồng bào, chiến sĩ...

Bộ ảnh giúp công chúng hiểu thêm về công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ - một chủ trương nhân văn và thiết thực trong thời bình, tôn vinh và biết ơn các Anh hùng, Liệt sĩ. Nhiếp ảnh gia Hồ Thanh Thọ cho biết:

“Gần 40 năm qua, Đội quy tập 584 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên địa bàn tỉnh và nước bạn Lào. Những người lính hôm nay nhận trọng trách thiêng liêng trong hành trình đưa đồng đội về với Đất Mẹ. Đón các anh trở về yên nghỉ cùng đồng đội tại các nghĩa trang liệt sĩ ở quê hương là việc làm ý nghĩa với các anh và gia đình, với đất nước”.

Nhắc đến nhiếp ảnh đề tài thương binh-liệt sĩ, đã có nhiều phóng viên ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi để lại cho đời những tác phẩm chân thực, xúc động, kể những câu chuyện đau thương mà oai hùng qua một khoảnh khắc, như nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường, Lê Bá Dương, Bùi Đăng Thanh, Vũ Dũng, Nguyễn Á...

Đáng mừng là dù khó khăn, vất vả, đề tài này vẫn thu hút lực lượng trẻ tham gia. Theo chia sẻ của Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Đà Nẵng Huỳnh Văn Truyền (sinh năm 1983), trong hàng trăm thành viên Câu lạc bộ, có khá nhiều tay máy trẻ hăng hái theo đuổi, thử sức suốt thời gian qua.

Hằng năm, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hoặc các đợt tri ân cựu chiến binh, viếng nghĩa trang liệt sĩ, hoạt động phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam... đều có sự tham gia của các nhiếp ảnh gia trên cả nước.

Dù thế hệ sau không trải qua khói bom lửa đạn nhưng trách nhiệm của công dân và của người nghệ sĩ vẫn thôi thúc họ hướng ống kính về những hy sinh vĩ đại, những người trở về và tiếp tục cống hiến, hay những hậu quả cần khắc phục của chiến tranh...

Theo nhandan.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/noi-dai-nhung-mua-tri-an-post387720.html