Nỗi đau đi qua, tình người ở lại

6 năm sau khi người chồng là Thượng úy Đặng Đức Thanh công tác tại Hải đoàn Biên phòng 28 hy sinh, hạnh phúc lại một lần nữa mỉm cười với cô giáo Nguyễn Thị Tuyên. Sau bao nỗi đắng cay, nhọc nhằn, cuối cùng chị và con cũng có một gia đình trọn vẹn. Người bạn đời của chị sau này cũng công tác tại Hải đoàn Biên phòng 28.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyên bên di ảnh người chồng đã hy sinh. Ảnh: Văn Chương

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyên bên di ảnh người chồng đã hy sinh. Ảnh: Văn Chương

Xã đảo Thổ Châu (quần đảo Thổ Chu), thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào tháng 7 thường xuất hiện nhiều đám mây có màu vẩn đục, báo hiệu sắp có gió. Tại đền Thổ Châu, thỉnh thoảng, những người lính Biên phòng lại cùng các cháu học sinh và người dân vào thắp hương. Bàn thờ các anh hùng liệt sĩ chỉ ghi vắn tắt trên tấm linh vị bằng đá màu đen, nhưng đó là những câu chuyện rất dài, trong đó có chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Tuyên, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Bàng, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyên, sinh năm 1971, quê ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, vùng đất gắn với câu thơ: “Ba mươi năm khắp núi rừng/Danh ông Đề Thám vang lừng núi sông”. Năm 1992, cô gái 21 tuổi theo chồng vào tận vùng đất Tây Nam xa xôi để định cư. Ở vùng đất mới này có một sự tương đồng về nhân vật lịch sử, đó là nơi vang danh người anh hùng Nguyễn Trung Trực, cuộc đời ông gắn với câu thơ “Lửa bừng Nhật Tảo rêm trời đất/Kiếm tuốt Kiên Giang quỷ rợn thần”. Sinh ra ở vùng đất gắn với tên tuổi những ngày anh hùng, từ đó, chị Nguyễn Thị Tuyên luôn suy nghĩ về bổn phận của người phụ nữ trong thời đất nước vẫn còn chồng chất khó khăn. Chồng chị là anh Đặng Đức Thanh, một người lính quân hàm xanh công tác tại Hải đoàn Biên phòng 28. Cách đây 28 năm về trước, thị xã Rạch Giá là một miền quê rất nghèo, cảnh vật của phố thị cũng chỉ là những ngôi nhà nhỏ và cây cầu lắc lẻo trên nhiều tuyến đường đi.

Khi vào vùng đất mới, anh chị sống trong một căn nhà tạm. Ngày 2/9/1993, chị sinh con trai và được anh đặt tên là Đặng Thanh Tùng. Khi con trai được 3 tuổi, chị đếm thời gian mỗi năm anh ở nhà với con chỉ trên đầu ngón tay. Anh thường kể với chị tình đồng đội thương nhau như anh em ruột thịt; trong đó, có người đồng nghiệp, cùng quê Bắc Giang, tên là Hà Đình Khiết, sinh năm 1968, nhưng vẫn chưa lập gia đình. Ngày đó, cái tên Hà Đình Khiết chỉ lướt qua trong tâm trí chị như vậy, nhưng chị cũng không ngờ rằng, sau này, người đồng đội đã gắn bó với chồng mình lại trở thành người bạn đồng hành, lo lắng cho cuộc đời chị và con nhỏ, khi anh hy sinh.

Chị Tuyên biết nhiệm vụ của chồng rất nặng nề và nguy hiểm, nhưng chị luôn nhớ lời cha mẹ hai bên căn dặn, “con hãy cố gắng trở thành hậu phương vững chắc cho người lính Biên phòng”. Qua những người đồng đội của anh, thỉnh thoảng, chị nghe loáng thoáng về những hiểm nguy anh phải đối mặt trong những lần thực hiện nhiệm vụ. Nhìn nước da đen, chiếc áo xanh đã bạc màu, dáng người gầy gò của anh, chị thầm hiểu được nỗi vất vả, gian truân, những chuyến tuần tra ròng rã hàng tháng trời bám biển, thiếu rau xanh, tiết kiệm từng ca nước ngọt.

Tàu Thái Lan chở cần sa từng bị Thượng úy Đặng Đức Thanh tham gia bắt giữ. Ảnh: Văn Chương

Tàu Thái Lan chở cần sa từng bị Thượng úy Đặng Đức Thanh tham gia bắt giữ. Ảnh: Văn Chương

Chị tâm sự, ngày 8/4/1996, anh ghé về thăm nhà rồi lại vội vã trở lại đơn vị, chị không ngờ đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của chị với anh. Trong chuyến truy bắt tội phạm trên biển, anh và đồng đội đã anh dũng hy sinh trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Sau khi hy sinh, Trung úy Đặng Đức Thanh được truy phong Thượng úy. Sau khi anh mất, chị Nguyễn Thị Tuyên lâm cảnh gà mẹ nuôi con, trong khi chưa có việc làm. Đó là những tháng ngày chị đổ bệnh, phải liên tục vào bệnh viện. Con trai 3 tuổi của chị được gửi cho gia đình ông Đinh Trọng Cân, là người đồng hương của anh chị. Gia đình ông Cân cũng cưu mang chị như đứa con ruột, hỗ trợ để chị hoàn thành chương trình học sư phạm.

Những ngày nằm trên giường bệnh, chị luôn nhìn thấy anh trở về và trên người mặc chiếc áo ướt sũng nước biển. Khi bình tâm lại, chị mới hiểu rằng, màu áo xanh kia không phải là ảo ảnh, bởi đồng đội của anh ở đơn vị thường thu xếp công việc để ghé lên chăm sóc hai mẹ con chị. Mỗi lần anh Khiết đến thăm, cậu con trai lại quấn quýt, bắt chú Khiết cõng đi chơi qua chiếc cầu dừa. Chị nhớ lại: “Tình đồng chí, đồng đội ngày đó rất thiêng liêng, anh em đến nhà và lúc nào cũng coi mình như người chị, người em, luôn lo lắng, hỏi thăm và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ bất cứ lúc nào”. Hiện nay, từ nhà chị đi xuống Hải đoàn Biên phòng 28 chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, còn thời điểm đó, phải đi qua 2 bến phà, có khi phải mất gần 1 ngày mới tới nơi được.

6 năm sau khi chồng chị qua đời, Trung tá Hà Văn Khiết đã ngỏ lời xin được thay anh Thanh chăm sóc chị và con. Trước tấm chân tình của anh, chị đã gật đầu đồng ý để con mình có một gia đình trọn vẹn và được hưởng hơi ấm của tình cha thiêng liêng. Năm 2024, Trung tá Hà Văn Khiết nhận quyết định nghỉ hưu, còn chị thì vẫn là cô giáo, cậu con trai từng gật đầu đồng ý nhận anh làm bố, bây giờ đã theo ngành Công an và đeo quân hàm Đại úy.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-dau-di-qua-tinh-nguoi-o-lai-post478510.html