Nỗi đau bà mẹ có con phạm tội giết người

Từ ngày con gây án, nạn nhân lại chính là chị gái (cùng mẹ khác cha) của mình, bà Nguyễn Thị L. suy sụp hẳn. 'Con dại cái mang', người đàn bà ấy phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, vừa chăm sóc hai mẹ con chị gái, vừa thăm nuôi đứa con trai trong trại. Ngày 11-9, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đặng Quang Hậu (2000, trú xã Nghĩa Dũng, H. Tân Kỳ, Nghệ An) về tội 'Giết người'. Bị hại trong vụ án là bà Phạm Thị S. (1968, người khuyết tật nặng), là dì ruột của bị cáo, sống cạnh nhà.

Bị cáo Đặng Quang Hậu khai nhận tại tòa.

Bị cáo Đặng Quang Hậu khai nhận tại tòa.

Chém dì ruột trong đêm

Theo nội dung vụ án, lúc 23 giờ 20 phút ngày 31-10-2022, sau khi dự một tiệc cưới trong xóm, Đặng Quang Hậu về nhà ngủ thì nghe dì ruột là bà Phạm Thị S. (1968, người khuyết tật nặng) la hét. Ra kiểm tra, Hậu thấy người dì nằm ở bụi chuối trong tình trạng say rượu. Thấy vậy, Hậu ngồi đè lên người bà S. nhưng người dì chống cự nên Hậu bịt miệng và bế bà S. vào giường của mình. Thấy bà S. tiếp tục la hét, Hậu bóp cổ rồi đuổi về nhưng người dì vẫn nằm trên giường la hét. Tức giận vì đêm đã khuya nhưng dì lại hét to, Hậu lấy điếu cày đánh 2 phát vào vùng đầu bà S. Thấy bà S. vẫn nằm trên giường nên Hậu kéo xuống giường, đưa ra ngoài sân. Sau đó, Hậu cầm dao chém 3 nhát vào vùng cằm, cổ, tay phải nạn nhân. Bị chém đau, bà S. hét to kêu cứu nên Hậu cầm 2 viên gạch táp lô và dao đe dọa. Lúc này, bà S. đứng dậy đi về nhà và dọa sẽ mách cho người thân biết việc Hậu đánh mình.

Một lát sau, Hậu lại tiếp tục nghe tiếng la hét tại nhà bà S. nên chạy sang chém liên tiếp vào người dì đến bất tỉnh rồi bỏ về nhà ngủ. Sáng sớm hôm sau, hàng xóm và người thân phát hiện bà S. nằm bất động giữa sân, trên người có nhiều máu nên đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bị mọi người truy vấn, Hậu thừa nhận đã chém bà S. và đến cơ quan Công an đầu thú. Riêng nạn nhân, sau khi được đưa đi cấp cứu, điều trị giữ được tính mạng nhưng bị tổn thương cơ thể đến 61%.

Nỗi đau đằng sau vụ án

Phiên tòa xét xử Đặng Quang Hậu có khá đông người thân của bị cáo đến dự. Sau khi xảy ra sự việc, bố bị cáo do mang bệnh nên cũng bỏ về nhà nội ở, mọi hậu quả của con trai gây ra từ chi phí điều trị cũng như chăm sóc bị hại đều do một mình bà Nguyễn Thị L. (1975, mẹ bị cáo) gánh vác, lo liệu. Bà Phạm Thị S. trải qua một thời gian dài điều trị tại bệnh viện mới được về nhà trong tình trạng tổn thương nặng, teo chân tay, nằm một chỗ, không thể đi lại được. Gia cảnh nạn nhân cũng rất đáng thương, chồng bà S. đã mất, người con trai cũng bị bệnh khuyết tật bẩm sinh. Hai mẹ con bà S. sống trong ngôi nhà tình nghĩa mới được xây dựng. Do tính tình không được bình thường, nên thỉnh thoảng bà S. cũng hay rượu chè, say xỉn.

Sau vụ án, một mình bà L. phải lo nuôi mẹ con bị hại và chu cấp cho con trai trong trại giam.

Sau vụ án, một mình bà L. phải lo nuôi mẹ con bị hại và chu cấp cho con trai trong trại giam.

Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Quang Hậu thừa nhận hành vi phạm tội. Hậu khai vì nạn nhân liên tục la hét, sợ đêm khuya mọi người nghe thấy nên đã đánh, chém vào người. Biện minh cho hành vi của mình, bị cáo trình bày vì hôm đó có rượu nên không làm chủ được hành vi và cũng không nhớ rõ tình tiết vụ việc. Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi tới bị hại và người thân, đồng thời xin tòa giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được trở về với gia đình.

Có mặt tại phiên tòa xét xử con trai, bà Nguyễn Thị L. được HĐXX đặt câu hỏi để làm rõ một số tình tiết trong vụ án. Thấy mẹ bước lên hàng ghế phía trên, Hậu ngoái lại nhìn mẹ rồi rớm nước mắt. Trong thâm tâm đứa con gây ra tội tày đình, Hậu vẫn cảm thấy có lỗi với mẹ vì cũng chính sai lầm của mình đã khiến mẹ phải lao tâm, khổ tứ. Bà L. liên tục khóc khi thấy con trai nhắc lại hành vi phạm tội.

Bà L. cho biết, Hậu mới học hết lớp 3, từ nhỏ do tính cách không được bình thường, tiếp thu chậm nên đã được gia đình đưa đi học lớp dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Lớn lên, có thời gian Hậu đi làm thuê ở miền Nam nhưng cũng không gửi về được cho mẹ đồng nào. Sau khi về quê, Hậu có đi làm nhưng cũng không đủ lo cho bản thân. Bởi vậy, số tiền lo chi phí chữa trị cho nạn nhân cũng một mình bà L. lo liệu. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Đăng Tân, người được bị hại ủy quyền là đại diện hợp pháp cho bị hại không yêu cầu bị cáo phải đền bù một khoản tiền nào, đồng thời xin HĐXX giảm án cho bị cáo.

HĐXX nhận định, hành vi dùng điếu cày và dao đánh và chém nhiều nhát vào vùng trọng yếu của bị hại và hành vi cầm dao chạy sang nhà bà S. tiếp tục chém là tình tiết tăng nặng “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”. Do bà Phạm Thị S. là người khuyết tật nặng nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khác “Phạm tội đối với người khuyết tật nặng”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo khai báo thành khẩn, có thái độ ăn năn, hối cải. Sau khi phạm tội, bị cáo đã đầu thú và được đại diện hợp pháp cho bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Đặng Quang Hậu 15 năm tù về tội “Giết người”.

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/noi-dau-ba-me-co-con-pham-toi-giet-nguoi-post283263.html