Nỗi đau không thể... nguôi ngoai
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra nhiều vụ án mạng gây rúng động xã hội. Đặc biệt, trong số này có hai vụ án mà hung thủ và nạn nhân đều là tình thân, ruột thịt của nhau làm bàng hoàng dư luận. Người chết, kẻ vào tù, nhưng bản án lương tâm và nỗi đau cho gia đình, họ tộc rất khó để... nguôi ngoai.
Chỉ vì khai thác mủ cao su nhầm lô mà hai anh em ruột mâu thuẫn với nhau. Hậu quả, người anh đã bị em dùng gậy gỗ đánh trọng thương dẫn đến tử vong và nghĩa cử cao đẹp về “huynh đệ tình như thủ túc” đã bị chà đạp. Trước đó không lâu, một vụ án khác xảy ra khi người chồng trong cơn say rượu đã bạo lực với vợ của mình dẫn đến “nghĩa tào khang” chia lìa đôi ngả, kẻ vào tù, người về với lòng đất. Trước vụ án này không lâu, tại thị xã Chơn Thành cũng xảy ra trường hợp, một gã chồng hờ có hành vi giết người khi dùng dao chém người tình gây hoang mang dư luận...
Không chỉ riêng Bình Phước, thời gian qua trong cả nước các vụ án mạng xảy ra như nêu trên không là chuyện hiếm và xuất hiện với tần suất rất đáng báo động. Điều đáng lo ngại là hầu hết các vụ án mạng đều xuất phát từ những chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Phần lớn kẻ gây án và nạn nhân thường có mối quan hệ khá mật thiết với nhau. Hung thủ gây án thường có nhân thân tốt, sinh ra trong gia đình nền nếp, có học thức và cũng có trường hợp là trí thức. Thế nhưng, khi thực hiện hành vi phạm tội lại rất tàn độc đối với nạn nhân… Nếu trước đây, các vụ án mạng thường xảy ra tập trung vào các nguyên nhân như tranh chấp đất đai, tài sản và cướp của… Còn thời gian gần đây, các vụ án mạng xảy ra đều là những lý do rất “trời ơi”, đã biến một con người bình thường trong phút chốc trở thành tội phạm giết người.
Đã có rất nhiều nhà khoa học, giới chuyên gia tập trung phân tích nguyên nhân, động cơ gây án và đưa ra nhiều giải pháp, bài học để ngăn chặn các hành vi bộc phát có thể dẫn tới án mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do hạn chế về kiến thức pháp luật. Thứ nữa là do bị tiêm nhiễm bởi thứ văn hóa độc hại, ngoại lai của lối sống thực dụng từ bên ngoài và hình ảnh, clip bạo lực tràn lan trên mạng xã hội. Những tiêu cực này đang tồn tại trong cuộc sống hằng ngày và đã tác động trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của một bộ phận không nhỏ giới trẻ ở nước ta hiện nay.
Thời gian qua, các cấp, ngành trong cả nước đã rất quan tâm đến công tác giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng luật pháp, tôn trọng tính mạng con người của nhân dân. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa kịp thời, đổi mới nên hiệu quả không cao, nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng công tác này nên nhận thức về pháp luật của không ít người dân vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong giai đoạn hiện nay, ngoài đổi mới phương pháp phổ biến pháp luật, các cấp, ngành cần có chương trình hành động lớn về bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình… để nâng cao nhận thức của nhân dân. Phải thực thi đầy đủ, nghiêm minh Luật An ninh mạng để ngăn chặn “clip đen” đang cổ xúy cho các hành vi bạo lực trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của gia đình, ông bà, cha mẹ… trong việc giáo dục các thành viên về tình yêu thương, tính nhân ái, sự kiềm chế, bình tĩnh để hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống. Đặc biệt, nhà trường cần đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, pháp luật để học sinh nâng cao ý thức về lòng vị tha, nhân văn trong ứng xử hằng ngày giúp đẩy lùi sự ích kỷ, đố kỵ nhằm hạn chế tối đa các hành vi bạo lực và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ về án mạng.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/150534/noi-dau-khong-the-nguoi-ngoai