Nơi đặt ngai vàng của vua Nguyễn hơn 100 năm trước
Charles Édouard Hocquard - bác sĩ quân y Pháp - tới Việt Nam từ 1884 đến 1886. Ông đã ghi chép, chụp ảnh về cảnh vật, con người, lối sống nhiều vùng như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế… Cuốn sách không chỉ là áng văn du ký mà còn là nguồn tư liệu về nước ta cuối thế kỷ XIX.Điện Thái Hòa nguy nga chiếm hết mặt bằng một cung lớn 3 tầng mái. Hàng dãy cột lớn sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn chạm khắc cao tới tận mái.
Bốn ngày sau khi tới Huế, tùy phái của tướng Prudhomme mang tới cho chúng tôi tờ giấy phép đang mong là được vào thăm cấm cung.
Sáng hôm sau, cùng thằng bồi mang máy ảnh, tôi qua sông vào hoàng thành tìm tới đệ nhất thông dịch của nhà vua là linh mục Hoang, người sẽ giúp tôi vào cấm thành được dễ dàng (linh mục Hoang tức linh mục Hoàng, một số tài liệu ghi là Hoằng - dịch giả).
[...]
Từ Ngọ Môn, chúng tôi đi qua một cầu gạch bắc trên con hào gần khô cạn trong thành và bước vào một sân lớn trước cung điện thứ nhất.
Từ hai đầu cầu dẫn tới đó, sừng sững hai cổng chào, mỗi cổng dựng bằng bốn cây cột đồng thanh đúc nguyên khối với họa tiết nổi hình rồng uốn khúc quấn từ chân tới đỉnh.
Các xà ngang được trang trí bằng những mảng sứ nhiều màu khác nhau, vẽ nổi những bông hoa và biểu hiệu khác. Tất cả họa tiết ấy đều được gia công hoàn hảo.
Hai bên sân là tượng hai con hổ thếp vàng đặt trên bệ gạch có mái che nhỏ hình vòm với bốn cột chống. Một sân nữa nhỏ hơn sân này dẫn đến điện đặt ngai vua (điện Thái Hòa - dịch giả).
Điện Thái Hòa thật nguy nga chiếm hết mặt bằng một cung lớn ba tầng mái, các mái đua và nóc được trang trí bằng tượng quái vật huyền thoại. Hàng dãy cột lớn sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn chạm khắc cao tới tận mái.
Các bức tường được ốp ván gỗ khắc tuyệt đẹp từ mặt sàn lên tới trần điện. Trong cùng, giữa hai hàng cột, trên một bệ ba bậc là ngai vua được sơn son thếp vàng, hình dáng như chiếc ghế bành, phía trước có hai chỗ đặt bàn chân hình hổ nằm.
Sau ngai là một bức trướng sang trọng thêu nổi hình con rồng bốn móng, biểu tượng của vua. Trên đầu là một tán lụa vàng thêu nhiều màu sắc.
Đây là nơi nhà vua thiết đại triều trước bá quan tập họp ở hai bên sân phải và trái bên ngoài điện. Những bức mành lớn bình thường vẫn buông che hai sân, vào những ngày ấy được cuốn hết lên.
Cung điện thứ nhất này có hai cửa nhỏ hai bên thông với sân sau lát bằng những phiến gạch lớn. Có ba cửa lớn sơn đỏ vẽ rồng vàng to mở ra sân này và hướng về một vành đai thứ hai tận cùng là một cung lớn nữa, kiến trúc như cung thứ nhất, phía trước có một sân lát gạch (các cửa lớn đỏ này là đại cung môn do vua Minh Mạng xây - dịch giả).
Vừa qua cửa đỏ, cha Hoàng đã tụt hài, đi chân trần trước tôi và hạ thấp giọng nói. Ông đã buộc tôi để thằng bồi bên ngoài, máy ảnh thì giao cho ông quan cấp thấp ra đón chúng tôi ở vòng cung thứ hai mang giúp. Ông này cũng để chân trần, vẻ mặt rất nghiêm trang đi sau chúng tôi, không nói một lời.
Đây là nơi nhà vua thường có mặt. Để tỏ lòng kính trọng ông, các quan và người hầu hạ phải cởi bỏ giày dép và nói nhỏ.
Ở cạnh hai sân này có hai dãy nhà ngang là chỗ ở của lính cảnh vệ. Nhà vua đã cho đưa xuống một trong hai nhà ấy ban cho tôi một đĩa bánh ngọt và chè hảo hạng. Trong khi thưởng thức bữa ăn nhẹ này, tôi thấy một đám rước lạ đi qua sân.
Những người lính mặc đồng phục đỏ khiêng một chiếc kiệu trên để một hộp vuông, bốn mặt có mành nhỏ vây kín, có mấy đội trưởng cầm lọng vàng che bên trên, lại có bốn quân lính đội mũ có kiểu vành lạ trên trán, mang gươm lớn, nghiêm trang đi trước. Cha Hoàng cho biết đây là rước lễ vật của nhà vua hàng ngày dâng lên miếu thờ tổ tiên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-dat-ngai-vang-cua-vua-nguyen-hon-100-nam-truoc-post1131325.html