Nỗi đau da cam và 'gánh đời' của người lính già
Đến thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Khánh Nhã ở phường Thành Vinh (Nghệ An), chúng tôi không khỏi xúc động trước hoàn cảnh éo le mà vợ chồng người lính già đang phải gánh chịu. Thấy khách đến, ông vội khóa dây xích cố định tay người con trai đang nằm vào thành giường. Như hiểu sự ái ngại của chúng tôi, ông Nhã chậm rãi nói: 'Đây là con trai út của tôi, năm nay 42 tuổi. Cháu bị bại não, thần kinh không kiểm soát, không tự chủ trong sinh hoạt. Khi có người lạ đến, cháu thường la hét, quậy phá nên tôi buộc phải xích lại'.
Trò chuyện với CCB Nguyễn Khánh Nhã, chúng tôi được biết, năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, ông được biên chế về Trung đoàn 84 Pháo binh, Sư đoàn 325, tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường ác liệt như Quảng Trị, Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1979, ông xuất ngũ trở về quê hương trong tình trạng thương binh hạng 4/4 và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đau lòng hơn, 4 người con của ông (2 trai, 2 gái) đều mang di chứng nặng nề của chất độc da cam/dioxin.

Cựu chiến binh Nguyễn Khánh Nhã và con trai Nguyễn Khánh Sơn.
Trong đó, con trai út Nguyễn Khánh Sơn là người chịu ảnh hưởng nặng nhất, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Gánh nặng cơm áo, thuốc men, chăm sóc con bệnh tật đè nặng lên vai người lính già đã ngoài 70 tuổi. Trong khi đó, nguồn thu nhập chính của cả gia đình chỉ trông vào khoản trợ cấp thương binh và nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bản thân CCB Nguyễn Khánh Nhã lại thường xuyên đau ốm, mắc nhiều bệnh như tim mạch, huyết áp và đã trải qua nhiều lần can thiệp tim mạch...
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Ông Nguyễn Khánh Nhã, số nhà 71 đường Đặng Tất, phường Thành Vinh, tỉnh Nghệ An; điện thoại: 0388.370.565; số tài khoản tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank): 030036965939.