Nỗi đau để lại!

'Tao không biết mày, mày đi đi...', bà Thảo luôn miệng đuổi bất cứ ai vào thăm, khiến tôi mường tượng sự tàn khốc của chiến tranh cướp đi nhiều sinh mạng và đẩy bao người vào cuộc sống tàn phế.

Nỗi đau để lại

Đến nhà ông Huỳnh Nhất Tịnh - Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị TP. Phan Thiết ở khu phố 3, phường Xuân An vào một chiều nắng nhẹ. Tôi có cảm giác rất sợ vì cái vắng vẻ dù nhà ông nằm ở phố đông người qua. Ông Tịnh dù đã ngoài 70 tuổi vẫn còn giữ nguyên cốt cách người chiến sĩ cách mạng năm xưa. Ông và vợ ông là bà Nguyễn Thị Thảo (SN 1953), cả hai là cựu tù Côn Đảo, sinh 4 người con. Phần lớn các con đã có gia đình ở riêng và đi làm ăn xa, đứa nào cũng hoàn cảnh khó khăn. Suốt những năm qua, ông cùng các con, chủ yếu là cháu ngoại Nguyễn Trọng Khang, 15 tuổi chăm sóc bà Thảo, người bị bệnh tâm thần phân liệt nặng do di chứng chiến tranh.

Theo y học, bệnh tâm thần phân liệt là loại bệnh loạn thần nặng, bệnh nhân suy nghĩ nhanh, nói nhiều, nói những câu vô nghĩa; rối loạn hành vi, gào thét, đập phá, đánh người khác... Bà Thảo đã, đang trong tình trạng như thế, hát hò, nói cười cả ngày lẫn đêm; chửi bới, đánh đập nếu ai đến gần. Ông Tịnh nói: “Nhiều khi chịu không nổi với hành động của bà ấy. Trước kia khi còn trẻ còn sức khỏe thỉnh thoảng lên cơn, nhưng hơn 10 năm trở lại đây bà mất ý thức, nhận thức hoàn toàn, hành động cũng như nói năng đều không kiểm soát”.

Qua lời ông Tịnh mới thấy, phải là người kiên nhẫn, chịu đựng lắm mới có thể chăm sóc được bà Thảo. Cậu bé Khang hàng ngày cứ ngoài thời gian đi học lại tranh thủ về nhà phụ ông chăm và “canh gác” không để bà ra khỏi nhà. Vì nếu để bà ra ngoài là sẽ không biết đường về hoặc làm những chuyện không bình thường ảnh hưởng đến tính mạng. “Mỗi lần quên chốt cửa, bà ra khỏi nhà là con với ông đi tìm. Có những lần con và ông lo nấu ăn ở phía sau nhà quên chốt cửa, bà ra ngoài đường, con phát hiện đưa bà vào nhà, bà không chịu và nằm lăn ra đường, những lúc ấy con rất sợ”, Khang kể.

Hoàn cảnh của bà Thảo, cả khu phố 3 ai cũng biết. Tuy vậy, có người chia sẻ, nhưng cũng có người sống bên cạnh chịu không nổi với tiếng rên, la suốt ngày đêm của bà. Ông Dung, 68 tuổi, một người hàng xóm cho biết: “Một thời gian dài bà ấy la hét suốt ngày, đêm không ai chịu nổi. Cứ đi lang thang ngoài đường, vào nhà ai thấy có vòi nước là lột đồ ra tắm, gia đình phải đưa vào nhà thương Biên Hòa”.

Trước hoàn cảnh ấy, những năm qua các bạn tù Côn Đảo từ TP.HCM ra xây cho bà một căn phòng nhỏ trong nhà. Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh đã phối hợp với Công an Phan Thiết nhận bảo trợ, nuôi bà suốt phần đời còn lại.

Giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp tỉnh cấp, ghi rõ bà Thảo chấn thương đầu và đau nhức toàn thân do tù đày tra tấn, suy nhược thần kinh nặng dạng tâm thần phân liệt.

Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/noi-dau-de-lai-136856.html