Nỗi đau phía sau chuyện cô gái không dám về quê đón Tết cùng cha
'15 năm qua, năm nào tôi cũng về quê đón Tết cùng ba. Ở bên ba, tôi thấy mình được yêu thương. Nhưng bây giờ, nghĩ đến việc về bên ba đón Tết, tôi đau đớn, lặng khóc một mình'.
Muốn về quê đón Tết cùng ba
Những ngày cận Tết, tôi hay nằm mơ thấy ba. Trong mơ, tôi thấy mình qua đời, bỏ lại ba một mình, không ai chăm sóc nên khóc nức nở. Tôi cứ khóc trong mơ như thế cho đến khi giật mình thức giấc.
Đêm khuya và vắng lặng khiến tôi nhớ ba quay quắt. Tôi cầm điện thoại, nhắn dòng tin: “Con nhớ ba. Tết này con sẽ về ăn Tết cùng ba”. Nhắn xong, tôi lại ngồi khóc một mình. Tôi đau đớn vì dòng tin nhắn ấy sẽ lại là lời nói dối, lời hứa không được thực hiện như những năm trước.
Đã 3 năm nay, tôi không thể về thăm ba, đón Tết cùng ba ở quê dù Long An chỉ cách TP.HCM chưa đầy 100km. Nguyên nhân sâu xa của việc này là vì ba không phải ba ruột của tôi. Ông xuất hiện khi mẹ đang mang thai tôi được một tháng.
Trong một lần đi thăm nuôi người bệnh, mẹ tôi vô tình gặp ba. Hai người ngồi nói chuyện với nhau và mẹ đã kể chuyện mình bị phản bội, bỏ rơi cho ông nghe. Hoàn cảnh của mẹ đã chạm đến trái tim ba. Ông nói xin được cưới mẹ, được làm cha đứa bé đang hình hài trong bụng của bà.
Dẫu vậy, sau lần bị phản bội, mẹ tôi đã tắt lửa lòng. Thậm chí bà thù ghét “miệng lưỡi đàn ông”. Bà nhất mực chối từ rồi cắt đứt mọi liên lạc với ba. Thế mà không biết bằng cách nào ba vẫn tìm thấy mẹ. Ba xuất hiện lần thứ hai khi tôi được 3 ngày tuổi.
Lần này, ba đến tìm mẹ và chỉ xin bà cho ông được làm ba của tôi. Mẹ sợ tôi là con gái mà không có cha sẽ thiệt thòi và thấy ông có lòng như vậy nên đồng ý.
Hai người về ở chung nhà, hợp thức hóa lời nói dối của ông bà ngoại rằng mẹ tôi có người chồng đi lính nay đã trở về. Về sống chung, ba thay mẹ đút sữa, thay tã, tắm rửa… cho tôi suốt thời gian bà ở cữ.
Tôi sinh thiếu tháng lại suy dinh dưỡng nên quấy khóc, ốm đau, bệnh tật liên miên. Dẫu vậy, ba chưa một lần chán ghét hay nổi giận với tôi. Ba thương yêu và chăm sóc tôi như thể tôi là giọt máu của ông. Nhiều đêm ba thức trắng, ẵm bồng, ru tôi ngủ vì chỉ cần ông lỏng tay là tôi lại khóc ầm lên.
Những nỗi đau vô hình
Để nuôi mẹ con tôi, ba nghỉ làm ở cơ quan cũ. Ông mua cái máy may, đặt trong nhà nhận may, sửa quần áo làm kế sinh nhai. Những năm tháng ấy thật êm đềm. Ba luôn thương yêu, chiều chuộng tôi hết mực.
Thế nhưng cuộc sống yên ả ấy chỉ kéo dài được 6 năm. Khi tôi lên 6 tuổi, ba mẹ quyết định không sống cùng nhau sau nhiều lần cãi vã kịch liệt. Thế là tôi lại trở thành đứa trẻ không cha.
Từ lúc ba về quê sống, tôi khóc ngày qua ngày. Tôi không hiểu được lý do tại sao tự nhiên ba lại không ở cùng tôi nữa. Tôi khóc đòi ba nhiều đến nỗi mẹ phát chán, đồng ý cho tôi làm con hợp pháp của ba.
Nghe tin, ba mừng lắm. Ông bỏ dở công việc, cầm giấy tờ tức tốc chạy lên TP.HCM để hoàn tất các thủ tục, đón tôi về quê. Thế nhưng phút cuối, gia đình bên ngoại không đồng ý cho tôi về chung sống với ba vì ông và tôi không cùng huyết thống.
Họ lo sợ một lúc nào đó, ba sẽ không còn thương đứa con không máu mủ như tôi. Thế là tôi bị bắt lại với lời hứa dịp Tết, hè, ba sẽ lên đưa tôi về quê sống cùng. Liên tục 15 cái Tết, 15 kỳ nghỉ hè, tôi được ở với ba. Đó là những tháng ngày đẹp nhất. Ở với ba, tôi luôn có cảm giác mình là độc tôn, là con gái của ông.
Về lại nhà ngoại, tôi trống vắng, cô đơn vô cùng bởi mẹ thì đi làm suốt ngày, tôi không mấy khi thấy mặt. Nhà ngoại lại đông con cháu nên gần như chẳng đến lượt tôi được để tâm.
Khi tôi trưởng thành, gia đình ngoại càng không muốn tôi về quê ăn Tết cùng ba. Để ngăn cản, mọi người gây áp lực, trách mắng mẹ vì cho con gái về quê đón Tết với cha dượng.
Trong khi đó, ở quê, ba cũng bị gia đình, bạn bè chê cười, thậm chí từ mặt vì “trai chưa vợ lại đi đổ vỏ cho kẻ khác”, “nuôi con tu hú”.
Không muốn ba mẹ khó xử, tôi quyết định không về quê đón Tết cùng ba dù những ngày này, tôi nhớ ba, nhớ Tết ở quê quay quắt.
Bây giờ, tôi cũng đang nhớ ba, nhưng có lẽ tôi cũng chẳng thể về dù tôi và ba cách nhau chưa đầy 100km.