Nói dân hiểu và hiểu dân nói

'Cán bộ làm công tác dân vận của Đảng (DVCĐ) phải nói dân hiểu và hiểu dân nói; phải trả lời được tất cả các câu hỏi thắc mắc của người dân'. Đây là yêu cầu, cũng như mục tiêu đặt ra đối với đội ngũ làm công tác DVCĐ các cấp trong toàn tỉnh.

 Đội ngũ làm công tác dân vận luôn bám cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân

Đội ngũ làm công tác dân vận luôn bám cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân

Từ thực tế cơ sở

Thời gian qua, đội ngũ làm công tác DVCĐ trong tỉnh luôn bám cơ sở, gần dân, lắng nghe dân để thực hiện tốt hơn vai trò, chức trách nhiệm vụ được giao. “DV khéo thì việc gì cũng thành công”. Bám sát chủ trương này, từng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh đều nỗ lực cố gắng để thực hiện công tác DVCĐ.

Thực tế, tuy còn những khó khăn, tồn tại hạn chế, nhưng không ít mô hình DV từ cơ sở, sự tích cực của đội ngũ cán bộ cơ sở đã phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, người dân.

Đơn cử, từ một thôn nghèo, nay thôn 3, xã Hương Lộc (Nam Đông) đã trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn thôn hiện không còn nhà tạm, không có hộ nghèo. Nhiều người dân trong thôn tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Kết quả đó, phải kể đến sự đóng góp tích cực của đội ngũ bí thư, trưởng thôn ở cơ sở. “Luôn gắn bó mật thiết với người dân, sâu sát với địa bàn, nắm vững tình hình sản xuất và tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tham mưu, đề xuất chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người dân đồng tình, ủng hộ và triển khai thực hiện công tác DVCĐ mới mong đạt hiệu quả cao”, bà Mai Thanh Tâm, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Hương Lộc chia sẻ.

Ở xã Điền Lộc (Phong Điền), nhiều việc khó tưởng chừng không thể giải quyết được, nhưng khi người dân đã đồng thuận thì việc khó thành dễ. Câu chuyện người dân tự nguyện hiến đất mở đường, xây dựng các công trình dân sinh, công cộng là một minh chứng. Toàn bộ diện tích gần 10.000m2 đất thổ cư, nông nghiệp của 122 hộ dân sinh sống mà tuyến đường liên xã mang tên Độc Lập đi qua đều được người dân tự nguyện hiến hoàn toàn.

Bí thư Đảng ủy xã Điền Lộc Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, địa phương đang trên đà xây dựng trở thành một trung tâm đô thị phía biển của huyện Phong Điền. Nhiều công trình dân sinh, công cộng trên địa bàn xã cần phải được đầu tư xây dựng, tạo bộ mặt đô thị mới.

Câu chuyện khó là, công tác đền bù khi giải phóng mặt bằng để thi công các công trình, nhất là các tuyến đường dân sinh, liên thôn, liên xã. Vẫn biết tâm tư của người dân là muốn có ít tiền đền bù, nhưng khi thấy lợi ích lâu dài nên họ sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi cá nhân để phục vụ cho sự nghiệp chung của quê hương.

Nhiều cán bộ làm công tác DVCĐ cho rằng, việc vận động người dân hiến đất, mở đường là việc làm không dễ chút nào. Ở nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị ở cơ sở làm gương, thường xuyên gần gũi, tiếp xúc lắng nghe dân ở đó sẽ thành công. Đó cũng là cách làm linh hoạt mô hình “DV khéo”.

“Dân đồng thuận trong phát triển kinh tế thôn 3, xã Hương Lộc (Nam Đông) và hiến đất mở đường ở xã Điền Lộc (Phong Điền) là 2 trong rất nhiều cách làm điển hình, sát cơ sở, hợp lòng dân mà công tác DVCĐ trong toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện thời gian qua”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Duy Cường khẳng định.

Chủ động bám cơ sở, gần dân hơn

Toàn tỉnh hiện đăng ký 3.429 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó, có 1.217 mô hình tập thể và 245 mô hình cá nhân được công nhận trong năm 2022.

Đội ngũ làm DVCĐ từ tỉnh đến cơ sở đã và đang liên tục bám sát cơ sở, đồng hành cùng người dân để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 8 nghị quyết (NQ) chuyên đề để thực hiện NQ 54 của Bộ Chính trị. Làm sao để các NQ đi vào cuộc sống có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ làm công tác DVCĐ từ tỉnh đến cơ sở. Thực tế là vậy, nên đòi hỏi những người làm DVCĐ cần chủ động, linh hoạt hơn nữa trong bám sát cơ sở, gần người dân để triển khai tốt hơn nữa vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Dân chủ được phát huy, lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; quản lý, điều hành của chính quyền được củng cố sẽ là “động lực”, “chất xúc tác” để công tác DVCĐ trong tỉnh đạt kết quả cao hơn từ cơ sở. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và ý thức, trách nhiệm, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên cũng là cơ sở, giải pháp quan trọng để công tác DVCĐ luôn phát huy; góp phần tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và sự phát triển đi lên của tỉnh.

Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện NQ lần thứ XIII của Đảng, NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về công tác DVCĐ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban DV Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài chỉ rõ, tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng việc nắm bắt tình hình Nhân dân của một số địa phương, đơn vị còn thiếu kịp thời. Công tác DV chính quyền ở một số địa phương, đơn vị hiệu quả chưa cao, nhất là trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, cải cách hành chính; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số nơi vẫn còn hạn chế...

Nhiều bài học kinh nghiệm cũng là giải pháp để tháo gỡ khó khăn đã được Ban DV Tỉnh ủy đặt ra; trong đó nhấn mạnh, quan tâm phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả giữa công tác DVCĐ của hệ thống chính trị các cấp với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Điều quan trọng đối với đội ngũ làm công tác DVCĐ là phải thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của Nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; chú trọng công tác DV ở cơ sở, nhất là địa bàn thôn, bản, tổ dân phố; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: ANH PHONG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/noi-dan-hieu-va-hieu-dan-noi-133895.html