Nỗi đau của những nạn nhân bị 'quấy rối' từ ngoài đời đến trên mạng xã hội

Cả phụ nữ lẫn cánh mày râu đều có thể là nạn nhân của nạn 'quấy rối tình dục' trên mạng xã hội. Hậu quả của sự tấn công và quấy rối là nỗi ám ảnh, tổn thương tâm lý từ nhẹ đến nghiêm trọng cho người bị hại.

Hình ảnh Hoa hậu Khánh Vân tham gia chiến dịch “Hãy lên tiếng” kêu gọi phụ nữ dũng cảm tố cáo kẻ quấy rối.

Hình ảnh Hoa hậu Khánh Vân tham gia chiến dịch “Hãy lên tiếng” kêu gọi phụ nữ dũng cảm tố cáo kẻ quấy rối.

Nghịch lý nạn nhân cũng bị "ném đá"

Thời gian qua, không ít sự việc nạn nhân của những vụ lạm dụng, quấy rối lên tiếng tố cáo thủ phạm. Thế nhưng, đáng nói là những nạn nhân bỗng chốc trở thành “kẻ xấu”, chịu sự ném đá, chỉ trích của một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng.

Như câu chuyện một nữ du học sinh nước ngoài lên tiếng tố cáo một thanh niên nổi tiếng, có học thức, có mặt trong danh sách vinh danh của một tạp chí quốc tế tại Việt Nam. Sau một thời gian dài chịu đựng nỗi ấm ức, ám ảnh tâm lý do bị quấy rối, nữ sinh nói trên đã lên tiếng kể câu chuyện của mình, kèm theo đó là những bằng chứng chụp tin nhắn các cuộc nói chuyện.

Sau sự việc, ngôi trường nơi cựu nam sinh học tập lên tiếng xin lỗi, người thanh niên này cũng bị rút khỏi danh sách vinh danh của tạp chí danh tiếng. Nhưng, nữ sinh lên tiếng tố cáo cũng đứng trước không ít rắc rối. Trên mạng xã hội, không ít lời khiếm nhã dành cho nữ sinh. Có những lời cười cợt rằng cô “không ăn được thì đạp đổ”. Có không ít người nghi vấn, cho rằng một thanh niên thành đạt, nổi tiếng thiếu gì người để yêu, việc gì phải đi “gạ tình” một cô gái không tên tuổi?

Hay như sự việc gia đình một nữ sinh viên tố cáo trưởng một khoa luật cưỡng bức tình dục. Nữ sinh này đã đứng trước không biết bao nhiêu lời tấn công thô thiển từ không ít cá nhân trên mạng xã hội. Người ta gọi cô là “bồ nhí”, là “tự dẫn mình vào miệng cọp”, cho rằng cô lập mưu đẩy vị trưởng khoa kia “rớt chức”. Không ít lời chê bai, dè bỉu rằng cô lẳng lơ, bị như thế là “đáng đời”.

Đã có không ít sự việc như thế, hay nói đúng hơn là trước hầu hết những tố cáo của nạn nhân về việc bị quấy rối, họ đều không tránh khỏi việc bị nhận những búa rìu dư luận, những cuộc “ném đá”, thậm chí nhiều lời quấy rối nặng nề hơn từ phía một bộ phận cộng đồng.

Có thể thấy từ sự việc của nữ vũ công Phạm Lịch tố cáo nam ca sĩ Phạm Anh Khoa nhiều năm trước. Mặc dầu những tố cáo ấy đã gần như được chứng thực bởi nhiều người trong nghề, Phạm Lịch vẫn đứng trước biết bao chửi bới, quấy nhiễu từ những kẻ ác miệng. Có một thời gian cô rơi vào khủng hoảng vì bị tẩy chay, bị cắt mất các show diễn.

Sự việc tương tự đã xảy ra cho các trường hợp nữ thực tập viên tố cáo một vị “sếp” trong nghề báo chí lạm dụng tình dục mình, hay nữ sinh tố cáo thầy giáo có hành vi quấy rối gây xôn xao dư luận.

(ảnh minh họa).

(ảnh minh họa).

Những nạn nhân của việc quấy rối trên mạng không chỉ là phái yếu, mà có cả những thanh niên trẻ. Cách đây nhiều năm, một nam diễn viên trẻ mới vào nghề lên tiếng tố cáo một nam diễn viên hài nổi tiếng gạ tình, quấy rối anh. Thời điểm đó, diễn viên hài còn đang nổi đình nổi đám, chưa dính vào scandal nào, thế nên lời tố cáo của nam diễn viên trẻ không tên tuổi hầu như không nhận được sự tin cậy của cộng đồng.

Thậm chí, anh còn bị nhiều người vào châm chọc, chế giễu, nhận định này nọ về giới tính của anh. Sau đó một thời gian, nam diễn viên hài nổi tiếng bị vạch trần thói quen bệnh hoạn, ấu dâm, thích gạ gẫm những diễn viên trẻ thì người ta mới lật lại lời tố cáo kia và đồng cảm với nạn nhân.

H.C., từng là ca sĩ phòng trà, nạn nhân một vụ quấy rối tình dục cho biết, anh bị một ông bầu sàm sỡ, gạ tình, hứa hẹn cho nhiều lợi ích nếu chịu “ăn nằm” với ông bầu này. Sợ hãi, mệt mỏi vì bị quấy rối, đe dọa, anh đã lên mạng tố cáo bộ mặt thật của ông bầu. Tuy nhiên, sau 2 tiếng đồng hồ đăng tải, anh đã phải hạ thông tin xuống vì nhận được sự hăm he từ phía ông bầu lẫn các đồng nghiệp, đồng thời là những trêu chọc, tấn công đầy khiếm nhã từ phía cộng đồng mạng.

“Tôi không thể ngờ, mình là nạn nhân và chỉ nói lên sự thật, thế nhưng họ liên tục tấn công tôi. Nhiều người không liên quan chửi bới tôi là dựa hơi, tạo scandal, muốn “khoe thân” trá hình. Có không ít người nhắn tin, gọi điện cho tôi, hỏi tôi có muốn “đi khách” hay không. Quá sợ hãi, tôi đã hạ thông tin xuống và cũng rời khỏi cái nghề đầy thị phi này. Hiện tôi đang làm chủ một quán cà phê nho nhoở̉ Sài Gòn, không dám bước chân vào ngành giải trí nữa”, H.C. chia sẻ.

Ám ảnh những lời nói có tính sát thương

Người ta thường khuyến khích các nạn nhân bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục nói ra chân tướng sự việc, để kẻ thủ ác không thoát khỏi lưới pháp luật, đồng thời cũng là giúp nạn nhân đối diện với vết thương, thoát ra khỏi nó.

Phong trào #metoo ra đời và phát triển mạnh meỡ̉ nhiều nước trên thế giới cũng từ mong muốn này. Nhiều người nổi tiếng trên thế giới, sau nhiều năm chịu đựng nỗi đau bị lạm dụng đã dũng cảm đứng ra, lên tiếng tố cáo kẻ hại mình, đối diện với nỗi đau của chính mình.

Nhưng trên thực tế, mặt trái của việc tố cáo kẻ thủ ác, như đã nói ở trên, chính là nạn nhân lại một lần nữa bị quấy rối, bị tấn công bởi một bộ phận cộng đồng.

Dẫu biết rằng, trước một sự tố cáo, phản biện của dư luận là điều cần thiết để sự thật sáng tỏ. Nhưng thực chất, hầu hết những lời phản biện không nhằm vào mục đích tốt đẹp là làm rõ trắng đen, mà ngược lại dùng để tấn công nạn nhân, đem những lời ác ý và khả ố khoét sâu thêm những vết thương đau đớn của nạn nhân. Đã có những nạn nhân, ban đầu rất dũng cảm, mong muốn vạch trần kẻ có tội.

Nhưng đứng trước áp lực dư luận, trước những lời khaổ́, độc hại nhắm vào mình, đã không thể tiếp tục kiên trì đi trên con đường “chính nghĩa”. Sau những lần dũng cảm không thành, nhiều nạn nhân còn chìm sâu hơn vào nỗi đau, rơi vào những đợt khủng hoảng tâm lý, sợ hãi, mất niềm tin ở con người...

Trước những tấm gương như thế, làm sao khiến nhiều nạn nhân dám đứng ra “chỉ mặt điểm tên” kẻ lạm dụng mình, đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ cho xã hội nữa?

Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, có rất nhiều lý do khiến nạn nhân phải im lặng và im lặng, trong đó có một lý do lớn, đó là nỗi sợ hãi bị tấn công bởi dư luận, bởi mạng xã hội. Không thể trách họ là hèn nhát, bởi vì đôi khi nói ra, cái mất của họ còn gấp nhiều lần hơn nữa.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết, phụ nữ trưởng thành có thể bị quấy rối bởi đồng nghiệp, sếp, đối tác và cả những người không quen biết, ở văn phòng, công sở, nhà máy, bãi gửi xe, nhà vệ sinh công cộng… Họ có thể bị trêu ghẹo, tán tỉnh, sàm sỡ, sờ soạng, thậm chí bị tấn công tình dục. Hầu như nạn nhân không được thông cảm, giúp đỡ bởi bất kỳ ai. Nhiều người đã tự nhủ “sống để bụng, chết mang theo”.

“Đổ lỗi cho nạn nhân là ngăn chặn nỗ lực đi tìm công lý và đẩy nạn nhân đến chỗ tuyệt vọng. Đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi dù vô tâm hay cố ý. Nếu không thể giúp, nếu không muốn đồng hành với họ thì cũng đừng làm họ khổ đau hơn”, đó là lời chia sẻ đầy trăn trở của tiến sĩ Khuất Thu Hồng.

Đó có lẽ cũng là một câu hỏi lớn cần lời giải cho cả một cộng đồng. Làm thế nào để #metoo không chỉ là một phong trào, làm thế nào để những nạn nhân không trở thành nạn nhân một lần nữa, khi đứng ra vạch trần kẻ gây tổn thương cho mình?

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/noi-dau-cua-nhung-nan-nhan-bi-quay-roi-tu-ngoai-doi-den-tren-mang-xa-hoi-post445443.html